Nỗi đau chưa dừng lại
Không quá khó khăn để tìm đến ngôi nhà của ông Đinh Văn Quang, một nạn nhân chất độc da cam ở thôn Hậu, xã Ninh Nhất bởi ngay từ lần hỏi đường đầu tiên chúng tôi đã nhận được câu trả lời: cứ đi đến cửa hàng tạp hóa nhỏ, thấy người đàn ông vừa cặm cụi bán hàng, vừa chăm sóc cho 4 đứa trẻ tật nguyền thì đấy chính là ông Quang. Nhìn bề ngoài ngôi nhà cũng bình yên giống như bao ngôi nhà xung quanh nhưng mọi chuyện chỉ bắt đầu từ chính những thân phận kém may mắn.
Năm 1976, sau thời gian chiến đấu tại chiến trường Tây Nam Bộ, ông Quang trở về quê hương, lập gia đình và sinh được 5 người con trai. Có một điều bất thường là sức khỏe của ông ngày càng giảm sút, còn các con đều bị dị tật và phát triển không bình thường. Bỏ qua mọi lời dị nghị, đàm tiếu, ông vẫn tiếp tục xoay xở đủ nghề để kiếm tiền chạy chữa và chăm sóc các con với hy vọng chúng sẽ được bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng niềm hy vọng ấy không trở thành hiện thực. Người con trai thứ 3 của ông đã qua đời sau 5 năm điều trị ở khắp các bệnh viện với các chứng bệnh thận, gan... 4 người còn lại dù đã được đi học nhưng không biết đọc, biết viết. Mọi sinh hoạt hàng ngày càng trở nên khó khăn hơn khi thị lực của các con ông bị giảm sút, hầu như không nhìn thấy gì, các ngón chân bị chồi xương và mỗi bước đi đã trở thành những nỗ lực đến bặm môi ứa máu.
Trong câu chuyện của mình, khi nói về những nỗi đau của bản thân, ông Quang bình tĩnh bao nhiêu thì khi nhắc đến những đứa con, ông lại xúc động và đau khổ bấy nhiêu. Nỗi lo sợ các con không còn nơi nương tựa khi vợ chồng ông già yếu, mất sức lao động đã ám ảnh ông trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Ông tâm sự: Ngày nào mình còn làm việc được thì sẽ không để các cháu phải chịu đói, chịu khổ. Tận dụng mọi điều kiện của gia đình để phát triển kinh tế, ông đã mở được 1 cửa hàng tạp hóa nhỏ, phát triển mô hình vườn ao chuồng như: thả cá, nuôi lợn..., đáp ứng được một phần nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của gia đình.
Mặc dù phải vật lộn với di chứng của chất độc da cam nhưng ông vẫn tích cực tham gia các phong trào của địa phương, nhiều năm được nhân dân tín nhiệm bầu vào HĐND xã. Hiện nay, ông đang là ủy viên Ban chấp hành Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin thành phố Ninh Bình. Những việc ông làm không chỉ vì cuộc sống và quyền lợi của chính mình mà còn vì những đồng đội đang hàng ngày, hàng giờ phải chống chọi với nỗi đau da cam.
Cũng bị nhiễm chất độc da cam nhưng ông Nguyễn Trần Đức ở thôn Đề Lộc, xã Ninh Nhất may mắn hơn khi có được điều kiện kinh tế khá ổn định. Được sự giúp đỡ của anh em, họ hàng cũng những nỗ lực của bản thân, đến nay ông Đức đã xây được nhà mái bằng khang trang, các con đều đang được học hành đầy đủ. Đối với một người bình thường, để có được cơ ngơi như vậy đã không phải là điều dễ dàng, với một người đau ốm quanh năm thì điều đó tưởng chừng như không thể. Tranh thủ những lúc không bị cơn đau hành hạ, ông đi làm phụ hồ, làm thuê những việc vặt... để đỡ đần cho vợ con. Giờ đây, trong cơ thể ông mắc rất nhiều các chứng bệnh như: suy tim, huyết áp cao, da lở loét, chân sưng to và đi lại rất khó khăn... Hình như bệnh tật, đau khổ đã cướp hết sức lực của người đàn ông này. Đau khổ vì phải nhìn con gái bị khuyết tật ngay khi vừa chào đời, đứa con trai thứ 3 tuy lành lặn nhưng lại bị hạn chế về nhận thức... Nỗi đau về thể xác ông có thể chịu đựng được, còn những giằng xé về tinh thần cứ đè nặng trái tim người cha ấy từ nhiều năm nay.
Cần thêm sự sẻ chia của cộng đồng
Những nạn nhân như ông Quang, ông Đức đang từng ngày, từng giờ cố gắng thoát khỏi sự nghiệt ngã của số phận nhưng có một điều họ không thể định liệu trước đó là tương lai của những đứa con tật nguyền khi mà họ không còn đủ sức để chăm sóc. Có một cơ sở để nuôi dưỡng, bảo trợ các đối tượng này là mong muốn rất chính đáng của những nạn nhân chất độc da cam. Hiện tại, các địa phương đã có nhiều cách làm để góp phần xoa dịu nỗi đau cho từng gia đình, từng hoàn cảnh nhưng đa số mới dừng lại ở việc động viên, thăm hỏi, tặng quà...
Để làm vơi bớt khó khăn cho những nạn nhân chất độc da cam, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền và của mỗi người dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Duy Hiền