Lập gia đình từ năm 18 tuổi. Khi đứa con thứ 2 còn đỏ hỏn thì chồng chị qua đời vì một tai nạn giao thông. Nuốt nước mắt vào trong, người phụ nữ nhỏ bé ấy tự nhủ phải thật vững vàng để trở thành điểm tựa cho các con. Ngày ngày, chị Phương tảo tần việc đồng áng để nuôi con khôn lớn. Song, thu nhập từ vài sào ruộng không đủ để chăm lo cho các con đang tuổi đến trường. Sau khi tìm hiểu kỹ, chị quyết định gửi các con cho ông bà ngoại để đi xuất khẩu lao động sang thị trường Malayxia.
Còn nhớ cái Tết đầu tiên xa con, xa gia đình, lòng chị quặn thắt. Chị Phương tâm sự: thương con sớm mất cha, lại xa vòng tay chăm sóc của mẹ, những ngày giáp Tết, tôi càng nhớ thương bọn trẻ. Chỉ muốn từ bỏ tất cả để về với con, để đưa con đi sắm sanh quần áo mới, mua cho con những món đồ chơi mà con trẻ thường thích…
Nhưng rồi, càng thương con, nghĩ tới con chị Phương lại càng có thêm động lực để phấn đấu. Sau hơn 3 năm làm việc ở Malayxia, chị chắt chiu được số vốn nho nhỏ. Về nước, chị dành một phần để xây mới ngôi nhà mái bằng khang trang, số tiền còn lại, chị dự định sẽ dùng để phát triển kinh tế gia đình.
Đối với gia đình anh Minh (Gia Viễn), Tết năm nay cũng thật đặc biệt. Anh tâm sự, ngót 6 năm vợ tôi đi lao động ở nước ngoài, mỗi dịp Tết đến là mấy bố con ở nhà lại "lóng ngóng" bởi những đầu việc như muối vại dưa hành, mua kẹo bánh, nhang đèn; gói bánh chưng hay bó chiếc giò mỡ. Nhưng Tết năm nay mấy bố con tôi chỉ có 3 nhiệm vụ chính là lau dọn, sửa soạn bàn thờ tổ tiên; chọn mua cành đào, chậu quất thật đẹp và đi "đánh đụng" thịt lợn. Còn mọi việc đã có mẹ bọn trẻ lo. Tết năm nay có mẹ ở nhà, bọn trẻ vui lắm, gia đình như có thêm ngọn lửa ấm áp.
Giọng anh bỗng chùng xuống, đầy hoài niệm: Vợ chồng tôi làm nông nghiệp, nhưng chỉ có 4 sào ruộng để cấy cày, vụ nào năng suất cũng được 8 tạ lúa, có tằn tiện lắm cũng chẳng đủ để phục vụ cho gia đình 4 miệng ăn. Nhiều đêm, cả hai vợ chồng thức trắng để nghĩ cách làm ăn. Song, vốn không có, kiến thức cũng không, biết làm nghề gì để sống? Rồi vợ anh nảy ra ý định đi xuất khẩu lao động ở Malayxia. Vợ chồng cũng phải đấu tranh tư tưởng ghê lắm, vì con cái còn nhỏ, lại mang trọng bệnh, mẹ nó đi vắng thì lấy ai chăm sóc? Nhưng nếu không đi, thì đến lo ăn cũng không đủ chứ nói gì tới chữa bệnh cho con. Thôi thì cứ "liều" một phen xem sao.
Chỉ một năm sau ngày đi lao động bên xứ người, vợ anh An đã có số tiền nho nhỏ gửi về cho gia đình. Có chút vốn, anh thầu 3 mẫu ruộng của Hợp tác xã đào ao, thả cá. Mỗi năm, ao cá cho anh thu nhập vài chục triệu đồng. Còn vợ anh tiếp tục làm việc ở nước ngoài cho đến hết hạn hợp đồng. Kinh tế khá giả, vợ chồng anh An lại càng có điều kiện chăm lo cho con cái học hành và phát triển kinh tế gia đình.
Niềm vui của gia đình chị Phương, anh Minh cũng là niềm vui chung của rất nhiều gia đình có thành viên đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm đã thay đổi cuộc sống của bao lao động, đặc biệt là lao động nghèo, lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Với ý nghĩa thiết thực này, những năm qua công tác xuất khẩu lao động đã được tỉnh ta đặc biệt quan tâm và xác định là hướng giảm nghèo bền vững, hiệu quả. Theo đó, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh XKLĐ như: Đẩy mạnh việc giới thiệu đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Từ tỉnh đến cơ sở đều thành lập Ban chỉ đạo XKLĐ. Những Ban chỉ đạo này đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các ban, ngành, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân về công tác XKLĐ.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội còn tạo điều kiện để các đối tượng chính sách được vay vốn có mức lãi suất ưu đãi với mức vay tối đa là 30 triệu đồng/người. Riêng lao động thuộc 23 xã nghèo trọng điểm được vay tối đa 50 triệu đồng/người.
Đặc biệt, tỉnh ta đã triển khai có hiệu quả Dự án hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, những đối tượng trong độ tuổi lao động, là thân nhân gia đình chính sách, hộ nghèo hoặc cận nghèo sẽ được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn, chi phí học ngoại ngữ, chi phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tiền ăn hàng ngày cho người lao động trong thời gian học, tiền đi lại…
Tỉnh ta cũng tạo điều kiện tốt nhất để những doanh nghiệp đủ điều kiện về tuyển lao động xuất khẩu tại Ninh Bình có cơ hội tiếp cận với người lao động thông qua các hội nghị XKLĐ. Tại hội nghị, các đơn vị này sẽ tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực XKLĐ, thông báo công khai nhu cầu tuyển, điệu kiện tuyển, chi phí… giúp người lao động tìm hiểu, lựa chọn được thị trường và công việc phù hợp.
Tính từ năm 2010 đến năm 2013, đã có trên 3.000 lao động của tỉnh Ninh Bình được các đơn vị chuyên doanh XKLĐ đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó tập trung chủ yếu vào các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malayxia, Các tiểu vương quốc Ả Rập… với mức thu nhập từ 4-15 triệu đồng/người/tháng. Bằng số tiền có được sau khi đi xuất khẩu lao động, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá hơn.
Đào Hằng