Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Gia Viễn) là khu đất ngập nước nội đồng lớn nhất Đồng bằng Bắc bộ đang chứa đựng mức đa dạng sinh học rất cao với nhiều loại động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt loài voọc mông trắng-1 loài động vật đặc hữu của Việt Nam, là một trong 25 loài linh trưởng đang bị đe dọa ở mức toàn cầu lại có cơ hội tồn tại và phát triển ở nơi đây. Vân Long có cảnh thiên nhiên đẹp hùng vĩ và nhiều di tích lịch sử-văn hóa có giá trị. Được thành lập và chính thức đi vào hoạt động vào năm 2001, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức trong và ngoài nước, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long đã từng bước phát triển một cách toàn diện và vững chắc. Các vùng rừng thuộc địa phương ở Hoa Lư thì gần như bao trọn lấy Di sản Tràng An vừa được tổ chức UNESCO vinh danh trong năm qua, là niềm vinh hạnh của nhân dân Ninh Bình cũng như của cả nước. Những cán bộ, nhân viên Hạt kiểm lâm nơi đây bằng tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với nghề đã và đang giữ gìn và bảo tồn những cánh rừng vùng di sản.
Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Hoa Lư-Gia Viễn, Kỹ sư lâm nghiệp Mai Văn Quyền chia sẻ: Các mức độ quan trọng của rừng được xếp theo thứ hạng: cao nhất là rừng đặc dụng, tiếp đến là rừng phòng hộ và cuối cùng là rừng kinh tế. Chỉ có 9 cán bộ, nhân viên nhưng Hạt đang quản lý tới 95% diện tích là rừng đặc dụng. Rừng đặc dụnglà loại rừng được thành lập với mục đích chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh phục vụ nghỉ ngơi du lịch kết hợp với phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái. Nhận thức điều này, Hạt luôn phối kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương có rừng, các lực lượng chức năng, lực lượng nhân viên bảo vệ rừng, các hộ khoán rừng ở 2 địa bàn và hội động vật học Frankfourt (Cộng hòa liên bang Đức) tại Việt Nam trong việc bảo vệ rừng và cứu hộ các loài động vật.
Mỗi lần đi thực tế giám sát, kiểm tra, Hạt thường phối kết hợp với Ban quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư-Vân Long và Ban lâm nghiệp các xã. Trong năm 2014, Hạt phối hợp với các cơ quan chuyên môn lập hồ sơ xử lý 10 vụ vi phạm, trong đó 8 vụ vận chuyển lâm sản, 1 vụ săn bắt động vật, 1 vụ săn bắt động vật rừng vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Hoa Lư-Vân Long. Chúng tôi được chứng kiến tang vật của nhóm lâm tặc bị lực lượng Hạt kiểm lâm thu giữ vào tháng 11-2014 gồm súng tự chế bắn đạn bi bằng hơi cồn có thể săn chim thú. Khi bị lực lượng Hạt kiểm lâm phát hiện, các đối tượng đã bỏ tang vật chạy vào rừng. Chúng tôi cũng đã tìm hiểu thêm hình ảnh và biên bản của vụ khách du lịch để lại ở khách sạn (ở xã Ninh Hải) một cá thể Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus) - động vật quý hiếm nhóm IB. Cá thể Cu li này có trọng lượng 200g màu vàng, chân trái trước bị thương. Theo lời khai của chủ nhà nghỉ, một khách du lịch đến nghỉ qua đêm, khi nhân viên dọn phòng thì phát hiện cá thể Cu li trên. Hạt Kiểm lâm phối hợp với công an huyện Hoa Lư tịch thu, giao cho Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Frankfourt tại Ninh Bình chăm sóc. Hạt đã làm công tác tham mưu, đề xuất xử lý vi phạm. Việc thiết lập hồ sơ đã có nhiều tiến bộ hơn những năm trước, hồ sơ đảm bảo tính khách quan, trung thực, chặt chẽ. Mọi hành vi vi phạm được thể hiện rõ ràng, đúng người đúng tội, việc xử lý tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Trong năm không có đơn thư khiếu kiện về xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, hàng năm Hạt đã tổ chức gần 10 lớp tập huấn cho Ban chỉ huy phòng, chống cháy rừng ở các địa phương, các đợt tuyên truyền phòng, chống cháy rừng lưu động. Đồng thời theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn 2 huyện Hoa Lư và Gia Viễn; Bổ sung, hoàn thiện mở rộng quy chế phối hợp các Hạt kiểm lâm và các xã có diện tích rừng nằm trên địa bàn; phối hợp với Ban lâm nghiệp các xã, chủ rừng và các hộ nhận khoán bảo vệ rừng tổ chức tuần tra, ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm luật bảo vệ phát triển rừng; ký hợp đồng với Ban lâm nghiệp các xã Gia Hưng, Gia Hòa, Gia Vân, Gia Thanh, Gia Sinh, Ninh Hải, Trường Yên, người hợp đồng PCCCR trong mùa hanh khô năm 2014 tại các xã Gia Hòa huyện Gia Viễn và Ninh Hải huyện Hoa Lư .
Qua tìm hiểu, hiện vẫn còn sự chồng chéo trong vận hành và quản lý rừng ở 2 huyện Gia Viễn và Hoa Lư. Bởi một số diện tích rừng đang nằm trong các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp hoặc khu di sản nên khi Hạt tiến hành triển khai nhiệm vụ theo chức năng thì rừng đã trở thành " Cát cứ một vùng". Lúc này thì việc ra vào rừng của những cán bộ nhân viên của Hạt cũng trở nên khó khăn. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, việc xác định ranh giới giữa các Ban quản lý rừng với các doanh nghiệp được giao đất-giao rừng và cộng đồng dân cư sống gần rừng cần được cắm mốc giới rõ ràng cụ thể.
Nguyễn Minh