Trò chuyện cùng các bác, tôi mới hiểu thêm những việc họ đã và đang làm chính là việc tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thành phố hưởng ứng phong trào hiến tặng giác mạc để đem lại nguồn ánh sáng hạnh phúc cho hàng trăm nghìn người mù lòa trong cả nước. Bản thân họ- các tình nguyện viên cũng là những người tiên phong đi đầu trong việc tình nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc. Việc làm của họ đang nhân lên những nghĩa cử cao đẹp giữa đời thường.
Bác Tạ Thị Tôn là một trong số 5 tình nguyện viên của phường Nam Bình mấy tháng qua luôn nhiệt tình với việc tuyên truyền, vận động mọi người về việc làm hiến tặng giác mạc để đem lại nguồn sáng cho những người mù lòa theo dự án do Viện Mắt Trung ương phối hợp với tổ chức 0RBIS thực hiện.
Là tổ trưởng tổ dân phố Phú Xuân nên bác Tôn có nhiều điều kiện để thực hiện việc tuyên truyền, vận động về ý nghĩa, mục đích của việc làm mang ý nghĩa nhân đạo thông qua các cuộc họp phố, sinh hoạt chi bộ, qua giao tiếp, trò chuyện với hàng xóm, láng giềng... Hỏi chuyện bác về "cái" khó trong việc tuyên truyền cũng như kinh nghiệm để làm tốt việc này, bác Tạ Thị Tôn cho biết: Khó là vì đề cập đến vấn đề hết sức "nhạy cảm", liên quan đến tâm linh của người Việt nên nhiều người còn nghi ngại, băn khuăn...
Qua đội ngũ tình nguyện viên, nhiều người hiểu được ý nghĩa,
mục đích cao cả của việc hiến tặng giác mạc
Để mọi người tin tưởng, ngay từ khi phong trào được phát động, bác Tạ Thị Tôn đã đăng ký hiến tặng giác mạc và ghi tên mình vào đầu của danh sách. Bác lý giải việc làm này là: Để khi mình nói, mọi người nhìn vào thấy đã có tên mình rồi thì không còn băn khuăn. Còn việc để tâm nguyện của mình được con cháu thực hiện khi đã mất, bác Tôn còn ghi rõ tâm nguyện của mình ra giấy, ép plaslic, gối đầu giường... Không chỉ tự nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc, bác Tôn còn vận động được thêm 5 người trong phố Phú Xuân cùng tự nguyện tham gia đăng ký hiến tặng giác mạc. Hiện nay, cùng với các tình nguyện viên trong phường, bác rất tích cực tham gia tuyên truyền, vận động với mong muốn có thêm nhiều người cùng hiểu việc làm của đội ngũ tình nguyện viên để góp phần giúp cho nhiều người mù lòa có cơ hội nhìn thấy ánh sáng...
Cũng là một người viên tham gia trong đội tình nguyện viên phường Ninh Khánh, sư cụ Thích Đàm Tiến, trụ trì chùa Mía (phố Hưng Phúc-phường Ninh Khánh) sau khi hoàn thành những công việc của nhà tu hành lại khoác lên mình chiếc áo trắng của tình nguyện viên Hội chữ thập đỏ để đến các chùa, các xã trên địa bàn thành phố tiến hành tuyên truyền, vận động về việc hiến tặng giác mạc mang đậm đạo lý của nhà Phật. Sư cụ tâm sự: Không chỉ mỗi khi khoác lên người tấm áo của tình nguyện viên, cụ mới tiến hành việc tuyên truyền, vận động mà ngay cả trong các buổi lễ, giảng kinh tại Chùa, sư cụ cũng không quên truyền đạt cho các phật tử, người đi lễ chùa... với tâm niệm "cứu một người phúc đẳng hà sa"...
Theo đồng chí Nguyễn Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Ninh Bình: Mới chỉ qua hơn 5 tháng triển khai thực hiện việc tuyên truyền về hoạt động tự nguyện hiến tặng giác mạc theo dự án của Viện Mắt Trung ương và tổ chức ORBIS tại 10 xã, phường trong thành phố, đội ngũ tình nguyện viên với phương thức hoạt động: 1 tình nguyện viên phấn đấu tuyên truyền, vận động được từ 5 người trở lên tự nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc.
60 tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ từ thành phố đến cơ sở đã tiến hành tuyên truyền cho trên 3.000 người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của việc làm nhân đạo này để giúp cho hơn 300 nghìn người mù lòa trên toàn quốc tìm lại ánh sáng cho đôi mắt. Đến nay, toàn thành phố có trên 300 người tự nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc. Nhiều người sau khi đăng ký đã vận động được thêm những người trong gia đình, trong khu dân cư... cùng tự nguyện đăng ký.
Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ thành phố sẽ tiếp tục mở rộng đối tượng, đa dạng các hình thức tuyên truyền đến 100% các xã, phường trong thành phố để ngày càng có thêm nhiều người cùng chung ý hướng, nguyện vọng và nghĩa cử giúp nhiều người mù lòa có cơ hội tìm được ánh sáng.
Bài, ảnh: Bùi Diệu