Để thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM, Ninh Vân đã thành lập và kiện toàn 4 Ban xây dựng NTM, quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhận thức, cách làm để người dân thấy được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM. Ngay sau khi thành lập 4 ban xây dựng NTM, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: in ấn bản đồ, hồ sơ quy hoạch, đề án, kế hoạch xây dựng NTM để các thôn trưng bày tại nhà văn hóa thôn. Tổ chức trên 223 hội nghị với hơn 16.118 lượt người tham dự. UBND xã tổ chức cho 138 lượt cán bộ thuộc 4 ban xây dựng NTM của xã thăm quan học tập kinh nghiệm mô hình xây dựng NTM ở 4 xã điểm của Trung ương, đó là xã Thanh Tân (tỉnh Thái Bình), xã Thụy Hương (Hà Nội), xã Tân Thông Hội (Thành phố Hồ Chí Minh) và xã Hải Đường (tỉnh Nam Định); cử 31 lượt cán bộ thuộc Ban quản lý xã, Ban Phát triển thôn đi tập huấn về kinh nghiệm xây dựng NTM do tỉnh, huyện tổ chức. Ninh Vân chú trọng tạo mọi điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất công nghiệp - TTCN, nông nghiệp và dịch vụ nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Với phương châm hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, căn cứ vào đề án và kế hoạch xây dựng NTM, 2 HTX nông nghiệp trên địa bàn xã đã vận động xã viên thành lập tổ dịch vụ, huy động vốn đầu tư mua sắm thêm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Đến nay, toàn xã có 32 máy làm đất; 8 máy gặt đập liên hoàn, 9 bình phun thuốc sâu bằng máy. Việc đầu tư máy móc đã góp phần đẩy nhanh tiến trình sản xuất, giải phóng sức lao động, tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác.
Với lợi thế có nguồn tài nguyên núi đá và có làng nghề chạm khắc đá mỹ nghệ, Ninh Vân đã chọn phát triển sản xuất TTCN - làng nghề là khâu đột phá trong xây dựng NTM. Theo đó, xã đã thành lập Hiệp hội làng nghề đá mỹ nghệ, xây dựng website cho 40 doanh nghiệp, 50 hộ cá thể và tổ hợp, giới thiệu sản phẩm và quảng bá thương hiệu Làng nghề đá mỹ nghệ, xúc tiến thương mại với Làng nghề. Đưa trên 50 loại sản phẩm đá mỹ nghệ của làng nghề tham gia chợ đầu mối và Hội chợ triển lãm trong nước. Đồng thời xã chủ động liên kết với Trường Cao đẳng nghề tỉnh Nam Định, hàng năm đào tạo nghề chế tác đá mỹ nghệ cho con em địa phương, đến nay đã đào tạo được 9 lớp với trên 500 học sinh ra trường có tay nghề bậc 3/7 có việc làm ổn định ở các doanh nghiệp trên địa bàn xã. Ngoài ra, xã khuyến khích việc truyền nghề, dạy nghề cho hàng trăm lao động theo hướng "cha truyền con nối", tạo hiệu quả cao. Đến nay toàn xã có trên 80 doanh nghiệp vừa và nhỏ, trên 500 hộ cá thể và tổ hợp sản xuất chế tác đá mỹ nghệ hoạt động hiệu quả, thu hút 3.750 lao động tham gia làm nghề (chiếm 70%), trong đó có 2.550 người tham gia lao động chế tác đá mỹ nghệ, còn lại tham gia ở các lĩnh vực như: khai thác đá, chế biến vật liệu xây dựng; thêu ren, may công nghiệp, cơ khí, vận tải, dịch vụ... Nhờ định hướng đúng đắn mà cơ cấu kinh tế của Ninh Vân từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó TTCN - làng nghề chiếm tỷ trọng 86,1%, nông nghiệp chiếm 13,9%.
Trong quá trình triển khai các dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển nông thôn như: giao thông, thủy lợi, khó khăn nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng. Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên nêu cao tính tiền phong, gương mẫu trong việc hiến đất, vật kiến trúc, nhà ở, lều quán, cây cối, tường rào để xây dựng cơ sở hạ tầng. Kết quả đã có 45 hộ dân hiến 778,9 m2 đất, 65 hộ tháo dỡ nhà ở, cổng, tường rào, lều quán để làm đường giao thông, xây nhà văn hóa… Tiêu biểu là hộ ông Nguyễn Duy Cứ ủng hộ trên 23 triệu đồng; ông Đỗ Đình Thực ủng hộ trên 16 triệu đồng để làm đường giao thông ngõ xóm; ông Nguyễn Xuân Lương ủng hộ 18 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa thôn; ông Trần Công Kiên đóng góp sản phẩm đá mỹ nghệ để trùng tu, sửa chữa công trình văn hóa tâm linh thôn Thượng, trị giá 200 triệu đồng. Nhờ sự chung sức, đồng lòng của người dân, đến nay nhiều tuyến đường trục xã, đường thôn, xóm và đường nội đồng đã được đổ bê tông, trải nhựa, nhà văn hóa thôn xóm được xây dựng khang trang.
Đi đôi với phát triển sản xuất, Ninh Vân còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào chỉnh trang vườn tược, nhà cửa gọn gàng, xanh - sạch - đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống trong mỗi gia đình. Trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, Ninh Vân đã xây dựng đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, duy trì hoạt động 13 tổ thu gom rác thải sinh hoạt ở 13 khu dân cư, mua sắm 50 xe chở rác đẩy tay và hợp đồng với Công ty TNHH MTV môi trường đô thị thị xã Tam Điệp sử dụng xe chuyên dùng vận chuyển và xử lý tại bãi rác thải của thị xã Tam Điệp. Đến nay tỷ lệ hộ có nhà ở trên địa bàn xã đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng đạt trên 90%, không có nhà tạm, nhà dột nát. Toàn xã có 11/13 thôn có nhà văn hóa và sân thể thao đạt quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 81,5% gia đình văn hóa; 13/13 thôn có đội văn nghệ quần chúng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao. Đối chiếu với các tiêu chí về xây dựng NTM, hiện nay Ninh Vân đạt 13/19 tiêu chí.
Để tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng NTM, điều Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Vân trăn trở đó là làm sao duy trì, phát triển làng nghề một cách bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, xã mong muốn tỉnh, huyện xem xét đầu tư mở rộng làng nghề giai đoạn 2, đưa tổng diện tích làng nghề lên 27 ha và mở 6 ha vùng Thiện Dưỡng khu vực ngoài đê núi Mả Vối để di chuyển các cơ sở sản xuất hiện đang nằm xen kẽ với các khu dân cư. Để thuận tiện cho vận chuyển nguyên liệu đá cho làng nghề và vận chuyển vật liệu, đề nghị tỉnh, huyện hỗ trợ xây dựng mới tuyến đường chuyên dùng vận chuyển từ mỏ đá Thiện Dưỡng đi về phía Nam ra đường 1A tránh khu dân cư, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Đức Nghĩa