Theo thống kê sơ bộ, tỉnh Ninh Bình hiện có trên 23 nghìn người khuyết tật. Nguyên nhân dẫn đến tàn tật có nhiều: Do bẩm sinh, do ốm đau, tai nạn hoặc bị thương trong chiến tranh. Nhằm tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên sống hòa nhập với cộng đồng, thời gian qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật, tháo gỡ khó khăn, rào cản đối với đời sống của người khuyết tật, như: Pháp lệnh về người tàn tật; Nghị định số 81/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều trong Bộ luật Lao động về lao động là người khuyết tật; Nghị định 116/2004/NĐ-CP bổ sung một số điều của Nghị định 81; Chỉ thị số 01/2006/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện các chính sách trợ giúp người tàn tật nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân, gia đình với người tàn tật. Nhờ đó, nhiều người đã được học nghề, tạo việc làm, vay vốn phát triển sản xuất, cấp phiếu khám, chữa bệnh…
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy phần lớn số người khuyết tật đời sống còn nhiều khó khăn, không ít người còn mặc cảm, tự ti, trở thành gánh nặng cho gia đình. Đối với Hội người khuyết tật Ninh Bình, sau 1 năm đi vào hoạt động, Hội đã tích cực vận động kết nạp thêm hội viên, nâng tổng số lên 350 người; thành lập 3 CLB ở các huyện; phối hợp tổ chức tập huấn kỹ năng giám sát các công trình giao thông và công trình công cộng có phần dành cho người khuyết tật; tổ chức dạy nghề cho hơn 40 hội viên; tổ chức khóa tập huấn về khởi sự doanh nghiệp cho các hội viên có nhu cầu tự lập nghiệp; tổ chức tuyên truyền trong dịp kỷ niệm ngày Quốc tế người khuyết tật 3-12, ngày Khuyết tật Việt Nam 18-4… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật.
Tại lễ kỷ niệm, Công ty TNHH một thành viên Sao Việt (TP Ninh Bình) đã tặng các hội viên khó khăn 5 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 300.000 đồng và trao 7 suất học bổng toàn phần (gồm học ngoại ngữ, tin học tại Công ty).
Hà Trang