Theo báo cáo kết quả điều tra doanh nghiệp của các cơ quan chức năng tỉnh, năm 2018 khu vực doanh nghiệp tạo ra trên 166,7 nghìn tỷ đồng doanh thu, giải quyết việc làm cho 153,6 nghìn lao động, đã có 190 doanh nghiệp có quy mô doanh thu từ 100 tỷ đồng trở lên, thu nhập bình quân 1 lao động đạt trên 5,3 triệu đồng/tháng.
Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2019 đã có thêm 533 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 4.858 tỷ đồng; cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 42 dự án, với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt gần 7,2 nghìn tỷ đồng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn đã đóng góp cho ngân sách tỉnh 4.300 tỷ đồng, chiếm 85% tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 155 ngàn lao động.
Hướng tới mục tiêu năm năm 2019 tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 15.000 tỷ đồng, tiệm cận đến tự cân đối thu chi ngân sách. Những kết quả này phản ánh niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư với môi trường kinh doanh của Ninh Bình, là tín hiệu lạc quan đối với tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh việc đóng góp lớn cho ngân sách, góp phần tích cực tạo việc làm, nâng cao đời sống người lao động, tham gia các chương trình giảm nghèo, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, những năm qua Hiệp hội Doanh nghiệp và các Doanh nghiệp trong tỉnh đã tích cực trong việc hưởng ứng Quyết định số 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách, doanh nghiệp kết nghĩa với các xã có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh về vận động ủng hộ Quỹ An sinh xã hội và đền ơn đáp nghĩa, các doanh nghiệp trong toàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đã là lực lượng đi đầu trong ủng hộ đóng góp. Năm 2019, cấp tỉnh đã quyên góp với tổng nguồn Quỹ tăng 9,3 tỷ đồng.
Để cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh có một môi trường phát triển tốt nhất, tỉnh Ninh Bình đã tích cực thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Tỉnh cũng chủ động hưởng ứng và tích cực thực hiện các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ, nhất là đẩy mạnh cải cách hành chính, kêu gọi thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện cho sản xuất, kinh doanh với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp.
Nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước thông qua việc đẩy nhanh xây dựng và vận hành chính quyền điện tử; triển khai mô hình Trung tâm hành chính công để giải quyết nhanh các thủ tục hành chính. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ pháp lý, tư vấn, đào tạo cho doanh nghiệp theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thúc đẩy phong trào khởi sự kinh doanh, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Với sự vào cuộc quyết liệt, những chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh năm 2018 đều có sự tiến bộ, đi vào thực chất, được các cơ quan xếp ở mức khá cao so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng từ nhóm trung bình lên nhóm khá, đứng thứ 29/63 các tỉnh. Chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính (SIPAS 2018) Ninh Bình tiếp tục xếp thứ 2; chỉ số cải cách hành chính Parindex xếp thứ 9 toàn quốc.
Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tận dụng thời cơ từ bên ngoài, xây dựng và điều chỉnh chiến lược kinh doanh khoa học linh hoạt, chuyên nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Nhiều doanh nghiệp đã tích cực đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quản lý và sản xuất, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, cạnh tranh lành mạnh; xây dựng văn hóa kinh doanh, mở rộng liên kết, cùng với địa phương giải quyết tốt việc làm cho người lao động, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với nhà nước, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.
Song song với đó Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động trợ giúp doanh nghiệp, phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan chức năng, xứng đáng là tổ chức đại diện và là chỗ dựa tin cậy, là ngôi nhà chung của cộng đồng doanh nghiệp. Có kế hoạch đào tạo và xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng quản lý, quản trị, marketing, xây dựng chiến lược kinh doanh, nghiên cứu đầu tư phát triển.
Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh cũng đã tăng cường lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, của doanh nghiệp để tham mưu cho tỉnh có các chính sách phù hợp; làm tốt công tác thông tin, cung cấp, trang bị những kiến thức, kinh nghiệm quản trị sản xuất, kinh doanh tiên tiến cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền khen thưởng, vinh danh những doanh nghiệp, doanh nhân có thành tích xuất sắc để tôn vinh sự cống hiến của doanh nghiệp, doanh nhân đối với tỉnh Ninh Bình.
Nguyễn Thơm