Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự nỗ lực của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn duy trì ổn định. Do đó, tình hình đời sống, việc làm của công nhân cơ bản được giữ vững. Đến thời điểm này, mức lương bình quân của CNVCLĐ trên địa bàn đạt 5.342.000 đồng/người/tháng, các chế độ phúc lợi xã hội được thực hiện tương đối đầy đủ. Cộng đồng doanh nghiệp đồng tình, tích cực thực hiện mục tiêu kép vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa quan tâm phòng, chống dịch bệnh tại nơi sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, có những doanh nghiệp đã thực hiện trả lương cho người lao động trong thời gian phải cách ly phòng dịch COVID-19. Một số doanh nghiệp quy mô lớn, sản xuất , ổn định đã nâng tiền lương, thưởng cho người lao động; xây dựng bếp ăn tập thể khang trang, sạch đẹp; thiết kế các khu nghỉ ngơi cho công nhân sau giờ làm việc…
Tuy nhiên, trên thực tế dù đời sống của người lao động đã dần cải thiện, song một bộ phận công nhân lao động thu nhập còn thấp do doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất hoặc đơn hàng không ổn định. Cùng với đó, việc thiếu thiết chế văn hóa, nhà ở xã hội, môi trường làm việc có nơi, có lúc chưa đảm bảo, vấn đề nợ bảo hiểm của doanh nghiệp… vẫn đang là trăn trở của nhiều công nhân lao động.
Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước về đảm bảo việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống cho công nhân lao động trong tình hình mới, tỉnh ta đã đề ra những nội dung triển khai cụ thể.
Trong đó, đáng chú ý là việc quy hoạch, bố trí, huy động nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, dịch vụ phục vụ lao động sản xuất, đời sống, sinh hoạt, học tập, giải trí của công nhân lao động và gia đình. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường tại nơi ở và nơi làm việc của công nhân. Xây dựng, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định, đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở, thiết chế văn hóa - thể thao cho công nhân tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của tỉnh. Khẩn trương nghiên cứu xây dựng các mô hình "khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ" đồng bộ, gắn với phát triển khu dân cư, cơ sở hạ tầng, đáp ứng được nhu cầu riêng cho công nhân lao động các khu công nghiệp, kể cả chuyên gia và lao động chất lượng cao. Tập trung thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nơi tập trung đông công nhân lao động; chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội, giúp công nhân lao động và các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm.
Để triển khai hiệu quả các nội dung này cần sự vào cuộc tích cực của nhiều sở, ngành, đơn vị liên quan. Trong đó, trước hết Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần giữ vai trò nòng cốt trong triển khai thực hiện các chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; nắm bắt các khủng hoảng về lao động, việc làm do tác động của đại dịch COVID-19 để kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách liên quan. Đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động làm cơ sở kết nối cung cầu lao động, bảo đảm cung ứng lao động phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Kịp thời cung cấp các thông tin về thị trường lao động để hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho công nhân lao động theo yêu cầu. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công nhân lao động.
Tổ chức công đoàn - tổ chức đại diện chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho công nhân lao động cần thường xuyên nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của công nhân, vận động họ nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, các công đoàn cơ sở cần nâng cao tính thực chất của các hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương của người lao động gắn với năng suất lao động và kết quả thực hiện công việc phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động…
Những chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của tỉnh, cộng với sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, đơn vị liên quan chắc chắn sẽ từng bước giúp công nhân lao động vượt qua khó khăn, tiếp tục nâng cao mức sống cả vật chất và tinh thần một cách bền vững.
Bùi Quang