Kỳ 2: THU HÚT NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ ĐỂ NÂNG CAO KHẢ NĂNG CẠNH TRANH
Theo số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có 583 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 46 khách sạn từ 1-2 sao, 13 khách sạn từ 3 sao trở lên và tương đương. Trên địa bàn tỉnh đang có 126 doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó kinh doanh dịch vụ lưu trú 93 doanh nghiệp; lữ hành 24 doanh nghiệp; 9 doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch; 3 đơn vị kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô, xe điện, từng bước đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách.
Trong những năm qua, chính việc đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch là điều kiện then chốt để nâng cao hiệu quả, tạo sức hấp dẫn cho du lịch Ninh Bình. Làm việc trong lĩnh vực quản lý nhà hàng khách sạn hơn 10 năm tại Ninh Bình, anh Phan Đại Thụ, Quản lý khách sạn Hidden Charm tại Hoa Lư đánh giá: Tỉnh Ninh Bình đã định hướng rất đúng khi coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Những chính sách thu hút đầu tư về hạ tầng cũng như cách quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch đã mang lại một bộ mặt mới cho ngành du lịch, qua đó kêu gọi, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh đầu tư, tham gia khai thác có hiệu quả. Điều này thể hiện ở việc trong những năm gần đây du khách quốc tế đến Ninh Bình đã tăng đột biến, lượng khách quốc tế quay trở lại du lịch Ninh Bình và nghỉ dưỡng dài ngày có chuyển biến tích cực.
Ông Hoàng Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Thời gian qua, bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương, cơ sở hạ tầng du lịch của tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp, nhất là ở các khu du lịch trọng điểm như: Khu du lịch sinh thái Tràng An; Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư; Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế... Đến nay đã có 6 dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giao cho Sở Du lịch triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 9.100 tỷ đồng. Đây tiếp tục được coi là nguồn lực lớn nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến Ninh Bình.
Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, với phương châm "xã hội hóa du lịch", Ninh Bình đã ban hành hàng loạt chính sách để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư cho phát triển du lịch. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2008/NQ-HĐND về việc ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào Khu dịch vụ khách sạn trung tâm thành phố Ninh Bình. Đến năm 2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 28/2012/QĐ-UBND về việc ban hành quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Mới đây nhất là Quyết định số 590/QĐ-UBND, ngày 22/5/2019 về việc phê duyệt danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư và kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018 - 2020 tỉnh Ninh Bình.
Thực tế cho thấy, tỉnh đã thực hiện rất nhất quán theo phương châm làm đến đâu chắc đến đó, không thu hút đầu tư ồ ạt. Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch; tôn trọng, tuân thủ các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch phát triển du lịch của cả nước, của vùng và của địa phương. Đặc biệt lưu tâm đến các nguyên tắc phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn nguyên vẹn cảnh quan trong vùng di sản; tránh nguy cơ phá vỡ không gian văn hóa dân tộc dẫn đến mất bản sắc truyền thống.
Theo con số thống kê, đến nay tỉnh đã huy động hơn 16.200 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trong đó có nhiều dự án đã hoàn thiện và đi vào hoạt động hiệu quả như: Khu du lịch sinh thái Tràng An; Khu núi chùa Bái Đính; Hang Múa; Emeralda resort; các khách sạn: Ninh Bình Legend, Hoàng Sơn Peace, The Reed, Hidden Charm, Bái Đính... Bên cạnh đó, các cơ sở dịch vụ thương mại như các siêu thị: Big C, Vinmart, Pico được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp đã góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch của tỉnh, tạo các điểm vui chơi giải trí và dịch vụ ăn, nghỉ, mua sắm cho du khách.
Cũng theo ông Hoàng Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch: Một giải pháp không thể thiếu của tỉnh để phát triển du lịch đó là quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch. Chính vì thế hiện nay tỉnh đang mời Tập đoàn FLC, JW. Marriott, Công ty cổ phần Vườn Thời Đại Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát; một số tập đoàn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore về khảo sát để đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch.
Trong đó tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, phố đi bộ, chợ đêm tại các địa bàn du lịch trọng điểm; các dự án đầu tư xây dựng khách sạn từ 3 đến 5 sao, đặc biệt là khách sạn nghỉ dưỡng, hệ thống nhà hàng đạt chuẩn, nhà hàng cao cấp phục vụ khách du lịch.
Việc có thêm các doanh nghiệp chiến lược đầu tư vào du lịch Ninh Bình sẽ tạo nên bứt phá quan trọng góp phần hoàn thành mục tiêu là đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là đầu tầu kéo theo sự phát triển của các ngành kinh tế khác hội nhập quốc tế.
Phúc Nguyên
Kỳ 1: PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU ĐIỂM ĐẾN
Kỳ 3: TỪNG BƯỚC CƠ CẤU LẠI THEO HƯỚNG CHUYÊN NGHIỆP, HIỆN ĐẠI