Đầu tư ồ ạt, đồng loạt bỏ hoang
Từng được xem là dịch vụ "ngồi không hái ra tiền", thế nên cả trăm hộ dân ở thôn Hậu, xã Ninh Nhất đua nhau đầu tư tiền của vào xây dựng các dãy nhà trọ cho sinh viên thuê ở. Ông Hà Đăng Khải, Trưởng thôn Hậu cho biết: Cách đây hơn 10 năm, khi trường Đại học Hoa Lư mới được thành lập, nhu cầu nhà trọ cho sinh viên tăng cao, thấy vậy nhiều hộ dân trong thôn đã đầu tư hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng để xây dựng các dãy nhà trọ, nhà ít thì 3-5 phòng, nhà nhiều xây cả chục phòng. Cả thôn tính ra có tới hơn 100 hộ có nhà trọ, ấy vậy mà các dãy nhà trọ luôn rơi vào tình trạng "cháy" phòng.
Thế nhưng, chỉ ít năm sau những dãy nhà trọ này bắt đầu vắng bóng người ở. Hiện, trong thôn chỉ còn 30 hộ có người thuê trọ còn lại đa phần các phòng trọ đều đã bỏ không. Nhiều người phải đập bỏ để chuyển đổi hình thức kinh doanh khác, một số lại dùng những phòng trọ này để làm nhà xưởng, kho chứa đồ hoặc chăn nuôi.
Dẫn chúng tôi đi xem dãy nhà trọ ngay bên cạnh nhà, bà Nguyễn Thị Mến, năm nay ngoài 80 tuổi nói giọng buồn rười rượi: năm 2010 khi thấy nhu cầu của sinh viên thuê trọ rất lớn nên tôi dốc hết số tiền Nhà nước đền bù khi thu hồi 2 sào ruộng cộng với tiền con cái góp thêm vào để xây 3 phòng trọ với mong muốn sau hàng tháng sẽ có một món tiền nho nhỏ từ việc cho thuê trọ để dưỡng già. Nhưng chưa kịp thu hồi vốn thì 3-4 năm nay đã chẳng có người thuê. Giờ phòng trọ thành chỗ cho gà "trọ".
Nhà ông Lê Văn Sinh, gia đình hiếm hoi trong thôn còn người thuê trọ cũng chẳng khá khẩm hơn. Ông Sinh than vãn: Đầu tư hàng trăm triệu đồng cho 8 phòng trọ khép kín với đầy đủ tiện nghi thiết yếu nhưng giá cho thuê cao nhất cũng chỉ 400 nghìn đồng/phòng/tháng. Với mức giá này chẳng biết đến khi nào mới hoàn lại vốn, chưa kể hàng năm gia đình cũng phải bỏ ra một khoản không nhỏ để sửa sang. Nhưng nếu không cho thuê thì cũng chả biết để làm gì…
Ông Lê Trọng Thể, Trưởng Công an xã Ninh Nhất cho biết: Số hộ cho thuê trọ trên địa bàn xã đã giảm mạnh, hiện chỉ còn 60 hộ, tập trung ở các thôn Tiền, thôn Hậu, thôn Thượng. Khi không có khách thuê, một số hộ kinh doanh phòng trọ ở phía ngoài đường lớn phá bỏ để lấy mặt bằng làm việc khác, những dãy trọ nằm sâu trong làng thì đa số bỏ hoang và đã xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân của tình trạng này là do mấy năm trở lại đây các trường như Đại học Hoa Lư, Cao đẳng Y tế Ninh Bình số lượng tuyển sinh giảm mạnh, kéo theo nhu cầu về nhà ở của sinh viên không "nóng" như trước.
Và những vấn đề cần quan tâm
Một số hộ dân nằm trên trục đường nối giữa thôn Tiền và thôn Hậu cho biết: họ thường xuyên bị thức giấc lúc nửa đêm vì những tiếng rú ga, tiếng còi inh ỏi, tiếng chửi tục của những khách trọ làm việc ở các quán hát đi làm về muộn. Thậm chí, họ đã chứng kiến nhiều vụ xô xát xảy ra giữa các đối tượng này. Điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cũng như cuộc sống sinh hoạt của bà con trong thôn.
Còn chủ quán cơm Duy Linh (thôn Thượng) thì cho biết: Hiện gia đình vẫn còn hơn nửa số phòng trọ bỏ trống nhưng không muốn cho những người "đi đêm, về hôm" đến thuê sau khi chứng kiến những vụ việc phức tạp ở mấy khu nhà trọ lân cận liên quan đến những đối tượng này. Họ thường hoạt động vào đêm khuya, gần sáng mới về nhà trọ, có khi bật nhạc nhảy nhót, hò hét, nam nữ sống chung, ăn ở mất vệ sinh…
Thực tế trong vài năm trở lại đây đã có nhiều vụ việc liên quan đến an ninh trật tự tại các nhà cho thuê trọ trên địa bàn, trong đó có cả các trường hợp liên quan đến tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, các vụ đánh nhau gây thương tích, gây rối trật tự công cộng… Đặc biệt, không ít lần lực lượng công an đã kiểm tra, xử lý nhiều nhóm nam, nữ thanh thiếu niên tụ tập, sinh sống theo kiểu "bầy đàn" tại các nhà trọ.
Ông Lê Trọng Thể, Trưởng Công an xã Ninh Nhất thông tin thêm: Điều đáng nói là các khách thuê trọ giờ không chỉ có học sinh, sinh viên mà còn nhiều đối tượng là những người làm ở các nhà hàng, khách sạn, quán karaoke… thuê ở nên tình hình an ninh cũng khá phức tạp. Các đối tượng chủ yếu là người tỉnh ngoài đến thuê, họ làm phục vụ ở các quán karaoke hoặc tiếp thị rượu bia, sinh hoạt không nề nếp… Trước tình trạng này, lực lượng công an đã và đang tăng cường kiểm tra hoạt động của các nhà trọ, yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định về đăng ký tạm trú, tạm vắng; gửi phiếu đến nơi thường trú của người thuê trọ để xác minh lý lịch, nhân thân đối với những người không có nghề nghiệp ổn định, nghi vấn hoạt động vi phạm pháp luật từ đó có biện pháp quản lý phù hợp; lập sổ theo dõi số người đến tạm trú tại công an xã và tại các hộ có nhà cho thuê trọ… Đồng thời tuyên truyền, vận động để người dân địa phương phối hợp trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng thì tình trạng này đang dần được cải thiện.
Hàng trăm phòng trọ bỏ hoang đang là một sự lãng phí lớn, ở đây cần rút ra bài học trong công tác quy hoạch, xây dựng các khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh, tránh việc đầu tư ồ ạt không hiệu quả. Cũng từ việc xây dựng quá nhiều khu nhà trọ khiến cho việc thuê nhà không có sàng lọc, dẫn tới khó quản lý đối tượng thuê, làm mất an ninh trật tự trên địa bàn. Đây cũng là vấn đề khiến ngành chức năng và chính quyền các địa phương có nhiều nhà trọ cho thuê cần quan tâm, có giải pháp quản lý hiệu quả hơn nữa.
Hà Phương- Đào Duy