Hăng say phát triển kinh tế Vừa qua có dịp cùng đoàn công tác của tỉnh Ninh Bình đến thăm và làm việc tại tỉnh Tuyên Quang, tôi đã ghé thăm gia đình ông Phạm Thanh Bình, thôn Bình Thuận (xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên) là một trong những người Ninh Bình đầu tiên theo gia đình lên Thái Hòa làm kinh tế.
Từ năm 1965 đến nay, ông cùng các thành viên trong gia đình hăng say lao động sản xuất, tìm hướng phát triển kinh tế. Gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác trên mảnh đất này đều có tư tưởng không cho đất nghỉ, tận dụng tối đa tiềm năng tự nhiên để làm kinh tế.
Ông Bình cho biết: Người Ninh Bình trên đất Thái Hòa nói riêng và trên mảnh đất Tuyên Quang rất đông, nhưng ai nấy đều có ý thức làm kinh tế, Hội đồng hương luôn quan tâm, động viên, giúp đỡ khi các thành viên gặp khó khăn.
Ông Bình hiện đang là Giám đốc HTX Cá đặc sản Thái Hòa, bản thân cũng là hộ nuôi nhiều cá lồng nhất trên toàn xã với 18 lồng nuôi cá Chiên và cá Bỗng, ngoài ra ông còn trồng thêm cây ăn quả với trên 120 gốc bưởi Diễn cho hiệu quả kinh tế cao.
Được biết, mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng tiền lãi hàng năm. Đem theo niềm vui vừa được chia sẻ cùng với gia đình ông Phạm Thanh Bình, tôi tới thăm gia đình ông Nguyễn Trọng Khoan, thôn Ba Luồng được biết đến là hộ có kinh tế khá giả trong xã, cũng là người cao tuổi nhất trong những người Ninh Bình đang sinh sống trên mảnh đất Thái Hòa.
Ông tâm sự: Lúc mới lên lập nghiệp, gia cảnh rất khó khăn, cũng nhiều lo lắng, nhưng được bà con trong thôn, trong xã nhiệt tình giúp đỡ, sau đó kinh tế gia đình dần đi vào ổn định. Tuy đã 86 tuổi, nhưng ông Khoan vẫn làm kinh tế, với 10 lồng cá, 2ha rừng, 100 cây bưởi, thu nhập hàng năm đều đạt gần 200 triệu đồng.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Thái Hòa cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã Thái Hòa có 604 hộ = 1.951 khẩu, chiếm 20% nhân khẩu toàn xã người có quê hương gốc ở tỉnh Ninh Bình, sinh sống chủ yếu tại 6 thôn (bao gồm: Ba Luồng, Bình Thuận, Khánh An, Khánh Hòa, Cây Cóc, Ninh Thái).
Tuy khác quê hương, nhưng cộng đồng người Ninh Bình nơi đây ngoài nêu cao tinh thần đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau cả về vật chất và tinh thần còn rất đoàn kết với nhân dân địa phương, chia sẻ cách thức phát triển kinh tế, giúp đỡ lẫn nhau. Vào các dịp lễ Tết, bà con lại quây quần bên nhau, giữ gìn bản sắc văn hóa của miền xuôi và miền ngược. Tuy đông như vậy nhưng số hộ nghèo là người Ninh Bình chỉ có 17 hộ, có khoảng 60 hộ khá, giàu có thu nhập trên 400 triệu đồng/ năm.
Được biết, thời gian qua, Hội đồng hương tỉnh Ninh Bình tại xã đã hoạt động tích cực, hiệu quả, đã tổ chức cho nhân dân nhiều hoạt động có ý nghĩa như Kỷ niệm 55 năm ngày bà con huyện Yên Khánh, huyện Hoa Lư lên phát triển kinh tế tại xã Bình Xa, Hùng Đức... và rất nhiều các hoạt động nhằm động viên, giúp đỡ hội viên khắc phục khó khăn, ổn định và phát triển kinh tế; chấp hành các quy định của pháp luật và của địa phương nơi cư trú.
Thực sự trở thành quê hương thứ hai
Những năm 60 của thế kỷ trước, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Chính phủ về việc di dân các tỉnh đồng bằng lên miền núi phát triển kinh tế - văn hóa nhằm mở rộng diện tích canh tác, tăng sản lượng lương thực để giải quyết nhu cầu đời sống nhân dân và phục vụ tiền tuyến, hai tỉnh Ninh Bình và Tuyên Quang đã kết nghĩa với nhau.
Ông Nguyễn Trọng Khoan thôn Ba Luồng, xã Thái Hòa (Hàm Yên) chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh vườn nhà.
Ngày 28/8/1961, Tỉnh ủy Ninh Bình ra Quyết định về công tác khai hoang trong và ngoài tỉnh, bước đầu đưa khoảng 500 người lên khai hoang ở tỉnh Tuyên Quang cho kịp sản xuất vụ đông năm 1961 - 1962. Trong khoảng thời gian 3 năm, với 3 đợt vận động, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức đưa 3 vạn dân đến Tuyên Quang để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.
Ông Trần Minh Giáp - Trưởng Ban liên lạc hội đồng hương Ninh Bình tại tỉnh Tuyên Quang cho biết: Hội đồng hương Ninh Bình tại tỉnh Tuyên Quang hiện đã phát triển tổ chức rộng khắp với khoảng 2.000 hội viên sinh hoạt ở 40 chi hội cấp xã trực thuộc, 5 hội cơ sở cấp huyện.
Hiện nay, số người Ninh Bình tại Tuyên Quang chiếm gần 40% dân số của tỉnh. Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, trong điều kiện đời sống kinh tế vô cùng khó khăn, bà con Ninh Bình đã được các tầng lớp nhân dân và đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang chào đón ấm áp nghĩa tình, đùm bọc che chở, tận tình giúp đỡ nơi ăn chốn ở, lương thực, dụng cụ lao động sản xuất, chia sẻ một phần ruộng đất để bà con Ninh Bình canh tác, nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Những người con của quê hương Ninh Bình đã về đây, chăm chỉ làm ăn, cần cù lao động, dũng cảm chiến đấu, chắt chiu xây dựng cuộc sống mới. Bà con Ninh Bình cùng với bà con Tuyên Quang tiến hành khai phá rừng hoang, trồng cây lâm nghiệp, ươm vườn đặc sản, vườn cây gỗ quý, phát triển chăn nuôi, thành lập các hợp tác xã, các nông trường.
Chỉ trong thời gian ngắn, đã không chỉ tự túc hoàn toàn lương thực, thực phẩm cho cuộc sống gia đình, mà còn góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Cuộc sống của mỗi gia đình nhanh chóng hòa nhập với văn hóa, lối sống nơi làng bản quê hương mới.
Lễ hội Cầu mùa, Mừng lúa mới, Cấp sắc... tiếng Kinh xen lẫn tiếng Tày, Dao, Pà Thẻn. Lớp học trên bản, cô giáo người Gia Khánh véo von điệu then, điệu cọi; học trò miền xuôi, miền ngược đồng thanh đánh vần, học chữ. Thiếu nữ người Kinh theo cha mẹ lên Tuyên Quang, xúng xính váy áo thổ cẩm, tung còn, đánh yến với các bạn Dao, Sán Chay,... Tuyên Quang đã thực sự trở thành quê hương thứ hai của họ.
Cũng theo ông Trần Minh Giáp: Hiện nay, nhiều người con quê hương Ninh Bình đã trưởng thành từ mảnh đất Tuyên Quang, đã và đang giữ những trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, quân đội. Các anh, các chị còn đang công tác luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Đặc biệt xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân làm kinh tế giỏi, những anh chị doanh nhân thành đạt, những ông chủ trang trại, gia trại… Đã thành lập được Câu lạc bộ doanh nhân người Ninh Bình tại tỉnh Tuyên Quang, cùng với Hội đồng hương Ninh Bình trở thành mái nhà chung gắn kết giữa những người con quê hương Cố đô Hoa Lư trên mảnh đất Tuyên Quang, đóng góp cho sự phát triển chung của quê hương, đất nước, đồng thời tạo nên mối thâm tình gắn bó giữa Ninh Bình - Tuyên Quang.
Bài, ảnh: Gia Nghĩa