Đảm bảo việc làm cho người lao động
Công Ty TNHH Asia+ (huyện Yên Mô) là đơn vị chuyên về may mặc xuất khẩu. Mỗi năm, Công ty sản xuất khoảng 300.000 sản phẩm, xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên, bước vào năm 2020, cũng như nhiều đơn vị sản xuất hàng may mặc khác, Công ty phải chịu rất nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
"Nhưng như một quy luật tất yếu, trong khó khăn sẽ hé mở cơ hội, vấn đề là phải cố gắng và nắm được cơ hội ấy. Với tư duy ấy, Công ty đã chuyển đổi từ may các sản phẩm quần áo sang may khẩu trang, áo phòng dịch, áo bảo hộ y tế để phục vụ nhu cầu trong nước có lúc lên đỉnh điểm và nhu cầu của các quốc gia khác về mặt hàng này cũng lên cao. Bởi thế, dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội, song chúng tôi vẫn duy trì được các đơn hàng để đảm bảo việc làm và thu nhập cho 300 lao động địa phương. Thời gian qua, không có lao động nào phải nghỉ việc, vì thế cuộc sống của công nhân khá ổn định"- Bà Trần Thị Hiền, Giám đốc Công ty chia sẻ. Tuy nhiên, hiện nhu cầu khẩu trang và áo bảo hộ y tế đã bão hòa. Vì vậy, Công ty đã quay trở lại tìm kiếm đơn hàng may mặc xuất khẩu và tín hiệu khá khả quan.
Công ty cổ phần May Văn Phú (huyện Nho Quan) cũng đã có cú "lội ngược dòng" thành công. Ông Nguyễn Văn Phẩm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Văn Phú chia sẻ: COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các ngành nghề, khiến doanh nghiệp hứng chịu nhiều tổn thất và đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Để vượt qua cơn bão COVID-19, chúng tôi đã đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, tiết giảm các chi phí không cần thiết, dành nguồn tiền trả lương và giữ chân công nhân. Tích cực tìm kiếm các đối tác nhỏ, có giá ký kết thấp ở thị trường Hàn Quốc để tạo việc làm trước mắt cho người lao động. Đồng thời, tìm cách kết nối lại các thị trường cũ, thị trường truyền thống.
Với nỗ lực đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần May Văn Phú đã bắt đầu hồi phục. Công ty ký kết được các hợp đồng với khách hàng lớn tại Mỹ, EU và bắt đầu từ tháng 11, công suất hoạt động sẽ đạt từ 90-100%. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc 1.200 công nhân của Công ty được đảm bảo việc làm thường xuyên và hưởng mức lương ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng như trước đây.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: Thời gian qua, cùng với nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, tìm kiếm cơ hội việc làm cho người lao động bằng nhiều hình thức như: Tổ chức 16 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyên truyền Đề án xuất khẩu lao động và Du học nghề tại các huyện, thành phố với sự tham dự của trên 2.700 người. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường các hoạt động kết nối cung, cầu lao động và cung ứng nguồn nhân lực tham gia thị trường lao động, đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến… Kết quả, ước tính trong năm 2020 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 20.731 lao động (vượt 6,86% kế hoạch năm), trong đó đưa 855 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Tình người trong gian khó
Một "lực đẩy" quan trọng trong công tác an sinh xã hội trong năm vừa qua đó chính là sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời từ gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ. Gói hỗ trợ này dành cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 7 nhóm đối tượng thụ hưởng. Sự sát cánh, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ đã tạo niềm tin, phấn khởi và nguồn lực quan trọng để các tầng lớp nhân dân vượt qua chặng đường khó.
Triển khai Nghị quyết số 42, tỉnh ta đã làm tốt công tác rà soát, thẩm định, lập danh sách các đối tượng thụ hưởng với tinh thần nhanh chóng, kịp thời nhưng hết sức thận trọng và đúng đối tượng. Với tinh thần làm việc khẩn trương của các cấp, các ngành, dòng tiền hỗ trợ đã sớm đến tay người thụ hưởng, chia sẻ gánh nặng, giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tỉnh ta có trên 100 nghìn đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội và người có công, trên 10 nghìn lao động thuộc diện được nhận hỗ trợ đã được nhận tiền hỗ trợ từ gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, một nét nổi bật trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh ta trong năm qua, đó chính là tỉnh ta đã huy động mọi nguồn lực hỗ trợ các đối tượng yếu thế vươn lên thoát nghèo bền vững. Công tác giảm nghèo đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là có sự hưởng ứng, chia sẻ và ủng hộ tích cực của cộng đồng thông qua cầu nối là ủy ban Trung ương MTTQ và Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh khẳng định: Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, song với tinh thần "tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách", các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh ta đã sẵn sàng chung tay, góp sức, tạo thêm nguồn lực để hỗ trợ thiết thực đến các đối tượng yếu thế, giúp họ vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống.
Theo đó, trong năm qua, Hội Chữ thập đỏ các cấp tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo". Đến nay, toàn tỉnh có 150 địa chỉ nhân đạo được hỗ trợ thường xuyên với mức 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/đối tượng/tháng. Hội Chữ thập đỏ các cấp cũng tăng cường kết nối, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ thông qua các hình thức khác như: tặng quà, tặng học bổng, hỗ trợ viện phí, trợ giúp thường xuyên, cứu trợ khẩn cấp, tặng sữa, tặng xe đạp, xe lăn, xây nhà Chữ thập đỏ, tri ân người có công, chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng, tham gia chương trình Vì bạn xứng đáng trên VTV3- Đài THVN; tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Trung thu, khai giảng năm học mới… Với tổng trị giá trên 8 tỷ đồng. Những đóng góp này đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn khoảng 2% vào cuối năm 2020.
Đào Hằng