Đồng chí Hoàng Trọng Hiếu, Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết: Sau khi hoàn thành bước khảo sát đánh giá thực trạng nông thôn, so sánh với Bộ tiêu chí Quốc gia, Ninh Vân có 6 tiêu chí đạt được (điện, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, y tế, hệ thống chính trị, an ninh trật tự); 4 tiêu chí cơ bản đạt (trường học, nhà ở dân cư, thu nhập và giáo dục). Ban chỉ đạo, Ban quản lý xã đã tập trung triển khai các bước trong chương trình, phân công phân nhiệm cụ thể cho các thành viên.
Trong đó: Thông tin, tuyên truyền đi trước; hoàn thành quy hoạch chung và đề án trước ngày 31-12-2011; triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng (đường thôn, ngõ xóm, kênh mương, trường tiểu học, trường mầm non, nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ, trạm cấp nước, xây nhà văn hóa xóm, rãnh thoát nước...) với tổng kinh phí hơn 35 tỷ đồng (nhân dân đóng góp hơn 3 tỷ đồng). Vận động được 12 hộ dân hiến 644 m2 đất, 65 hộ tháo dỡ nhà ở, cổng, tường, lều quán để mở đường giao thông thôn xóm. Tổ chức thu gom rác thải và mua 40 xe chở rác cho 13 khu dân cư... Xác định phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình XDNTM.
Trong nông nghiệp, thành lập các tổ dịch vụ, huy động vốn đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất; phát triển vụ đông; phát triển lúa chất lượng cao (109 ha) và nuôi trồng thủy sản ở diện tích 2.238 m2. Đặc biệt, với lợi thế có nghề chạm khắc đá mỹ nghệ truyền thống, xã đã tập trung phát triển, mở rộng lĩnh vực sản xuất này. Lập quy hoạch và xây dựng làng nghề trên diện tích 23 ha, đã được tỉnh phê duyệt.
Sản xuất TTCN và làng nghề ở Ninh Vân giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của địa phương, vừa tạo ra công việc làm lúc nông nhàn, vừa tăng thu nhập cho người nông dân. Đây là lĩnh vực sản xuất được xã ưu tiên phát triển, nhất là từ khi có Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 9-8-2006 của Tỉnh ủy và được coi là khâu đột phá, mũi nhọn trong thực hiện Chương trình XDNTM, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.
Xã khuyến khích các hộ gia đình làm nghề và doanh nghiệp đầu tư KHCN, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất: Máy khai thác đá, xẻ đá, xẻ đá ốp lát xuất khẩu... trị giá hàng chục tỷ đồng (tiêu biểu có Doanh nghiệp Tuấn Thành, Hệ Dưỡng, Thụy Thành...).
Thành lập Hiệp hội làng nghề đá mỹ nghệ và xây dựng Website cho 32 doanh nghiệp, 50 hộ cá thể và tổ hợp tác sản xuất nhằm giới thiệu và quảng bá thương hiệu, sản phẩm làng nghề với khách hàng trong và ngoài nước. Liên kết với Trường Cao đẳng nghề Nam Định mở 8 lớp đào tạo nghề bậc 3/7 cho 455 người là con em quê hương... Đến nay toàn xã có 80 doanh nghiệp vừa và nhỏ 500 hộ cá thể và tổ hợp tác sản xuất... với tổng số lao động hoạt động trong lĩnh vực TTCN - làng nghề là 3.750/5375 người (chiếm 70%). Trong đó lao động chế tác đá mỹ nghệ 2.550 người; thêu ren, may công nghiệp, giày da 200 người; khai thác chế biến vật liệu xây dựng 400 người; làm việc trong các nhà máy xi măng 300 người.
Đến nay, 13/13 thôn của xã đều có người làm nghề đá mỹ nghệ (ban đầu chỉ có 3 thôn) tỉnh đã công nhận làng nghề cho 5 thôn. Giá trị ngày công lao động làm nghề đạt từ 100.000-400.000 đồng với mức thu nhập 1 người đạt từ 3-4 triệu đồng/tháng. Sản phẩm đá mỹ nghệ Ninh Vân phong phú đa đạng và đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước và đã xuất khẩu sang một số nước bạn. Tổng giá trị TTCN- làng nghề của xã năm 2011 đạt 107 tỷ 689 triệu đồng, chiếm 80% cơ cấu kinh tế của xã, 6 tháng đầu năm , đạt trên 68 tỷ đồng, tăng hơn 18 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, chiếm 81% cơ cấu kinh tế...
Đồng chí Phạm Kim Thành, Chủ tịch MTTQ xã cho biết: Triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia này nhân dân rất phấn khởi, thể hiện ở chỗ: khi hội họp, bàn bạc các công việc trong XDNTM, hay tham gia đóng góp ý kiến vào quy hoạch, đề án, nhân dân đến rất đông và đóng góp ý kiến nhiệt tình và trách nhiệm với cộng đồng. Họ tự nguyện tham gia hiến đất, phá dỡ tường rào, lều quán, nhà ở... để mở mang, chỉnh trang đường giao thông thôn, xóm của mình. Họ tích cực đóng góp ngày công, tiền của cho Chương trình...
Đồng chí Hoàng Thị Thanh Thúy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Ban chỉ đạo, Ban quản lý XDNTM xã có sự phân công phân nhiệm cụ thể cho từng cán bộ lãnh đạo và tổ chức chính trị, đoàn thể. Hội Phụ nữ xã được giao nhiệm vụ tham gia đảm bảo thực hiện tiêu chí về môi trường. Đây là vấn đề khó đối với Ninh Vân, khi có tới 2 nhà máy xi măng công suất lớn và nghề chế tác đá có mặt ở mọi nơi trong xã. Hội đã trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ thu gom rác thải cho 8 thôn, các thôn còn lại tư vấn, hướng dẫn nhân dân thực hiện. Hội cũng vận động các hội viên của mình tích cực tham gia hiến đất, tháo dỡ công trình mở mang, chỉnh trang đường làng ngõ, xóm...
Ninh Vân đang được biết đến là điển hình XDNTM. Đến hết tháng 6 năm 2012 xã đã đạt thêm 2 tiêu chí là: Cơ sở vật chất văn hóa và cơ cấu lao động; 2 tiêu chí cơ bản đạt là: Giao thông và văn hóa. Lãnh đạo xã cho biết: Mục tiêu đến năm 2015, cơ bản hoàn thành các tiêu chí của XDNTM.
Đinh Chúc