Hướng tới chính quyền điện tử, gắn liền với cải cách hành chính Có thể nói, khởi điểm để thực hiện các nhóm giải pháp này chính là việc UBND tỉnh ban hành Quyết định số 05 về Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các văn bản, ý kiến chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Qua đó nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của các cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương.
Theo đó, các thủ tục hành chính có liên quan đến người dân và doanh nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết đã được UBND tỉnh công bố kịp thời và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị niêm yết công khai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trên trang web của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, đảm bảo thuận tiện cho việc tra cứu, thực hiện. Đến nay trên địa bàn tỉnh, 100% đơn vị hành chính các cấp thực hiện cơ chế "một cửa". Trong đó giải quyết theo cơ chế "một cửa" tại cơ quan hành chính cấp tỉnh là 199 lĩnh vực, tại cấp huyện từ 4 đến 9 lĩnh vực và tại cấp xã từ 3 đến 5 lĩnh vực tùy theo đặc thù tại từng địa phương.
Cùng với cơ chế "một cửa", cơ chế "một cửa liên thông" tiếp tục triển khai thực hiện trên các lĩnh vực như hộ tịch, thành lập doanh nghiệp, các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp trên địa bàn… Tập trung thực hiện đơn giản hóa các quy định về thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh.
Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng thực hiện mục tiêu tăng cường, đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, hướng tới chính quyền điện tử, gắn liền với cải cách hành chính. Xây dựng, kết nối và chia sẻ các hệ thống thông tin lớn, tạo môi trường làm việc điện tử rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian tác nghiệp và chi phí hoạt động của cơ quan nhà nước.
Trên địa bàn tỉnh hiện đã có 24/26 sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng trang thông tin điện tử, qua đó cung cấp các thông tin, biểu mẫu, quy trình giải quyết công việc đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính tại đơn vị. Hiện có 8/8 UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai phần mềm một cửa điện tử liên thông tại Trung tâm một cửa của địa phương, qua đó phát huy hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được thiết lập và sử dụng tại 26/26 cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ cán bộ, công chức của tỉnh đã được cung cấp hộp thư điện tử hơn 95%, tỷ lệ thường xuyên sử dụng khoảng 30%.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Đây được coi là giải pháp mang tính cấp thiết bởi hiện nay tỉnh ta có hơn 500 nghìn người tham gia lao động trong các ngành kinh tế nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo mới chỉ đạt khoảng 48%. So với nhu cầu thực tế thì hiện tại lực lượng lao động qua đào tạo còn thấp, còn thiếu đội ngũ kỹ thuật lành nghề.
Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn, tỉnh đã từng bước triển khai các chương trình, kế hoạch như công bố, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông và cụ thể tới các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011-2020. Hàng năm, tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 17 nghìn lao động với các nghề chủ yếu như may, đan cói, chế tác đá mỹ nghệ, lái xe, xây dựng, thủ công mỹ nghệ, du lịch dịch vụ, trồng trọt, chăn nuôi…
Tiến hành các phiên giao dịch việc làm hàng tháng thông qua Sàn giao dịch việc làm thu hút hàng chục nghìn lượt lao động tham gia với hàng trăm doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Qua đó tạo điều kiện cho hàng nghìn lao động tìm được việc làm ngay tại phiên giao dịch. Đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai công tác giảng dạy theo định hướng nhu cầu lao động của tỉnh. Trường Đại học Hoa Lư đào tạo trung bình mỗi năm gần 4 nghìn sinh viên ở nhóm ngành Sư phạm, Kinh tế, Văn hóa du lịch, Khoa học xã hội. Trường cao đẳng nghề cơ giới Ninh Bình ngoài việc đào tạo theo chỉ tiêu được giao đã chủ động ký kết thỏa thuận với các đơn vị sử dụng lao động để đào tạo nguồn lao động cho các nhà máy, xí nghiệp với số lượng gần 200 lao động/năm.
Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đối với cán bộ, công chức, viên chức luôn được quan tâm trong các năm gần đây. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh đã có 11 công chức, viên chức đi học bác sỹ và sau đại học; cử 18 công chức, viên chức đi ôn thi và dự thi cao học; mở 1 lớp bồi dưỡng quản trị ứng dụng công nghệ thông tin, 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu cơ bản qua mạng…
Giải pháp về tái cơ cấu kinh tế
Thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, tập trung vào 3 nội dung chính là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa theo đề án, kế hoạch đã được phê duyệt. Đối với việc tái cơ cấu đầu tư công đã xác định rõ ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng khu công nghiệp, các xã nghèo và bãi ngang ven biển. Qua đó đã chỉ đạo quyết liệt với các nội dung như không được triển khai thực hiện đối với các dự án đầu tư đã có quyết định đầu tư nhưng chưa hoàn chỉnh đủ hồ sơ theo trình tự về đầu tư hoặc không có khả năng cân đối vốn theo tiến độ được duyệt; không được khởi công xây dựng khi chưa được bố trí vốn…
Thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, năm 2010 trên địa bàn tỉnh chỉ còn lại 6 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc tỉnh. UBND tỉnh cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND tỉnh giai đoạn 2012-2015. Hiện nay 2 doanh nghiệp đã hoàn thành cổ phần hóa và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần; 3 doanh nghiệp nhà nước tiếp tục 100% vốn điều lệ, UBND tỉnh đã chỉ đạo việc rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh, xây dựng phương án… thực hiện theo kế hoạch đề ra. Việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trên địa bàn được cụ thể hóa ở việc chủ động phối hợp với các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên địa bàn trong xử lý nợ xấu và xử lý các tài sản đảm bảo tiền vay để tổ chức tín dụng có thể bán, thu hồi vốn sớm.
Để thúc đẩy quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh ta cũng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp khác như hỗ trợ các doanh nghiệp trong địa bàn quản lý về công tác xây dựng chiến lược xúc tiến sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch, tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm về du lịch. Năm 2014, tỉnh đã triển khai 52 ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên đôn đốc, giám sát ngành Điện lực thực hiện các giải pháp về chất lượng dịch vụ khách hàng, đảm bảo cung cấp đủ nguồn điện phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại và hàng giả…
Những kết quả này đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh ở Ninh Bình với các thủ tục hành chính được công khai, minh bạch, nguồn nhân lực từng bước được đào tạo phù hợp hơn với nhu cầu thực tế, cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư…
Đào Duy