Một thời máu lửa
Trong ký ức của ông Đinh Văn Việt (phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình) thì những năm tháng chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại như còn vẹn nguyên ngày nào. Ông thuộc lớp TNXP tập trung của Ninh Bình thời kỳ đầu gồm 6 đại đội với hơn 700 người. Ông tâm sự với chúng tôi, khi nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, xung phong lên đường làm nhiệm vụ ông cảm thấy rất vinh dự và tự hào nhưng không lường hết được những khó khăn, gian khổ, những hy sinh mất mát trong cuộc chiến ác liệt. Từ Ninh Bình ông vào miền Tây Quảng Bình làm nhiệm vụ trên tuyến đường 15, Binh trạm 12, Đoàn 559, Tổng cục Hậu cần. Trên tuyến đường 15 không bao giờ ngớt tiếng gầm rú của máy bay Mỹ, tiếng bom rơi, đạn nổ cùng với sự chiến đấu và hy sinh dũng cảm của cán bộ, chiến sỹ các lực lượng công binh, dân công hỏa tuyến, bộ đội vận tải, TNXP…
Nhiệm vụ chính của ông lúc đó là tiếp nhận, xuất kho và thống kê các số liệu về những mặt hàng quân sự như lương thực, thực phẩm, quân nhu, quân trang, quân y, quân khí, xăng dầu, cung cấp kịp thời, đầy đủ cho tiền tuyến; việc nhập và xuất hàng chỉ diễn ra vào ban đêm, mỗi đêm phải xuất, nhập hàng, trăm tấn hàng còn ban ngày chủ yếu làm nhiệm vụ ngụy trang để tránh tai mắt của kẻ thù, bảo quản không để hàng hóa hư hỏng và tham gia cùng với thanh niên xung phong san lấp mặt đường mỗi khi bị bom Mỹ phá hỏng. "Để đảm bảo bí mật, các đoàn xe khi vào bằng một đường, khi đi ra thì vòng đường khác. Hàng hóa nhập vào, xuất ra liên tục nên rất ít khi tồn đọng để đỡ thiệt hại khi bị hỏa hoạn hoặc bị ném bom", ông tâm sự với chúng tôi.
Kỷ niệm chiến trường mà ông nhớ nhất là trong 1 lần địch đánh bom ác liệt vào đơn vị, 2 nữ chiến sỹ cùng quê Yên Mô với ông đã hy sinh vào cái tuổi đẹp nhất của thời con gái với biết bao ước mơ còn dang dở. Lần đó ông đã khóc, nhưng như có một sức mạnh phi thường giúp ông vượt qua mọi đau thương, tiếp tục làm nhiệm vụ. Tuyến đường còn chạy qua những đầm lầy đất trũng, lá cây, nước mưa tích tụ lâu ngày tạo thành những vũng lầy, là nơi sinh sống của muỗi, vắt và rắn độc…
Bộ đội, công binh, TNXP phải chặt cây, đóng bè đi trên đầm. Làm đường đã khó, nhưng giữ cho đường an toàn, bí mật lại càng khó hơn. Mùa nắng nóng phải giữ cho cây xanh che khuất mặt đường để chống máy bay địch phát hiện. Mùa mưa, đường không có nền cứng, nhiều đoạn trơn, lầy, trồi sụt… phải chặt cây đắp đất lót nền chống lầy. Nhớ lại những kỷ niệm trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa, ông xúc động nói: "Nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết thì sống một ngày ở Trường Sơn cũng đầy ắp kỷ niệm".
Và đó cũng là những suy nghĩ của chị Phạm Thị Tin (xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh). Gạt nước mắt vì lần đầu tiên xa gia đình, gạt đi những tình cảm đầu đời đẹp đẽ, chị đã cùng lớp lớp thanh niên ngày ấy hành quân bộ vượt Quảng Bình vào Trường Sơn dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù. Chị nhập ngũ năm 1973, chiến đấu tại C4E35F472 đoàn 559 anh hùng. Nhiệm vụ của chị lúc đó là mở đường để những chuyến xe đưa hàng ra tiền tuyến. "Phá đá, mở đường, đánh bộc phá giữa tiếng bom gào đạn nổ là công việc thường ngày của những chiến sỹ mở đường như chúng tôi để những chuyến xe qua"...
Và giữa những giờ phút mà cái sống, cái chết chỉ trong tích tắc, những nữ bộ đội Trường Sơn ấy vẫn hát vang những khúc ca, bài hát như một niềm tin quyết thắng trong trận chiến gian khổ, ác liệt mà hào hùng ấy. Chị Tin đã từng đi phá đường tại Dốc Thơm, Khe Xanh, Lao Bảo… Mỗi địa danh đều gắn với những kỷ niệm chiến trường của chị. Chị vẫn còn nhớ như in những ngày địch càn phá ác liệt trên tuyến đường, đã có bao nhiêu đồng đội ngã xuống. Chị không quên được cảm giác đau đớn, xót xa khi người đồng đội trước khi ngã xuống đã nắm chặt bàn tay chị và nói những câu không thành tiếng: "Cố gắng sống để trở về…". Những lời nói ấy như động lực giúp chị vượt qua những gian khổ để đảm bảo mạch máu giao thông trên những tuyến đường trọng điểm bị máy bay địch bắn phá ác liệt.
Với tinh thần "Người này ngã xuống, người khác đứng lên", cùng với đơn vị chị đã san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, cứu xe ô tô bị đổ, đảm bảo giao thông thông suốt. Nhớ lại những ngày chiến đấu khó khăn, gian khổ và ác liệt ấy, chị tâm sự: Lúc đó ranh giới giữa cái sống và cái chết rất mong manh nhưng tất cả đều sẵn sàng xông lên phía trước, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ. Những lời kể của chị làm tôi nhớ đến 1 câu thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ "Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình để thắp lên ngọn lửa/ Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom"…
Đường Trường Sơn - Khúc tráng ca bất tử
Cống hiến cả tuổi thanh xuân với bao ước mơ hoài bão, với những khát khao hạnh phúc bình dị để xông lên tuyến lửa, góp phần làm nên kỳ tích đường Trường Sơn, giờ đây khi trở về với cuộc sống đời thường, những TNXP, những bộ đội Trường Sơn năm xưa vẫn luôn tìm đến nhau, chia sẻ với nhau những lúc khó khăn, bệnh tật với nghĩa tình đồng đội sâu nặng. Với họ đó cũng là hành động tri ân với những đồng đội đã ngã xuống trên tuyến đường huyền thoại.
Họ đã tập hợp nhau trong những mái nhà chung như Hội Cựu TNXP, Ban liên lạc nữ Bộ đội Trường Sơn Ninh Bình để có sự gắn bó, chia sẻ, động viên và hơn hết là để thực hiện lời ước hẹn với đồng đội năm xưa: Sau này đến ngày toàn thắng thống nhất đất nước ai còn sống trở về thì phải giúp đỡ những người khó khăn và gia đình những người đã hy sinh. Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn và truyền thống bộ đội Trường Sơn là dịp để mỗi người nhìn lại quá khứ, tự hào biết bao vì trên quê hương mình có những con người như thế, những con người đã dám xông lên làm nên kỳ tích cả thế giới phải công nhận với tinh thần lạc quan "Trường Sơn vượt núi, băng sông/Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa".
Đường Trường Sơn - cái tên đã gắn với biết bao chiến tích diệu kỳ về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi lưu giữ những trang sử bi hùng, nơi có những con người huyền thoại đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, trên con đường huyền thoại này, có biết bao người con trai, con gái đất Ninh Bình đã anh dũng hy sinh, để lại một phần thân thể của mình giữa đại ngàn Trường Sơn, bao người bị nhiễm chất độc hóa học mà nỗi đau còn dai dẳng cho đến tận bây giờ. Những con người làm nên tuyến đường huyền thoại ấy đã tạc vào lịch sử một khúc tráng ca bất tử có giá trị đến muôn đời.
Quỳnh Thu