Ninh Bình: Khó khăn trong triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%
Thứ Hai, 05/09/2022, 08:11
Zalo
Gói hỗ trợ lãi suất trị giá 40.000 tỷ đồng trong năm 2022-2023 là chính sách hỗ trợ lãi suất có quy mô lớn nhất từ trước tới nay sử dụng ngân sách Nhà nước được triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, đến nay sau 3 tháng triển khai, tiến độ giải ngân trên địa bàn tỉnh vẫn rất chậm.
Ninh Bình: Khó khăn trong triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến 31/7/2022, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn chưa cho vay khách hàng nào với lãi suất ưu đãi theo Nghị định 31.
Theo kế hoạch đến 31/8/2022, có 3 chi nhánh ngân hàng thương mại Ngân hàng NN&PTNT tỉnh, Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Nam Ninh Bình, Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu cho 47 khách hàng thuộc đối tượng, đủ tiêu chuẩn theo Nghị định 31 vay vốn ưu đãi với doanh số cho vay đạt 19,494 tỷ đồng; số tiền lãi hỗ trợ lãi suất cho khách hàng là 0,49 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế con số này còn rất khiêm tốn, chưa đạt theo kế hoạch đã đề ra.
Không chỉ riêng Ninh Bình, việc giải ngân gói hỗ trợ 40.000 tỷ theo Nghị định 31 đang "nghẽn" ở tất cả các địa phương. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất đến nay mới đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng. Có thể thấy, đây là một con số quá thấp so với mức 40.000 tỷ đồng của gói hỗ trợ.
Là một trong những ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai từ sớm các nội dung của Nghị định 31, song đến nay tiến độ giải ngân của Ngân hàng Agribank chi nhánh Nam Ninh Bình vẫn rất chậm.
Ông Vũ Dương Quỳnh, Phó Giám đốc Ngân hàng này cho biết: Mặc dù cơ chế chính sách đã có, song quá trình triển khai thực tế gặp không ít khó khăn như việc xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất, xác định mục đích sử dụng vốn để xác định khách hàng có thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất hay không, nhất là đối với những khách hàng kinh doanh đa ngành nghề thì việc tách bạch mục đích sử dụng vốn là điều không dễ dàng.
Bên cạnh đó, một số khách hàng kinh doanh nhưng không đăng ký hộ kinh doanh nên không đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi. Một số khách hàng thuộc đối tượng, đủ điều kiện khi được các chi nhánh ngân hàng thương mại tiếp cận thì e dè, chưa sẵn sàng vay vốn ưu đãi do khách hàng có nhu cầu vay ít, kinh doanh nhỏ lẻ nên còn ngại về thủ tục hồ sơ và công tác hậu kiểm sau khi nhận hỗ trợ.
Cũng theo ông Vũ Dương Quỳnh, để kịp thời thực hiện Nghị định 31, đơn vị đã tổ chức hội nghị quán triệt, tập huấn những nội dung liên quan. Đến nay đã triển khai đến 100% xã phường, thị trấn và tổ vay vốn về chủ trương hỗ trợ này. "Có thể nói, phía ngân hàng đã sẵn sàng mọi điều kiện để giải ngân, song tâm lý từ nhiều doanh nghiệp còn khá e ngại, chưa mặn mà."
Đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải trên địa bàn tỉnh thông tin: Theo Khoản 1, Điều 4 của Nghị định 31 quy định khách hàng để được hỗ trợ lãi suất phải đáp ứng điều kiện vay vốn như có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo... Song hơn 2 năm bị dịch COVID-19, đơn vị thua lỗ phải tạm ngừng hoạt động gần một năm. Doanh thu không có, tài sản đảm bảo cũng đã cầm cố ngân hàng nên việc tiếp cận với gói vay vốn hỗ trợ này là điều không dễ dàng.
Gói hỗ trợ 40.000 tỷ được ví như chiếc "phao vàng" giúp doanh nghiệp duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên với những khó khăn trên khiến doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh chưa thể tiếp cận được "chiếc phao" này.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng HD bank. Ảnh: PV
Ông Nguyễn Sỹ Tỉnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Với quyết tâm vượt qua khó khăn, đảm bảo thực hiện chính sách đúng, trúng, hiệu quả, vì vậy NHNN tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại rà soát hồ sơ, đối tượng có nhu cầu vay vốn; chủ động tiếp cận khách hàng, đồng hành, hướng dẫn khách hàng; giải ngân kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo theo quy định đảm bảo thực hiện hỗ trợ lãi suất công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích, ngăn ngừa các rủi ro, trục lợi chính sách.
NHNN tỉnh sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát việc cho vay hỗ trợ lãi suất trên địa bàn theo quy định. Nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Nghị định 31. Các trường hợp khách hàng đáp ứng đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng sẽ phản ánh với NHNN Việt Nam, các bộ, ngành, UBND tỉnh để tìm biện pháp tháo gỡ.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tỉnh bám sát tình hình, kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất của chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn; chủ động phối hợp các cơ quan liên quan giải đáp, xử lý khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền; đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách hỗ trợ lãi suất để khách hàng nắm bắt được thông tin và sớm được tiếp cận chính sách.
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 31, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đề nghị các bộ, ngành tiến hành rà soát lại các quy định liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, các điều kiện vay vốn… để kịp thời sửa đổi.
Đồng thời, giao Ngân hàng Nhà nước sớm thành lập các đoàn công tác (có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan) để khảo sát tình hình thực hiện của các ngân hàng thương mại, nắm bắt các vấn đề đặt ra trong thực tiễn để kịp thời có biện pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc của cơ sở.
Ngày 20/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2022 hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định. Đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong các các ngành hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục - đào tạo; nông - lâm - thủy sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; doanh nghiệp thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ.