Thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về "Công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý" và Kết luận số 24 của Bộ Chính trị về "đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo", Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời xây dựng Kế hoạch để triển khai và hướng dẫn thực hiện. Trên cơ sở đó, cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện, coi đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài của tỉnh. Để động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành và chỉ đạo thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển như bố trí về nơi ở, ưu tiên trong thi nâng ngạch, nâng lương trước thời hạn và cử đi đào tạo, bồi dưỡng... Ngoài chính sách chung của tỉnh, một số địa phương cũng đã ban hành quy định một số chính sách về tiền hỗ trợ, bố trí nơi làm việc, sinh hoạt và phương tiện đối với cán bộ luân chuyển, nhằm tạo thêm điều kiện để động viên cán bộ được luân chuyển yên tâm phấn đấu, rèn luyện. Các cấp ủy cũng thường xuyên theo dõi, giúp đỡ cán bộ luân chuyển phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ được luân chuyển. Do vậy, từ nhiệm kỳ 2010 - 2015 đến nay, ở cấp tỉnh đã thực hiện luân chuyển từ Trung ương về tỉnh 1 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; luân chuyển từ tỉnh về huyện, thành phố 16 đồng chí, trong đó 8 đồng chí giữ chức vụ Bí thư, 4 đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy, Thành ủy, 4 đồng chí giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND các huyện, thành phố. Ở cấp huyện, thực hiện luân chuyển từ huyện, thành phố về xã, phường, thị trấn 69 đồng chí; luân chuyển từ xã, phường, thị trấn lên huyện, thành phố 15 đồng chí và thực hiện luân chuyển ngang từ khối Đảng, đoàn thể sang khối Nhà nước và ngược lại 49 đồng chí. Đồng chí Trương Đức Lộc, TVTU, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Trong quá trình luân chuyển cán bộ, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã thận trọng, lựa chọn những cán bộ có trình độ, năng lực, trong quy hoạch, cần đào tạo, tích lũy thêm kinh nghiệm thực tế để đưa đi luân chuyển. Chuẩn bị tương đối tốt cả nơi cán bộ đi và nơi cán bộ đến, không làm ồ ạt, tràn lan, chạy theo số lượng.
Đối với địa phương, đơn vị nơi có cán bộ luân chuyển đến, đã cơ bản nhận thức đúng, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ; quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ được luân chuyển; thực hiện tốt việc đấu tranh tự phê bình và phê bình, giữ gìn đoàn kết nội bộ, dần dần xóa bỏ tư tưởng "cục bộ", "khép kín" trong công tác cán bộ.
Cán bộ được luân chuyển đa phần là cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có năng lực và triển vọng phát triển, được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Do đó đã tự tin, quyết tâm nhận nhiệm vụ mới với tinh thần nghiêm túc để học tập và rèn luyện, tích lũy thêm kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý và điều hành; đã chủ động, tích cực vừa học hỏi, vừa tìm tòi, đồng thời cùng tập thể cấp ủy, lãnh đạo địa phương tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Sau thời gian luân chuyển, nhìn chung cán bộ được luân chuyển đều có bước trưởng thành mới, vận dụng và phát huy được năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong lãnh đạo, điều hành; tiếp cận nhanh với môi trường làm việc mới, có cách nhìn và phương pháp lãnh đạo toàn diện hơn; có ý thức rèn luyện, giữ gìn đạo đức, lối sống, đoàn kết cùng tập thể lãnh đạo địa phương thúc đẩy thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương đề ra...
Kết quả luân chuyển cán bộ, nhất là luân chuyển cán bộ từ tỉnh về huyện, thành phố trong nhiệm kỳ qua đã góp phần đào tạo được nhiều cán bộ có triển vọng phát triển, giúp cấp ủy chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 và nhân sự lãnh đạo HĐND, UBND, nhiệm kỳ 2016-2021.
Do thực hiện tốt công tác luân chuyển nên đội ngũ cán bộ lãnh đạo tỉnh cơ bản là cán bộ đã qua luân chuyển giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện (2/3 đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, 11/15 đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 3/4 đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, 2/3 đồng chí lãnh đạo HĐND tỉnh là cán bộ luân chuyển, trưởng thành từ cơ sở).
Làm tốt công tác luân chuyển cán bộ đã góp phần thúc đẩy công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, sử dụng cán bộ, tạo ra chuyển động mới và cách làm mới trong công tác cán bộ trong toàn tỉnh. Qua đó, làm cho việc luân chuyển cán bộ dần trở thành việc làm bình thường, phá bỏ được quan điểm và thói quen cũ trong công tác cán bộ như khuynh hướng "cục bộ", "khép kín" trong từng địa phương, tâm lý thỏa mãn, trì trệ của cán bộ.
Thực tế trong những năm vừa qua đã chứng minh nhiều địa phương khi có cán bộ luân chuyển đến đã có sự phát triển rõ rệt, tập thể cấp ủy đoàn kết, thống nhất, sinh hoạt nền nếp hơn, kỷ cương được tăng cường; hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được nâng cao hơn trước, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều hoàn thành, tình hình địa phương được củng cố và phát triển. Đây chính là tiền đề quan trọng để các cấp, các ngành, các địa phương làm tốt hơn công tác luân chuyển cán bộ trong thời gian tới.
Đinh Ngọc