Kết quả vượt dự kiến
Đề án hỗ trợ phát triển diện tích lúa cao sản đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2147/QĐ-UBND ngày 26-11-2008. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là nông dân tham gia gieo cấy lúa cao sản (các giống lúa lai: Phú ưu1, Phú ưu 978, CNR 5104, Thục hưng 6, My sơn 4 ), được hỗ trợ tiền mua giống. Thời gian hỗ trợ là các vụ sản xuất lúa năm 2009 và 2010, với quy mô hỗ trợ là 20.000 ha/năm. Đề án cũng quy định rõ định mức hỗ trợ, cơ chế hỗ trợ và phương thức thanh toán. Diện tích lúa cao sản được giao trong năm ở các huyện, thành phố, thị xã như sau: Nho Quan 2.000 ha, Hoa Lư 1.000 ha, Gia Viễn 2.000 ha, Yên Mô 4.000 ha, Yên Khánh 5.000 ha, Kim Sơn 5.000 ha, TP. Ninh Bình 600 ha, thị xã Tam Điệp 400 ha. Trên cơ sở đó, các huyện, thành phố, thị xã phân bổ cho các đơn vị và thông qua hoạt động dịch vụ giống của các HTX, tổ dịch vụ, hỗ trợ tiền giống lúa cho người nông dân thực hiện.
Vụ lúa đông xuân 2008-2009 là vụ sản xuất đầu tiên các địa phương trong tỉnh bước vào thực hiện dự án. Do đã có phong trào chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng từ những năm trước, cùng với sự chuẩn bị tích cực của các cơ quan có liên quan, sự chỉ đạo tập trung, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương và sự hưởng ứng tích cực của nông dân nên dự án đã thu được kết quả tốt. Diện tích lúa gieo cấy là 41.439,4 ha, trong đó có 26.934 ha lúa lai, chiếm 65% diện tích gieo cấy, 14.504,4 ha lúa thuần. Trong tổng diện tích lúa lai có 13.876 ha lúa thuộc dự án sản xuất lúa cao sản, chiếm 35,5% diện tích và đạt 69,4% tổng diện tích lúa cao sản được phê duyệt trong năm. Các địa phương đều tập trung sử dụng giống lúa lai cao sản đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó có 6.212,2 ha giống Phú ưu 1, chiếm 47,7% diện tích lúa cao sản, gieo cấy chủ yếu ở Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn, Nho Quan; 1.669,6 ha giống Phú ưu 978, chiếm 12% diện tích lúa cao sản, gieo cấy chủ yếu ở Yên Mô, Kim Sơn, Yên Khánh, Nho Quan; 4.415,2 ha giống Thục hưng 6, chiếm 31,8% diện tích lúa cao sản, gieo cấy chủ yếu ở Gia Viễn, Yên Mô, Nho Quan; 1.331,3 ha giống CNR 5104, chiếm 9,6% diện tích lúa cao sản, gieo cấy chủ yếu ở Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh; 247,5 ha giống My sơn 4, chiếm 1,78% diện tích lúa cao sản, gieo cấy chủ yếu ở Nho Quan và Yên Mô. Ngay trong vụ sản xuất này, huyện Gia Viễn đã thực hiện vượt mức diện tích của tỉnh giao 116,2 ha; thị xã Tam Điệp vượt 81,6 ha; các đơn vị khác cũng đạt trên 50% hoặc xấp xỉ diện tích tỉnh giao.
Về năng suất, lúa lai cao sản đạt 70,3 tạ/ha, sản lượng 97.560 tấn; lúa lai thường đạt 63,96 tạ/ha; lúa thuần đạt 52,9 tạ/ha. Như vậy, lúa lai cao sản cho năng suất cao hơn các giống lúa lai thường là 6,35 tạ/ha, tương đương 10-13%. Các địa phương như thành phố Ninh Bình, huyện Nho Quan, Yên Khánh, Kim Sơn có năng suất lúa lai cao sản đạt trên 70 tạ/ha; những huyện, thị còn lại năng suất đạt từ 62,53 đến 69,8 tạ/ha.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Toàn tỉnh có 231 HTX nông nghiệp thuộc 124 xã, phường, thị trấn tham gia sản xuất lúa lai cao sản, được bố trí gieo cấy tại 871 vùng trên địa bàn tỉnh, trong đó huyện có số vùng sản xuất nhiều nhất là Gia Viễn 319 vùng, thị xã Tam Điệp có 15 vùng, các nơi còn lại có từ 31-137 vùng. Toàn tỉnh cũng đã huy động 265 cán bộ kỹ thuật tham gia vào dự án; trong đó ở tỉnh 13 người, huyện 21 người, HTX 231 người và cũng đã ứng kinh phí hỗ trợ theo định mức cho các địa phương và đơn vị.
Cũng theo đồng chí Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, thì trên cở sở quy mô về diện tích đã được UBND tỉnh phê duyệt và phân bổ, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và hướng dẫn chỉ đạo các xã, phường, thị trấn bố trí vùng sản xuất phù hợp, đảm bảo yêu cầu gọn vùng, đồng trà, có hệ thống thủy lợi tưới, tiêu thuận lợi và chỉ sử dụng từ 1-2 giống lúa để gieo cấy trong vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo, chăm sóc, bảo vệ, phòng trừ sâu bệnh. Các đơn vị làm cung ứng dịch vụ như Công ty TNHH Hồng Quang; Công ty cổ phần giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình… đã chủ động làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, cung ứng đầy đủ, kịp thời, đảm bảo về số lượng và chất lượng giống theo quy định cho các đơn vị sản xuất. Các giống lúa lai cao sản đưa vào sản xuất phù hợp với đề án của UBND tỉnh quy định với chất lượng giống đảm bảo đã sinh trưởng và phát triển tốt, đồng đều. Lịch gieo cấy lúa cao sản chủ yếu nằm ở trà xuân muộn, thời điểm gieo mạ từ ngày 15 đến 31-1-2009 và cấy xong trước ngày 25-2. Cán bộ kỹ thuật được phân công tham gia dự án từ tỉnh đến cơ sở đã bám sát địa bàn được phân công, lăn lộn trên đồng ruộng, tích cực hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện nghiêm và đầy đủ quy trình kỹ thuật, tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng và phát triển thuận lợi ngay từ đầu vụ. Những yếu tố đó đã dẫn đến sự thành công bước đầu của dự án với kết quả vượt dự kiến, nhất là về quy mô diện tích. Sở Nông nghiệp & PTNT đã đề nghị tỉnh xem xét, bổ sung kinh phí, nhưng trước hết các huyện, thành phố, thị xã phải chủ động cân đối ngân sách để có thể hỗ trợ cho người sản xuất, đảm bảo tính công bằng giữa các địa phương.
Sự điều chỉnh kịp thời
Sau gần 20 tái lập tỉnh Ninh Bình, sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực sản xuất lương thực nói riêng đã có những bước tiến vượt bậc. Cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống có sự chuyển biến tích cực. Trong các vụ sản xuất lúa, loại giống có tiềm năng năng suất cao, giống lúa lai ngày càng được đưa nhiều vào đồng ruộng. Cùng với những tiến bộ kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp, thâm canh cây lúa, nên năng suất lúa bình quân chung toàn tỉnh và ở các huyện thị thành phố không ngừng tăng lên qua các vụ và qua các năm. Năm 2001 ( sau 10 năm tái lập tỉnh), năng suất lúa bình quân chung toàn tỉnh cả năm là 10,58 tấn/ha, đã gấp 2 lần so với năm 1991 (năm trước khi tái lập tỉnh); Sản lượng lương thực đạt gần 460.000 tấn, tăng 2,3 lần so với năm 1991; Bình quân lương thực đầu người đạt 504 kg. Đến năm 2008, thì diện tích lúa lai trên đồng ruộng tỉnh nhà đạt từ 65-80% tổng diện tích gieo cấy, tùy từng vụ và từng nơi, có địa phương đạt tới 100% diện tích gieo cấy là giống lúa lai. Do vậy, năng suất lúa bình quân chung cả tỉnh đạt 11,5tấn/ha với sản lượng đạt 464.950 tấn.
Kết quả, chỉ tính tại năm 2008, với sản lượng lúa đạt trên 46 vạn tấn thì Ninh Bình đã đảm bảo vững chắc vấn đề an ninh lương thực mà vẫn còn dư thừa vài trăm tấn, đấy là chưa kể sản lượng các loại cây lương thực khác như: ngô, khoai, sắn…Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương cũng đã hướng đến sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, thu nhập lớn. Nhiều năm gần đây,ở lĩnh vực sản xuất lương thực đã có những đơn vị và hộ gia đình đi đầu trong việc gieo cấy lúa chất lượng cao mà cụ thể là gieo cấy các giống: Dự, Tám, Nếp, LT2, Bắc thơm số 7… Huyện Kim Sơn là địa phương luôn có nhiều diện tích lúa Tám, Dự, Nếp… được cấy chủ yếu ở vụ mùa; Yên Mô mỗi vụ thường có từ 20-25% diện tích gieo cấy là các giống lúa chất lượng cao ( LT2, Bắc Thơm số7…).
Ở quy mô xã, HTX có: HTX Vĩnh Yên (Yên Nhân-Yên Mô), trong các vụ sản xuất qua đã tích cực đưa giống lúa chất lượng cao vào gieo cấy với 100% diện tích; HTX Hợp Tiến ( Khánh Nhạc-Yên Khánh) cũng có diện tích lúa chất lượng cao tương tự… Nhiều HTX khác đều có diện tích lúa chất lượng cao chiếm từ 15-25% tổng diện tích gieo cấy và đây là hướng đi trong tương lai của các HTX và hộ gia đình nông dân.
Theo tính toán của bà Phạm Thị Nẹ, chủ nhiệm HTX Hợp Tiến (Khánh Nhạc- Yên Khánh) thì: mặc dù năng suất lúa chất lượng cao thấp hơn so với lúa cao sản, nhưng bù lại giá bán lúa chất lượng cao gấp 1,5 đến 2 lần so với lúa thường; ở thời điểm vụ đông xuân 2009, giá 1kg lúa chất lượng cao từ 5000-5.500 đồng, trong khi đó giá 1kg lúa cao sản chỉ từ 3.000-3.200 đồng. Hơn nữa giá 1kg giống lúa chất lượng cao lại rẻ hơn nhiều so với giống lúa cao sản (giống lúa cao sản là những giống lúa lai nhập ngoại, giá giống đắt), giống lúa chất lượng cao lại dễ kiếm; trong khi đó chi phí cho phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc lúa chất lượng cao đỡ tốn kém hơn…Do vậy, hiệu quả kinh tế của việc sản xuất lúa chất lượng cao lớn hơn nhiều so việc sản xuất lúa cao sản và theo tính toán của phòng NN&PTNT huyện Yên Khánh thì: 1 ha lúa chất lượng cao cho lãi khoảng trên 15 triệu đồng; trong khi đó cũng ở diện tích như vậy lúa cao sản chỉ cho lãi khoảng 4,5 triệu đồng
Nắm bắt được tình hình trên, theo đề nghị của các cơ quan chuyên môn, HTX và nguyện vọng của đông đảo người nông dân, ngày 19/6/2009, UBND tỉnh đã có Quyết định số 628/QĐ-UBND về việc bổ sung các giống lúa chất lượng cao( LT2, Bắc thơm số 7) vào bộ giống lúa trong khuôn khổ dự án. Đây là sự điều chỉnh kịp thời, cần thiết trước yêu cầu thực tiễn của sản xuất. Để đảm bảo an toàn về an ninh lương thực và sản xuất lúa có hiệu quả; thì việc gieo cấy giống lúa nào, chất lượng cao hay năng suất cao, diện tích từng loại là bao nhiêu… tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương, tập quán canh tác ở nơi đó để quyết định. Song, trên phạm vi toàn Tỉnh, nên chăng ở tỷ lệ đồng đều giữa 2 loại lúa.
Bài, ảnh: Đinh Chúc