Năm 2010 ghi dấu một năm nhiều thách thức đối với các TCTD trên địa bàn tỉnh, lạm phát, biến động lãi suất, tỷ giá và giá vàng biến động phức tạp..., song các ngân hàng đã nỗ lực tập trung nguồn vốn, ưu tiên đầu tư tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa… góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Các TCTD trên địa bàn tỉnh đã tích cực thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư bằng việc đa dạng các hình thức tiết kiệm như: Tiết kiệm tích lũy, tiết kiệm được tặng quà khuyến mãi, rút thăm dự thưởng, phát hành kỳ phiếu, trái phiếu bằng VNĐ, USD có lãi suất hấp dẫn, tăng huy động bằng kỳ phiếu có thời hạn… Đồng thời không ngừng cải tiến phong cách phục vụ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng về thời gian và chất lượng phục vụ, tạo cơ sở tăng mức huy động nguồn vốn nhàn rỗi ở khu vực dân cư. Cùng với việc huy động vốn, ngay từ những tháng đầu năm, các chi nhánh Ngân hàng Thương mại còn thực hiện chủ trương mở rộng tín dụng đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thực hiện chính sách tài trợ xuất khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ chuyển từ vay nội tệ sang ngoại tệ. Qua đó đã làm giảm căng thẳng về vốn nội tệ, đảm bảo đủ nguồn vốn ngoại tệ cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Bằng các biện pháp tích cực đó, trong năm qua, nguồn vốn huy động tại địa bàn đạt trên 10,7 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn đạt trên 23,9 nghìn tỷ đồng, tăng 38,6% so với cùng kỳ, đáp ứng tốt nhu cầu nguồn vốn cho những dự án lớn, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Công ty Xi măng Tam Điệp, Công ty TNHH Cán thép Tam Điệp, Nhà máy xi măng The Vissai, Nhà máy Đạm Ninh Bình… Nguồn vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào các ngành: ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 52,9%; ngành thương mại, dịch vụ chiếm 43%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 4,1% tổng dư nợ.
Thực hiện Thông tư số 12/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thỏa thuận, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã thực hiện công khai, minh bạch lãi suất huy động. Tăng cường các biện pháp nhằm tiết kiệm chi phí hoạt động, căn cứ vào nguồn vốn cân đối của đơn vị, uy tín của doanh nghiệp, hiệu quả của các dự án để đưa ra mức lãi suất cho vay phù hợp, tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất. Các TCTD đã chú trọng bám sát định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh, phối hợp với các doanh nghiệp tìm các dự án khả thi để đầu tư vốn phục vụ sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Mặc dù trong điều kiện nguồn vốn huy động trung, dài hạn không nhiều nhưng dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm tới 56% trong tổng dư nợ, đồng thời tốc độ tăng trưởng dư nợ trung dài hạn tương đối cao, cho thấy các TCTD trên địa bàn đã tranh thủ tốt nguồn vốn điều hòa trong hệ thống để phục vụ mục tiêu đầu tư lâu dài cho nền kinh tế địa phương. Mặt khác, ngành Ngân hàng tỉnh cũng đã tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ cho vay hỗ trợ lãi suất theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với trên 41,9 nghìn khách hàng được hỗ trợ lãi suất, dư nợ đạt 3.295 tỷ đồng, số tiền lãi khách hàng được hỗ trợ lên tới 128 tỷ đồng, giúp nhiều doanh nghiệp và hộ sản xuất khắc phục khó khăn, khôi phục, duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Song song với đó, công tác điều hòa tiền mặt và an toàn kho quỹ, việc quản lý ngoại hối cũng được các TCTD thực hiện có hiệu quả. Các đơn vị trong ngành đã thực hiện đúng quy định và chế độ nghiệp vụ kế toán giao nhận, điều chuyển, phát hành, thu hồi tiền, ngân phiếu thanh toán; tổ chức tham gia quản lý, xuất nhập kho và kiểm quỹ hàng ngày kịp thời, chính xác, đảm bảo an toàn tuyệt đối tài sản trong kho quỹ. Cùng với đó, các loại hình dịch vụ thanh toán ngân hàng ngày càng được mở rộng, đa dạng với chất lượng cao hơn đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán ngày càng nhiều của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới ngành Ngân hàng Ninh Bình sẽ tiếp tục bám sát định hướng chỉ đạo, điều hành chung của ngành, của tỉnh, tăng cường huy động vốn và mở rộng đầu tư tín dụng một cách an toàn, hiệu quả và bền vững. Tập trung vốn vay cho khu vực nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án trọng điểm của tỉnh, cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo đúng quy định của pháp luật, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Quốc Khang