Thiếu bác sĩ - thực trạng chung của các tuyến y tế
Theo thống kê của Sở Y tế, tính đến 31-6-2008, ngành Y tế Ninh Bình có 2.315 cán bộ, CNVC, trong đó có 468 bác sĩ, phân bổ ở tuyến xã: 86 bác sĩ, tuyến huyện: 143 bác sĩ, tuyến tỉnh: 239 bác sĩ. Vấn đề thiếu bác sĩ diễn ra phổ biến ở tất cả các tuyến y tế, đặc biệt là tuyến huyện.
Trung tâm Y tế Kim Sơn - một đơn vị nhiều năm dẫn đầu khối huyện, thị với thành tích trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhưng hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Trung tâm hiện có 18 bác sĩ trên tổng số 120 CB, CNV, trừ 4 bác sĩ đang làm nhiệm vụ quản lý, trung bình mỗi khoa mới có 1 bác sĩ. Vì thiếu bác sĩ, lãnh đạo Trung tâm cũng phải tham gia làm việc tại các khoa. Một đồng chí Phó Giám đốc tham gia cấp cứu sản, đồng chí Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính tham gia trực khoa Ngoại, 1 bác sĩ Phó khoa Ngoại kiêm nội soi, gây mê hồi sức…
Bác sĩ Đặng Đào Anh, Giám đốc Trung tâm cho biết: Đã chục năm, Trung tâm không tuyển được bác sĩ nào, trong khi 2 năm tới sẽ có 7 bác sĩ về nghỉ hưu. Tôi lo lúc đó Bệnh viện chỉ còn là bệnh xá.
Đến Trung tâm y tế Yên Khánh, chúng tôi thấy cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm đã được tăng cường nhiều so với trước. Tuy nhiên, vấn đề thiếu bác sĩ cũng đang là trở ngại của Trung tâm trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, áp dụng các tiến bộ KHKT vào công việc chuyên môn. Hiện nay, Trung tâm có 13 bác sĩ (kể cả Phòng khám Khánh Trung và Đội Y tế dự phòng). Đa số bác sĩ ở độ tuổi trên dưới 40. Đã 6 năm nay, Yên Khánh không có bác sĩ về công tác. Khoa Truyền nhiễm hiện chưa có bác sĩ. Để duy trì các hoạt động chuyên môn, Trung tâm phải bố trí cán bộ trực theo hệ (gồm hệ nội, hệ ngoại) hoặc lồng ghép các khoa Nội - Nhi - Cấp cứu.
Áp dụng thiết bị hiện đại vào chẩn đoán bệnh ở Trung tâm y tế Yên Khánh.
Bác sĩ Đoàn Thị Bích Hiền, Trưởng khoa Nội - Nhi - Cấp cứu tâm sự: Tôi tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình năm 2000. Vì gia đình ở xã Khánh Hải nên tôi tình nguyện về Trung tâm y tế Yên Khánh công tác. Gần chục năm gắn bó với nghề, đến nay vợ chồng tôi vẫn ở chung với bố mẹ vì chưa có điều kiện ra ở riêng. Hiện tại khoa do tôi phụ trách mới có 2 bác sĩ, còn thiếu 2. Vì vậy tôi phải kiêm nhiều việc, vừa làm quản lý, vừa khám bệnh, điều trị, vừa làm điện tim. Do kiêm nhiệm nhiều nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công tác. Bản thân cũng khó có thể đi học thêm. Nhiều khi mong có được ngày nghỉ bù cũng không thể…
Việc thiếu bác sĩ không chỉ diễn ra ở tuyến dưới mà ngay tuyến tỉnh cũng thấy rõ vấn đề này. Đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh, người bệnh có thể yên tâm vì nơi đây có đội ngũ cán bộ, thầy thuốc nhiệt tình, trách nhiệm. Với hệ thống cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi, nhưng ẩn chứa bên trong đó là nỗi niềm của những người làm công tác quản lý. Bác sĩ Lê Văn Tất, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Công việc ở đây khá khó khăn, phức tạp. Nguồn thu không có. Nếu không yêu nghề thì khó mà trụ vững. Mấy năm trước, Bệnh viện cũng đã tuyển được một số bác sĩ, nhưng họ chỉ về một thời gian rồi lại xin chuyển. Hiện nay, Bệnh viện chỉ có 7 bác sĩ, vừa làm nhiệm vụ điều trị, vừa làm công tác chỉ đạo tuyến. So với yêu cầu, Bệnh viện cần 14 bác sĩ nữa.
Ngay ở đơn vị tuyến đầu tỉnh, có môi trường công tác được coi là tốt nhất như Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng có tình trạng "thiếu thầy". Bệnh viện hiện có 113 cán bộ có trình độ từ đại học trở lên, so với yêu cầu còn thiếu khoảng 20 bác sĩ. Vừa qua, trong lúc chờ quyết định biên chế của tỉnh, lãnh đạo Bệnh viện đã ký hợp đồng nhằm "giữ chân" 6 bác sĩ, ngay sau đó 3 người đã được cử đi học chuyên khoa định hướng.
Theo bác sĩ Lê Hữu Quý, Giám đốc Bệnh viện: Nếu thiếu bác sĩ sẽ rất khó khăn cho việc triển khai các tiến bộ KHKT. Và như vậy, người bệnh sẽ chịu thiệt thòi, các bệnh viện sẽ không tạo nên sức hút đối với người bệnh, kéo theo đó, trình độ chuyên môn của các bác sĩ cũng không được nâng lên.
Đâu là nguyên nhân?
Thiếu bác sĩ không phải là vấn đề của riêng Ninh Bình mà đã trở thành nỗi bức thiết của nhiều địa phương trong cả nước. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu bác sĩ có thể xét trên nhiều khía cạnh vĩ mô và vi mô.
Thứ nhất, do chiến lược đào tạo của ngành Y tế còn có nhiều bất cập, cung không đủ cầu. Cho dù đã nâng chỉ tiêu tuyển so với trước nhưng các trường đại học y vẫn giữ điểm chuẩn đầu vào rất cao, thuộc tốp đầu. Để đỗ vào Đại học Y Hà Nội ít nhất phải đạt 9 điểm/1 môn thi, với Đại học Y Thái Bình cũng phải đạt 8 điểm/môn. Điều đó đã khiến cho lượng học sinh Ninh Bình thi đỗ vào các trường đại học y mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việc đào tạo hệ chuyên tu cũng được mở nhưng chủ yếu áp dụng cho tuyến xã, vì vậy việc thiếu bác sĩ ở tuyến huyện và tỉnh càng trở nên trầm trọng. Hiện nay, ngoài Trung tâm y tế Nho Quan có 29 bác sĩ, đáp ứng tương đối yêu cầu, còn lại các trung tâm y tế khác chỉ có 12-18 bác sĩ (thiếu từ 7-10 bác sĩ trên 1 đơn vị).
Một lý do khác nữa cũng khá quan trọng, đó là Ninh Bình chưa tạo ra "lực hút" mạnh trong việc giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ. Ngoài việc được ưu tiên tuyển ngay, tuyển thẳng vào các cơ sở y tế, các bác sĩ được đào tạo chính quy chưa được hưởng ưu đãi nào ngoài chế độ tiền lương, phụ cấp mà Nhà nước đã quy định. Trong khi đó, việc bung ra của các cơ sở y tế tư nhân đã tạo nên "lực hấp dẫn" đáng kể với các bác sĩ trẻ. Nhiều con em Ninh Bình sau khi ra trường đã ở lại các thành phố lớn tìm việc làm. Theo họ, ngoài chế độ tiền lương và thù lao cao, họ còn có điều kiện học hỏi, nâng cao trình độ tay nghề, đảm bảo cuộc sống ổn định.
Lời giải cho bài toán thiếu bác sĩ
Để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ ở các tuyến y tế, mấy năm gần đây ngành Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai một số giải pháp tích cực. Trong đó có việc tạo điều kiện cho các y sĩ xã đi học chuyên tu. Đến nay, trên 50% số xã đã có bác sĩ. Đến năm 2011 sẽ có thêm 35 y sĩ xã tốt nghiệp đại học chuyên tu. Như vậy, tình trạng thiếu bác sĩ ở tuyến xã sẽ đỡ phần gay gắt.
Cùng với đó, ngành Y tế cũng đã làm việc với các trường đại học Y xin chỉ tiêu đào tạo cử tuyển. Cụ thể, liên hệ với Trường Đại học Y Thái Nguyên đào tạo theo địa chỉ đối với những học sinh có hộ khẩu miền núi, thi khối B, đạt điểm sàn trở lên. Qua 2 năm, đã có 32 em được đào tạo theo hình thức này. Liên hệ với Trường Đại học Y Hải Phòng đào tạo cử tuyển cho 3 chỉ tiêu vùng cao. Năm học 2008-2009, Trường Đại học Y Thái Bình tiếp tục cho 10 chỉ tiêu cử tuyển. Như vậy, ít nhất 4 năm nữa số học sinh cử tuyển trên mới ra trường. Nếu so với yêu cầu thiếu khoảng 150 bác sĩ (vào 2010) của toàn ngành Y tế thì con số trên cũng chưa thể đáp ứng được, đó là chưa kể sẽ có hàng chục bác sĩ về nghỉ hưu trong vài năm tới.
Bàn về vấn đề này, nhiều người đã đưa ra giả thiết: Giá như các trường đại học hạ điểm chuẩn cho từng vùng, ở mức trên 20 điểm là chấp nhận được, nếu vậy sẽ tạo cơ hội cho nhiều học sinh nhưng vẫn sàng lọc được đầu vào, đảm bảo được chất lượng, Nhà nước cũng đỡ phần kinh phí đào tạo phải trả cho những y sĩ vừa đi làm, vừa đi học.
Được biết, ngoài những giải pháp cơ bản nêu trên, những năm qua Sở Y tế đã có văn bản gửi các trường đại học Y, thông báo nhu cầu tuyển dụng hàng năm để các sinh viên đăng ký, nộp hồ sơ. Nhưng qua 2 đợt xét tuyển, số bác sĩ tuyển được khá khiêm tốn. Năm 2005 tuyển được 15 bác sĩ/47 chỉ tiêu, năm 2007 tuyển được 9 bác sĩ/43 chỉ tiêu. Cũng trong 3 năm qua, toàn tỉnh có 6 bác sĩ chuyển đi Trung ương.
Như vậy có thể thấy việc giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ tuy đã có những giải pháp tích cực song vẫn còn là một bài toán khó. Để tìm được lời giải cần có sự nỗ lực từ nhiều phía. Trong đó có việc mở rộng quy mô đào tạo, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đặc biệt, tỉnh cũng nên nghiên cứu, có chính sách thu hút mạnh hơn đối với các bác sĩ tốt nghiệp đại học chính quy về làm việc tại các cơ sở y tế. Ví dụ ưu tiên cấp đất làm nhà ở, hỗ trợ kinh phí ban đầu… Đối với các cơ sở y tế cũng cần mạnh dạn trong việc áp dụng tiến bộ KHKT, tạo nên mảnh đất tốt cho các bác sĩ "dụng võ" nâng cao tay nghề và thu nhập. Có như vậy, họ mới yên tâm gắn bó với nghề.
Hà Trang