Để làm rõ hơn những kết quả này, phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh.P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật Ninh Bình đã đạt được sau hơn 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM? Đồng chí (đ/c) Đinh Chung Phụng: Trước hết phải khẳng định Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hợp lòng dân; là giải pháp đồng bộ mang tính đột phá có ý nghĩa chiến lược nhằm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; là chương trình khung, tổng hợp bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, gồm: 5 nhóm vấn đề, 11 nội dung và 19 tiêu chí.
Triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết chuyên đề về cơ chế chính sách xây dựng NTM của tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo cụ thể, quyết liệt triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015. Phong trào xây dựng NTM đã được đẩy mạnh, có sức lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể trong tỉnh đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho gần 40 nghìn lượt cán bộ các cấp để hình thành đội ngũ "khung" tại cơ sở. Tổ chức nhiều đoàn cán bộ cơ sở tham quan, học tập kinh nghiệm những nơi làm tốt để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân địa phương chung sức xây dựng NTM.
Về sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã có chính sách hợp lý hỗ trợ sản xuất cây vụ đông, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, lúa chất lượng cao, các dự án sản xuất giống lúa thuần, chất lượng cao được đưa vào đồng ruộng. Hiện nay, toàn tỉnh có 91/119 xã cơ bản hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa với hơn 27 nghìn ha đất nông nghiệp, các hộ nông dân đã hiến gần 1.200 ha đất để chỉnh trang đồng ruộng; đã triển khai 23 dự án phát triển sản xuất với 353 mô hình, tổ chức 146 lớp đào tạo nghề cho gần 9 nghìn lượt lao động nông thôn, chuyển giao kỹ thuật cho gần 40 nghìn lượt người.
Về phát triển sản xuất công nghiệp và dịch vụ, tỉnh đã tập trung phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp; đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi thu hút Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Sau 5 năm tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới, đến năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp trên một ha đất canh tác đạt 96,5 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 24,4 triệu đồng/năm.
Trong 5 năm, các nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM ở Ninh Bình đạt trên 17 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách là hơn 6 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,7%; vốn nhân dân đóng góp đạt trên 6.000 tỷ đồng, chiếm 35,6% trong tổng nguồn vốn huy động; phần vốn còn lại là nguồn vốn tín dụng và vốn các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, diện mạo nông thôn của tỉnh Ninh Bình đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng văn minh, hiện đại. Kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được nâng cấp đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt của nhân dân. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện.
Đến nay, đã có 43 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới, chiếm 36,1% số xã trong kế hoạch xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Ninh Bình được xếp trong tốp đầu toàn quốc về triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đến năm 2020, thực hiện Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 về phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu vùng Đồng bằng sông Hồng có khoảng 80% số xã đạt chuẩn NTM.
Tỉnh Ninh Bình phấn đấu có 96 xã và 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện tại, UBND tỉnh Ninh Bình đang hoàn chỉnh hồ sơ trình Chính phủ xem xét công nhận huyện Hoa Lư đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
P.V: Song song với nhiệm vụ xây dựng NTM, Ninh Bình cũng đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Kết quả bước đầu của chương trình này như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Đinh Chung Phụng: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một hợp phần của tái cơ cấu nền kinh tế. Bản chất của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là quá trình tổ chức sắp xếp lại tất cả các yếu tố liên quan, tác động đến chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp, từ quy hoạch kết cấu hạ tầng sản xuất, chế biến, bảo quản; tổ chức sản xuất, chuỗi cung ứng dịch vụ sản xuất, thu hoạch, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ... nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng NTM.
Sau gần 2 năm nỗ lực triển khai thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" tại Ninh Bình đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần quan trọng duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng của toàn xã hội. Nhờ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" và đưa cơ giới vào sản xuất được tích cực triển khai, đem lại hiệu quả rõ rệt như: mô hình cánh đồng mẫu lớn tại huyện Yên Khánh, mô hình trang trại, gia trại tổng hợp tại huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp.
Các hình thức liên kết, hợp tác giữa các nhà khoa học, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được mở rộng; mô hình kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã được quan tâm.
Gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, công tác xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã đạt kết quả tốt. Giá trị sản xuất đạt 96,5 triệu đồng/ha/năm, tăng 31,5 triệu đồng/ha so với năm 2010; thu nhập đầu người khu vực nông thôn đạt 24,4 triệu đồng/năm, tăng 11,3 triệu đồng/người/năm so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,5%, giảm 8,5% so với năm 2010 (tiêu chí cũ).
Đầu tư cơ sở hạ tầng được tăng cường; đặc biệt trong làm đường GTNT, với cơ chế nhà nước hỗ trợ xi măng; nhân dân góp tiền mua cát, đá hiến đất góp công, đến nay toàn tỉnh làm được 10.411 tuyến đường, dài 1.162km.
Đây là những tiền đề khá vững chắc để Ninh Bình tiếp tục chặng đường sắp tới, hoàn thành mục tiêu đưa ngành Nông nghiệp trở thành mũi đột phá của nền kinh tế, góp phần quan trọng vào thành công của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
P.V: Để hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã có những quyết sách gì, thưa đồng chí?
Đ/c Đinh Chung Phụng: Dự báo trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta thực hiện quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng NTM trong bối cảnh có cả thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen. Tỉnh Ninh Bình xác định tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một nhiệm vụ, nội dung quan trọng, cốt lõi trong tổng thể xây dựng NTM để nâng cao thu nhập, cải thiện tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của cư dân khu vực nông thôn, đồng thời phải đảm bảo phát triển bền vững trên cả 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường.
Vì vậy, trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức đan xen, Ninh Bình xác định một số giải pháp trọng tâm như: Xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên cho ứng dụng khoa học công nghệ, dồn điền, đổi thửa, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh sản xuất hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn; xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; về tổ chức sản xuất, cần đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các loại vật tư, nguyên liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM cần thực hiện tốt các giải pháp cụ thể như:
Đối với các xã đã đạt chuẩn NTM, tập trung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị canh tác, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Duy trì, củng cố, giữ vững các tiêu chí đã đạt, có quy chế quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các công trình xây dựng.
Đối với các xã đang tiến hành xây dựng NTM: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, nội dung, yêu cầu về Chương trình MTQG xây dựng NTM theo Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp và nhân dân trong xây dựng NTM.
Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong nội dung tái cơ cấu để kết hợp xây dựng NTM. Huy động mọi nguồn lực xã hội trong xây dựng NTM, coi trọng nguồn lực tại chỗ.
Chú trọng phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng cao, an toàn thực phẩm; gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp.
Đối với huyện NTM, đi đôi với đáp ứng tiêu chí huyện NTM là có 75% số xã trong huyện đạt chuẩn quốc gia về NTM, các xã còn lại phải đạt 14 tiêu chí trở lên, đối với các huyện có kế hoạch về đích NTM cần phải liên kết giữa các xã tạo thành vùng sản xuất hàng hóa; liên kết các xã hình thành các cụm làng nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ, như: du lịch sinh thái đồng quê, du lịch homestay, du lịch trải nghiệm...
P.V: Trong quá trình triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, tỉnh ta vẫn gặp không ít khó khăn. Trước thực tế đó tỉnh có kiến nghị gì với Trung ương?
Đ/c Đinh Chung Phụng: Bên cạnh những kết quả đạt được đáng phấn khởi, tuy nhiên nghiêm túc nhìn nhận, nông nghiệp Ninh Bình vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Hiệu quả kinh tế và năng suất lao động nông nghiệp so với các ngành kinh tế khác chưa cao.
Nông sản tăng nhanh về số lượng nhưng phần lớn bán dưới dạng thô, mức độ chế biến chưa sâu, hàm lượng công nghệ thấp nên giá trị thương mại không cao.
Sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp thấp. Sản xuất hàng hóa chưa gắn chặt với thị trường. Chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành đúng hướng nhưng còn chậm. Còn ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Do vậy, trong quá trình xây dựng NTM, Ninh Bình mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành liên quan phải sớm rà soát và có quy hoạch chuẩn về nông nghiệp theo vùng, sản phẩm chủ lực làm căn cứ, cơ sở cho địa phương thực hiện.
Sớm có chính sách tích tụ ruộng, tạo điều kiện cho các hộ, doanh nghiệp có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng trang trại, sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn và tổ chức sản xuất theo hợp đồng kinh tế, chuỗi giá trị, gắn sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, hạn mức, hạn điền được điều chỉnh quy định cụ thể để nhà đầu tư yên tâm sản xuất.
Có hệ thống cơ chế, chính sách đủ mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp như: hệ thống giao thông, thủy lợi, giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (thực hiện)