Chia sẻ về nghề, cô Hoa cho biết: Là thế hệ 9X, sau khi tốt nghiệp ngành giáo dục đặc biệt Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, tôi đến với nghề giáo dục đặc biệt này như là cái duyên, bởi ban đầu nhìn những đứa trẻ đặc biệt tôi không hiểu trẻ bị như thế là vì lý do gì, chỉ nghĩ trẻ khuyết tật là mất chân, mất tay hay mắt không nhìn thấy. Thế nhưng khi bắt tay vào chuyên ngành học mới hiểu về ngành học của mình và các bệnh của trẻ, là ngoài những trẻ khuyết tật ra, còn một số trẻ bị rối loạn phát triển như trẻ tự kỷ, tăng động giảm chú ý, trẻ bại não, trẻ down, trẻ rối loạn về phát triển chậm trí tuệ. Đặc biệt khi bắt tay vào nghề thì cảm giác thật hoang mang, thực tế không giống so với những gì tôi học trên ghế nhà trường. Nhất là với những trẻ bị bệnh nặng, rối loạn hành vi có thể tấn công cô giáo khi bị kích động.
Vượt lên khó khăn của nghề dạy học đặc biệt, 6 năm gắn bó với nghề, cô Hoa đã trưởng thành hơn rất nhiều, hiểu được tâm lý trẻ, hiểu được trẻ cần gì, trẻ muốn gì để can thiệp cho trẻ từ bước đầu tiên như chơi với trẻ để tạo sự thân thiện, gắn bó với trẻ, tạo môi trường an toàn cho trẻ như người thân. Sau đó đánh giá xem trẻ đã biết gì, chưa biết gì, cần can thiệp gì, có những hành vi rối loạn như thế nào để lên mục tiêu giáo dục cho trẻ. Để có được những kinh nghiệm và trình độ trong giáo dục trẻ, cô Hoa và cô giáo Trung tâm thường xuyên tham gia các lớp tập huấn với các chuyên gia nước ngoài, trao đổi, học tập kinh nghiệm với các Trung tâm của khu vực miền Bắc để thống nhất các phương pháp giảng dạy hiệu quả. Bản thân cô Hoa còn nâng cao ý thức tự học, rút kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy cùng Trung tâm giúp nhiều em khỏi bệnh, hòa nhập với các bạn cùng trang lứa. Hiện Trung tâm nơi cô Hoa giảng dạy đang giáo dục cho gần 100 trẻ (ở độ tuổi từ 20 tháng tuổi đến 14 tuổi), trong đó có 50% trẻ ở bán trú. Trẻ đến Trung tâm thuộc các huyện trong tỉnh Ninh Bình và một số tỉnh Nam Định, Hòa Bình, Thanh Hóa... Nhiều năm nay, cô Hoa góp sức xây dựng Trung tâm Thiên thần nhỏ Ninh Bình trở thành điểm đến tin cậy cho cha mẹ có con bị tự kỷ, tăng động, chậm phát triển.
Đối với thầy Đoàn Hồng Vân, Tổ trưởng chuyên môn Tổ giáo dục đặc biệt, Trường Mầm non Mai Thế Hệ (thành phố Ninh Bình), 5 năm gắn bó với công việc "đặc biệt" giáo dục trẻ tự kỷ bậc mầm non là những năm tháng có biết bao kỷ niệm vui, buồn. Sinh năm 1991, tốt nghiệp Khoa Tâm lý Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, thầy Vân đã áp dụng kiến thức được học, những kinh nghiệm trong công tác cũng như kiến thức tự học qua các bạn, các kênh thông tin, từ đó giúp nhiều trẻ tự kỷ khỏi bệnh. Thầy Vân chia sẻ: Đến với nghề là cơ duyên nhưng với sự định hướng, giúp đỡ của các thầy cô ngay từ khi ngồi trên giảng đường nên tôi ngày một gắn bó và yêu nghề. Với nam giới, chọn nghề giáo dục trẻ mầm non đặc biệt là một khó khăn lớn, bởi tôi phải học từ cách chăm sóc công việc cá nhân của trẻ, học cách cho trẻ ăn, ngủ... Tuy nhiên, được sự quan tâm giúp đỡ của Ban giám hiệu nhà trường, các đồng nghiệp đã giúp tôi tiếp cận nhanh với trẻ, vững tin theo nghề.
Để giáo dục trẻ tự kỷ, người thầy phải có trước hết là tình thương và trách nhiệm với các học trò của mình. Chúng tôi luôn ý thức và trau dồi phương pháp tốt nhất dành cho các em như tích cực học tập để có nhiều nguồn tư liệu, qua các lớp tập huấn về phương pháp dạy trẻ khuyết tật qua hệ thống giao tiếp trao đổi hình, điều hòa cảm giác, phương pháp can thiệp phát triển quan hệ xã hội, ADHA (phương pháp giảm tăng động giảm trí nhớ ở trẻ) và một số test dành cho trẻ khuyết tật để phân biệt rõ nhất mức độ và dạng tật của trẻ để từ đó có phương pháp, cách tiếp cận cũng như kế hoạch giáo dục cá nhân phù hợp nhất dành cho trẻ.
Sau 5 năm chở những "chuyến đò đặc biệt", thầy Vân đã giúp nhiều em "sang sông" đến với lớp học văn hóa ở các bậc học, nhiều em không những hòa nhập tồn tại trường, lớp, các bạn, thầy cô mà nhiều em trở thành học trò chăm ngoan, học giỏi. Đây chính là thành công lớn nhất các em dành tặng cho người thầy của mình và cũng là động lực giúp thầy Vân tiếp tục hành trình gian nan trong giảng dạy trẻ đặc biệt tại Trường Mầm non Mai Thế Hệ.
Bài, ảnh: Hồng Vân