Những năm đầu tái lập tỉnh, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Năm 1992, tổng vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh chỉ đạt 45,4 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp, chiếm 63,6%, đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp chiếm 20,2%, dịch vụ chỉ chiếm 16,2%. Phát huy hiệu quả nguồn vốn của Trung ương, tỉnh Ninh Bình đã tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu đáp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội như: hệ thống đường giao thông đến trung tâm xã miền núi, bãi ngang ven biển; hệ thống thủy lợi (hạ tầng vùng phân lũ chậm lũ, đê điều) nhằm mục tiêu phòng chống thiên tai lụt bão; hệ thống y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện.
Những năm qua, để đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội, tỉnh đã chủ động làm việc với các bộ, ngành để huy động tối đa sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Lồng ghép các nguồn lực đầu tư, đặc biệt cho các dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững... Do vậy Ninh Bình đã huy động đa dạng vốn đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng. Đây là yếu tố quan trọng đảm bảo nguồn lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tính đến năm 2020, tổng vốn đầu tư phát triển của tỉnh đạt 25.569,1 tỷ đồng; năm 2021 tổng vốn đầu tư phát triển của tỉnh ước thực hiện đạt 26.893,6 tỷ đồng, gấp 563 lần năm 1992, bình quân hàng năm thời kỳ 1992-2021 tăng 25,3%. Trong đó vốn nhà nước đạt 51.191,9 tỷ đồng, gấp 118 lần, bình quân tăng 18,7%
Việc huy động nguồn vốn ngoài Nhà nước để triển khai các công trình trọng điểm, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nét mới. Đó là tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, đổi mới phương thức đầu tư phù hợp với tình hình mới. Các cấp, các ngành trong tỉnh cũng chủ động vào cuộc tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, đơn giản các thủ tục hành chính và đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chính vì vậy, nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước đạt 20.132,5 tỷ đồng, gấp 1.321 lần; vốn khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.569,2 tỷ đồng. Cơ cấu vốn đầu tư có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài và giảm tỷ trọng vốn đầu tư công, nhất là việc thực hiện xã hội hóa đầu tư, chuyển đổi hình thức đầu tư, đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Đến nay, diện mạo của tỉnh Ninh Bình đã có sự thay đổi rõ rệt, hạ tầng đường giao thông được đầu tư hoàn thiện đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân và phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Đến nay, trên địa bàn có tổng cộng 3.770 km đường được phân cấp, phân loại gồm 08 tuyến đường quốc lộ dài 238km, 19 tuyến đường tỉnh dài 259,5km, đường huyện 349,5km, đường đô thị 374km, đường xã 1.378km, đường chuyên dùng 118km, đường đê kết hợp giao thông 219km.
Các công trình đê điều, thủy lợi, trạm bơm… đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, củng cố, tăng cường; góp phần phát huy tính chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão, hạn hán, xâm nhập mặn, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai. Nhiều dự án trọng điểm được quan tâm đầu tư như: dự án phân lũ chậm lũ, đê biển Bình Minh II, hàn khẩu Bình Minh III, đê biển Bình Minh IV; kè chắn sóng Cồn nổi; hệ thống đê sông; đầu tư xây dựng Âu Kim Đài.
Hệ thống y tế, giáo dục tuyến tỉnh và tuyến huyện được quan tâm cải tạo, sửa chữa, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới. Một số dự án cơ sở hạ tầng về y tế tuyến tỉnh được đầu tư hoàn thiện, đưa vào sử dụng như: Bệnh viện đa khoa tỉnh với quy mô 700 giường hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2010; Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đưa vào sử dụng năm 2020,… với trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Cơ sở vật chất trường lớp được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ. Đến hết năm 2020, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 88%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn Quốc gia. Cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao của người dân trong tỉnh đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới. Qua đó, đã đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh, đời sống nhân dân trong tỉnh dần được nâng cao.
Với sự phát triển đồng bộ về kinh tế- xã hội sau 30 năm tái lập tỉnh, năm 2022 là năm đầu tiên Ninh Bình tự cân đối ngân sách, đây là thành quả bền bỉ của nhiều nhiệm kỳ Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành, cộng động doanh nghiệp và người dân Ninh Bình. Chính vì vậy, tỉnh đã dần chủ động được nguồn lực và xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, Ninh Bình sẽ tập trung bố trí vốn để triển khai dứt điểm một số những dự án lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối vùng, liên vùng, có sức lan tỏa, mở rộng không gian, tạo dư địa và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, như: xây dựng tuyến đường Đông Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 1); xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 1 và 2); xây dựng đường Đinh Tiên Hoàng (giai đoạn 2). Hệ thống hạ tầng tạo kiến trúc cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại; Nâng cấp cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân, tỉnh Ninh Bình. Tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa, như Bảo tồn, tôn tạo khai quật khảo cổ và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư; Xây dựng tổ hợp Bảo tàng Thư viện tỉnh Ninh Bình.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, tỉnh Ninh Bình cũng nỗ lực hoàn thành sớm quy hoạch tỉnh và quản lý quy hoạch. Khai thác, phát huy tốt các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư. Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tập trung cải thiện chất lượng từng chỉ số thành phần của PCI; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội theo hướng tạo điều kiện thuận lợi ở mức cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm