Theo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đinh Nam Thắng, công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2019 gặp không ít khó khăn. Trước tiên là tăng trưởng kinh tế của những tháng đầu năm có dấu hiệu chậm lại; tình hình thời tiết, biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên gia súc có diễn biến phức tạp có tác động không thuận lợi đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước.
Một số doanh nghiệp trọng điểm (chủ yếu là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh) có số nộp chiếm tỷ trọng lớn do chịu ảnh hưởng bất lợi của nền kinh tế dẫn đến hàng hóa tiêu thụ chậm, hàng hóa tồn kho lớn, giá cả hàng hóa cơ bản trên thị trường có xu hướng tăng dẫn đến chi phí sản xuất, kinh doanh cao, do vậy số thuế phát sinh thấp. Các doanh nghiệp xây dựng, giá trị, số lượng công trình xây dựng giảm, doanh thu thấp, số thuế phát sinh phải nộp giảm so với cùng kỳ. Tình hình nợ đọng thuế có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng thuế kéo dài, đã ảnh hưởng tới việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước.
Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm, Cục Thuế Ninh Bình chủ động triển khai mạnh mẽ các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về công tác thu ngân sách. Tập trung cao nhất cho nhiệm vụ thu ngân sách, toàn ngành nỗ lực khai thác triệt để các nguồn thu. Đẩy mạnh và nâng cao công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế theo phương thức hiện đại, đảm bảo hình thức đa dạng; tập trung tuyên truyền một số chính sách thuế mới có hiệu lực trong năm 2019, quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa dịch vụ… với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện; kết hợp với lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người nộp thuế để giải đáp những khó khăn, vướng mắc kịp thời, hiệu quả.
Ngành Thuế đã xây dựng chương trình thời gian cụ thể, cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý và tổ chức phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan đảm bảo hoàn thành các chương trình công tác đúng tiến độ. Rà soát các chính sách thuế, phí, lệ phí đã ban hành để phát hiện những nội dung không còn phù hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền quy định mới hoặc sửa đổi, bổ sung. Tập trung rà soát, đôn đốc việc kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước để có biện pháp đôn đốc thu, nộp kịp thời. Thực hiện giải quyết hồ sơ hoàn thuế chặt chẽ, đúng quy định.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách ở tất cả các thành phần kinh tế, phấn đấu hoàn thành kế hoạch Tổng cục Thuế giao. Đẩy mạnh đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế theo đúng thủ tục, trình tự quy định của pháp luật. Tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành chỉ thị về công tác thu nợ thuế. Xây dựng kế hoạch thu nợ cụ thể trong từng thời kỳ. Thực hiện rà soát, phân loại nợ; giao chỉ tiêu thu nợ hàng tháng cho từng bộ phận, từng cán bộ để phân tích, đánh giá và đề xuất các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, phấn đấu đảm bảo giảm số nợ thuế theo tiêu chí xây dựng của Tổng cục Thuế (dưới 5% tổng số thu).
Tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011- 2020 và lộ trình cải cách 2016-2020 theo đúng kế hoạch và chương trình; chủ động phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh nghiên cứu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tìm tiếng nói chung về thủ tục hành chính liên quan phục vụ người nộp thuế. Tổ chức thực hiện tốt các nội dung về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế như: Kê khai qua mạng, hoàn thuế, nộp thuế điện tử; ứng dụng trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan, Kế hoạch đầu tư, cơ quan Tài nguyên môi trường…Nhờ những giải pháp trên, số thu thuế nội địa tiếp tục xác lập đỉnh cao mới. Trong đó có nhiều nguồn thu hoàn thành vượt dự toán và có tỷ lệ tăng trưởng cao so với năm trước như: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương; thuế bảo vệ môi trường; lệ phí trước bạ; thu cấp quyền khai thác khoáng sản; thuế thu nhập cá nhân; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp... Nhiều huyện, thành phố đã sớm hoàn thành dự toán thu và có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ: Thành phố Ninh Bình, huyện Yên Mô, huyện Yên Khánh, huyện Gia Viễn và huyện Nho Quan.
Năm 2020, dự báo tình hình kinh tế sẽ có chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách. Phát huy bài học kinh nghiệm trong những năm qua, ngành Thuế quyết tâm phấn đấu hoàn thành dự toán ngân sách năm 2020 được giao trên 8.300 tỷ đồng. Bên cạnh việc thực hiện tốt vai trò tham mưu đề xuất, ngành Thuế đặt ra quyết tâm mới trong công tác thu và chỉ đạo thu, phải thực hiện quản lý nguồn thu theo từng lĩnh vực, từng địa bàn, từng sắc thuế, từng người nộp thuế trên cơ sở nắm chắc trạng thái hoạt động sản xuất. Tập trung khai thác nguồn thu còn tiềm năng tại các khu vực kinh tế. Tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế phát sinh, từ đó khai thông các khoản thu. Tăng cường các biện pháp quản lý nợ thuế, chống thất thu ngân sách. Khai thác tốt nguồn lực các khoản thu từ đất, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản…
Bên cạnh đó, ngành Thuế tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức theo từng chức năng theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, nâng cao kỹ năng quản lý. Tập trung hiện đại hóa quản lý thuế, thực hiện thành thạo ứng dụng quản lý thuế, đẩy mạnh vận động và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện khai thuế và nộp thuế điện tử, cải cách hành chính thuế, sắp xếp lại mô hình tổ chức bộ máy theo đúng lộ trình Tổng cục Thuế đề ra.
Bài, ảnh: Giáng Hương