Đồng chí Hà Đức Kim, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đảng ủy, UBND xã xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân và xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đã chỉ đạo các HTX nông nghiệp tổ chức phân vùng sản xuất; dồn điền, đổi thửa; chuyển đổi một phần diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất theo mô hình lúa-cá và duy trì diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 225 ha với tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 1.266 tấn. Trên địa bàn xã có 12 gia trại chăn nuôi, thu nhập bình quân đạt trên 100 triệu đồng/hộ/năm. Hàng năm, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi của xã đạt 31,78 tỷ đồng, chiếm 27% giá trị tổng thu nhập. Trung tâm học tập cộng đồng phối hợp với các đoàn thể hàng năm tổ chức từ 2 đến 3 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, mỗi lớp có từ 70-90 người tham dự. Hiện, bình quân ruộng canh tác của xã là 2 thửa/hộ, tạo điều kiện cho chuyển đổi hướng sản xuất và đưa cơ giới vào đồng ruộng. Trên địa bàn xã có 5 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 700 lao động địa phương, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/lao động/tháng; có 256 hộ sản xuất, kinh doanh ngành nghề phi nông nghiệp với trên 300 lao động tham gia.
Đến hết năm 2015, tổng thu nhập toàn xã đạt 117,8 triệu đồng, bình quân thu nhập đầu người đạt 29,5 triệu đồng/năm, hộ nghèo còn 2,84%, giảm 11,86% so với năm 2011.
Cùng với đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân, Ninh Xuân còn tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong 5 năm qua, Ninh Xuân đã tiếp nhận 1.036 tấn xi măng do tỉnh hỗ trợ; làm mới, nâng cấp 59 tuyến đường với chiều dài 8,32 km và 1 tuyến kênh với chiều dài 500m. Tổng số đường giao thông trên địa bàn xã là 23,8 km đã được bê tông hóa, cứng hóa đạt 100%. Hệ thống thủy lợi cơ bản đã đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; tỷ lệ kênh mương được cứng hóa đạt 86,5% so với quy hoạch. Các trường Mầm non, Tiểu học và THCS đều được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Ngay từ đầu năm 2016, xã đã đầu tư xây mới nhà văn hóa trung tâm với số vốn đầu tư 9 tỷ đồng, quy mô 250 chỗ ngồi; xây mới 2 nhà văn hóa thôn, nâng cấp sửa chữa 2 nhà văn hóa thôn, với tổng vốn đầu tư 3.580 triệu đồng; xây dựng, nâng cấp khu thể thao trung tâm xã với diện tích 8.844m2, tổng kinh phí 7.000 triệu đồng. Chợ được xây dựng năm 2009 với diện tích 955 m2 và được đầu tư xây dựng lại năm 2016 từ nguồn vốn ngân sách xã với tổng mức đầu tư 3.200 triệu đồng. Đến nay chợ đã được công nhận tiêu chuẩn chợ hạng 3. Xây dựng 2 bãi tập kết rác thải với tổng diện tích 225 m2 và đầu tư mua sắm trang thiết bị ban đầu với tổng giá trị 350 triệu đồng. Xã đang triển khai xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch trên địa bàn xã với kinh phí đầu tư 15.000 triệu đồng.
Tổng giá trị nguồn lực đã huy động được của xã sau hơn 5 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới là 176.195 triệu đồng, gồm: Vốn ngân sách nhà nước 80.614 triệu đồng, chiếm 45,75% tổng vốn đầu tư; vốn vay tín dụng 10.608 triệu đồng, chiếm 6,02% tổng vốn đầu tư; vốn của doanh nghiệp đóng góp 200 triệu đồng, chiếm 0,11% tổng vốn đầu tư; vốn nhân dân tham gia là 84.773 triệu đồng, chiếm 48,11% tổng vốn đầu tư.
Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, với sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của tỉnh, của huyện..., Đảng bộ và nhân dân xã Ninh Xuân đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành thêm 15 tiêu chí, đến nay tổng số tiêu chí đã đạt là 19/19 tiêu chí. Tháng 7 vừa qua, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh đã họp xét duyệt và công nhận Ninh Xuân là xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016. Tuy nhiên xã Ninh Xuân phải tiếp tục hoàn thiện một số hạng mục như Nhà văn hóa trung tâm xã, sân vận động, hệ thống nước sạch...
Đinh Chúc