Nghỉ hè để... học hè
Nghe thì có vẻ phi lý nhưng thực tế những năm gần đây tình trạng này diễn ra phổ biến trong các dịp hè. Chị Nguyễn Thị Huyền ở phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình tâm sự: Tôi có con gái lớn năm nay hết lớp 8, vào lớp 9 nên mặc dù nghỉ hè muộn, tôi cũng vẫn đang tìm lớp cho con học 3 môn Văn, Toán, Anh để sang năm thi vào cấp 3. Các bạn trong lớp cháu đều đã đi học cả, tôi cũng đang lựa chọn giáo viên để gửi gắm kèm trong đợt hè này. Câu chuyện của chị Huyền là câu chuyện của rất nhiều người khi tâm lý phụ huynh là nghỉ hè sợ con mình quên kiến thức, vào lớp không bắt kịp được tiến độ học của bạn bè. Không chỉ cấp 2, cấp 3 mới đua nhau đi học thêm hè mà cả những em mới bắt đầu vào lớp 1, phụ huynh cũng hết sức lo lắng cho các em đi học lớp tiền tiểu học tại các trung tâm, các thầy cô có tiếng để khi vào lớp 1 không bị bỡ ngỡ.
Vài năm trở lại đây, các em học sinh khi nghỉ hè không những phải học văn hóa để không bị quên kiến thức mà còn phải học thêm một số môn năng khiếu cho hợp với thời đại và vì tư duy muốn con phát triển toàn diện của các bậc cha mẹ. Vì thế, các lớp học múa, học vẽ, học đàn, học khiêu vũ…dịp hè mọc lên nhiều hơn bao giờ hết. Có những bậc phụ huynh đăng ký cho con đi học mà cũng không tìm hiểu con có yêu thích môn đó không, có năng khiếu không mà chỉ để con không thua kém bạn bè, học theo trào lưu. Chị Nguyễn Thanh Hà, phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình cho biết: Hè tôi đăng ký cho cháu 1 lớp khiêu vũ 2 buổi/tuần và 1 lớp học piano 2 buổi/tuần để cháu có nhiều điều kiện giao lưu với bạn bè. Các bạn trong lớp cháu hầu hết đều đã học qua những môn này và có nhiều buổi giao lưu với nhau. Tôi cũng không biết cháu có năng khiếu không nhưng hè tôi không muốn con áp lực bài vở quá nên cho học những môn để phát triển nghệ thuật. Các lớp năng khiếu dịp hè đua nhau mở và phụ huynh đua nhau cho con học như thế nhưng chỉ trong thời gian 2 đến 3 tháng liệu hiệu quả việc học đó đến đâu? Liệu sau 2 tháng học năng khiếu hè chứ không phải nghỉ hè, các em có quá "bội thực" với nghệ thuật. Cô Phạm Kim Dung, giảng viên thanh nhạc ở một trường THCS trên địa bàn thành phố Ninh Bình nêu quan điểm: Trong 2 tháng, học sinh không thể có kỹ năng tốt ở bất cứ một môn nghệ thuật nào vì nó tùy thuộc vào năng khiếu của từng người và phải có thời gian tập luyện. Học theo kiểu để có, theo phong trào như thế vừa mất thời gian của người học, vừa mất thời gian của chính các em. Nghỉ hè hãy để cho các em nghỉ thực sự chứ không phải lại học tiếp.
Những năm gần đây, có một môn học nữa rất được các bậc cha mẹ ưa chuộng trong dịp hè là học kỹ năng sống. Người người, nhà nhà đưa con đi học kỹ năng sống bởi theo như các chuyên gia tại các trung tâm tư vấn thì khóa học này lứa tuổi nào cũng cần và hiệu quả mang lại rõ rệt vì trẻ em trong thời đại ngày nay dễ bị mắc nhiều vấn đề tâm lý, giao tiếp xã hội kém…Một khóa học kỹ năng sống thường kéo dài liên tục trong 3 tuần đến 1 tháng và tiền học không phải là rẻ nhưng dường như phụ huynh sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn đó để con mình có kỹ năng trong thời gian chóng vánh với hy vọng con sẽ ngoan hơn, có ý thức hơn, kỹ năng xử lý các vấn đề trong cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, thiết nghĩ, đã là vấn đề của tâm lý thì lại đòi hỏi sự cẩn trọng về giáo trình, về nội dung giảng dạy. Nhưng trên thực tế, hiệu quả của các lớp này chưa thực sự cao, những gì các em tiếp thu được sau một khóa học không nhiều và thoảng qua chứ không để lại dấu ấn và tạo được sự thay đổi lâu dài như phụ huynh mong muốn trong quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ. Vì thế, nhiều gia đình chỉ cho con học một khóa duy nhất và năm sau không học tiếp nữa.
Rõ ràng, nghỉ hè các em thiếu nhi vẫn phải học chứ không được nghỉ. Khi xã hội lên tiếng việc dạy thêm học thêm vào dịp hè thì phụ huynh tự khắc lại chuyển sang học những môn năng khiếu khác với tần suất cũng khá dày. Mặc dù không tạo áp lực cho các em nhưng các em cũng thực sự không được nghỉ ngơi bởi những môn này được bố mẹ khuyến khích, được xã hội đồng thuận. Nhiều em mệt mỏi với những lớp năng khiếu hè và kêu rằng hè vẫn phải học, chỉ là học những môn khác và những ngày nghỉ hè vẫn bị "đánh cắp".
Bài toán khó có lời giải
Để các em thiếu nhi có một kỳ nghỉ hè thực sự không phải dễ dàng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Vấn đề để con làm gì, chơi gì nếu không học hè là vấn đề đau đầu của nhiều phụ huynh bởi quanh quẩn các con cũng chỉ xem ti vi, chơi điện thoại nếu muốn thực sự an toàn trong nhà. Và nhiều hệ lụy cũng phát sinh từ nghiện điện thoại, nghiện mạng xã hội, nghiện game…nếu không có sự quản lý sát sao của gia đình. Còn nếu để trẻ tự do chơi ngoài trời thì sẽ nắng nóng, ốm đau, tai nạn thương tích, đuối nước… Nhưng thực tế, thời gian hè bố mẹ vẫn phải đi làm, không thể cùng con cái có một tháng hè bổ ích, lành mạnh như trong mơ được, thậm chí một kỳ nghỉ hè 4 ngày đã là cả một sự cố gắng lớn của nhiều gia đình. Nhiều gia đình gửi con về quê trong tháng nghỉ hè với ông bà để con được vui cùng thiên nhiên, để có thêm trải nghiệm nhưng con lại nhớ nhà, nhớ bố mẹ và chưa kịp quen với môi trường ở quê thì đã phải trở lại với vòng quay của học hành. Những năm gần đây, Chương trình Học kỳ quân đội cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều gia đình và đem đến cho các em nhiều trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng mới nhưng kinh phí cho những khóa học này vẫn chưa tiệm cận đến với những gia đình có mức thu nhập bình thường và dưới mức bình thường.
Có một thực tế là khi nghỉ hè, tất cả học sinh đều được giới thiệu về sinh hoạt hè ở khu phố nơi cư trú nhưng những giấy tờ này lại hết sức hình thức. Có những phố, xóm cả một kỳ nghỉ hè không có một phong trào, hoạt động nào để các em có thể tham gia. Nhiều em không biết bí thư đoàn phố là ai nhưng vẫn phải mang giấy giới thiệu sinh hoạt hè nhà trường ký sẵn về nộp cho khu phố.
Để các em có những ngày hè sôi động, thực sự là kỳ nghỉ hè, thiết nghĩ cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chúng ta đang rất thiếu những sân chơi lành mạnh, bổ ích, có sức hút với trẻ em. Hệ thống các điểm vui chơi cho trẻ em ngày hè quanh quẩn cũng chỉ là một vài bể bơi, Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh, các nhà văn hóa, sân vận động các xã, phường… chứ chưa có sự đầu tư thực sự, quy hoạch khoa học và chưa tạo được điểm nhấn để các em học sinh có thể tham gia một cách hào hứng, tự nguyện mà chỉ là tự phát trong thời gian ngắn. Ngoài việc đầu tư về cơ sở vật chất để có những điểm sinh hoạt, vui chơi lành mạnh cho trẻ em dịp hè thì cũng cần có những tổ chức, nhất là tổ chức Đoàn đứng ra làm nòng cốt để kéo các em vào các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, nâng cao ý thức cộng đồng, rèn luyện sức khỏe, bồi dưỡng kỹ năng để những ngày hè thực sự là kỳ nghỉ hè hữu ích. Đây là bài toán nan giải, không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được mà cần những chính sách đồng bộ, khoa học, tầm nhìn chiến lược và sự vào cuộc của tất cả những ngành chức năng liên quan.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh