Đặc biệt, nơi đây có hệ thống sông ngòi chằng chịt, hiểm trở, có thể đi thuyền xuyên qua núi sang huyện Gia Viễn hoặc xã Trường Yên (Hoa Lư) và xã Sơn Hà (Nho Quan)... Chính vì địa thế hiểm trở của Tổng Vũ Lâm, nhà Trần đã xây dựng căn cứ quân sự vững chắc để củng cố lực lượng, phản công giải phóng Đại Việt trong cuộc kháng chiến đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ hai. Trận đánh tại thung lũng Thiện Dưỡng (nay gọi là Hệ Dưỡng, thuộc xã Ninh Vân) ngày 3 tháng 5 năm ất Dậu (tức ngày 7-5-1285) đã trở thành mồ chôn một trong những thế lực quân sự hùng mạnh nhất của lịch sử nhân loại.
Chính vì tầm vóc của sự kiện, Tổng Vũ Lâm ngày nay có mật độ di tích lịch sử dày đặc với 24 ngôi chùa cổ và hàng trăm địa danh nổi tiếng khác. Cùng với sự hiện hữu của các di tích, nơi đây cũng có rất nhiều lễ hội ngày xuân như: Lễ hội đền Thái Vi, lễ hội Điện Hành Cung, lễ hội đền Trần Nội Lâm (hay còn gọi là lễ hội truyền thống Thánh Quý Minh Đại Vương)...
Lễ hội đền Thái Vi
Lễ hội đền Thái Vi được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 3 âm lịch nhằm tưởng nhớ công lao các vua đời đầu nhà Trần đã được thờ tại đền Thái Vi. Đi đầu lễ rước kiệu là một chiếc trống cái do hai người khiêng và một người mặc áo thụng đi hia, đội mũ cánh én làm thủ hiệu trống. Tiếp đến 5 người cầm 5 lá cờ ngũ hành và kiệu bát cống trên đặt bài vị các vua Trần, hoàng hậu, công chúa đời Trần. Kiệu có lọng cắm, màu đỏ, đung đưa trông rất đẹp mắt.
Sau kiệu bát cống là kiệu 4 người khiêng, bày các lễ vật hương hoa, oản quả. Sau đó là phường bát âm, rồi tới ban tế do ông chủ tế dẫn đầu đi hàng hai. Rước kiệu ở đền Thái Vi không chỉ có một đoàn, mà là trên dưới 30 đoàn. Sáng ngày 14 -3 kiệu từ các nẻo đường trong huyện, trong tỉnh rước về đền Thái Vi trong không khí tưng bừng của ngày hội. Các cỗ kiệu đèu được sơn son, thếp vàng lộng lẫy do các thanh niên ăn mặc theo phong tục lễ hội xưa.
Sau lễ rước kiệu lễ tế được tổ chức ở trước đền. Ban tế có 15 đến 20 người, gồm một chủ tế, một đọc văn tế, hai xướng tế và mỗi bên tả, hữu có từ 5 đến 10 người để thực hiện việc tiến hương, tiến tửu. Văn tế ca ngợi công đức của vua được trình bày qua nghệ thuật diễn xướng. Sau mỗi khúc tế, lại có hai người phường trò, người nam chơi đàn, người nữ dẫn giải bằng lối ca trù. Trong lễ hội đền Thái Vi còn có phần hội, bao gồm các trò chơi dân gian như: múa lân, múa rồng, đánh cờ người, đấu vật, bơi thuyền...
Đến dự lễ hội đền Thái Vi du khách có dịp thăm các danh thắng của nổi tiếng của như: đền Thái Vi, Tam Cốc, Bích Động, Động Tiên, Xuyên Thủy Động, Thung Nham, Thung Nắng...
Lễ hội Điện Hành Cung
Lễ hội Điện Hành Cung được tổ chức vào ngày 9 tháng 1 âm lịch hàng năm. Điện Hành Cung thuộc thôn Hành Cung, xã (Ninh Thắng, Hoa Lư). Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức theo từng giai đoạn lịch sử. Theo người dân nơi đây thì Lễ hội Điện Hành Cung do vua Trần Thái Tông, tên khai sinh là Trần Cảnh - vị vua đầu tiên của nhà Trần sáng lập, nhằm tôn vinh và tưởng nhớ công lao những người có công với nước, đồng thời báo hiếu các bậc cao niên trong vùng.
Phần lễ của lễ hội Điện Hành Cung được tổ chức trang trọng với sự góp mặt của các đoàn tế lễ trong Tổng Vũ lâm. Các đoàn rước kiệu từ chùa Hải Nham, Tam Cốc, chùa Đá, chùa Linh Cốc, chùa Sắn, chùa Thông, chùa Sở (Ninh Hải); Chùa Tháp, chùa Dưỡng Hạ, chùa Kim, chùa Thượng, chùa Phú Lăng, chùa Xuân Vũ, chùa Chấn Lữ, chùa Vàng (Ninh Vân); Chùa Tuân Cáo, chùa Hành Cung, chùa Hạ Trạo, chùa Khả Lương (Ninh Thắng); chùa Khê Hạ, chùa Phúc Hưng, chùa Huê Lâm, chùa Bàn Long (Ninh Xuân)... đều góp mặt với các nghi lễ thiêng liêng và dâng tiến những sản vật quý hiếm của địa phương.
Tại lễ hội này, nhà vua cùng các cận thần, văn võ bá quan, hoàng hậu và công chúa tới dự. Sau phần rước kiệu, tế lễ là các trò chơi dân gian truyền thống như đua thuyền, xếp chữ, múa trống, múa lân và đấu vật...
Lễ hội Điện Hành Cung còn được tổ chức với một phần lễ khá thú vị, đó là lễ Khao Vọng. Để tỏ lòng thành kính và báo hiếu các bậc cao niên trong vùng, nhà vua đã mở yến tiệc mời tất cả các vị bô lão đến dự. Sau khi nói lời cảm tạ, các cụ già trên 70 tuổi được mời ngồi Cỗ Tứ (mâm cỗ có 4 người ngồi ăn), trên 80 tuổi được ngồi Cỗ Tam, trên 90 tuổi được ngồi Cỗ Nhị. Đặc biệt, những cụ già trên trăm tuổi được ngồi Cỗ Nhất, một mình một mâm cỗ, muốn ăn gì thì ăn...
Sau khi Điện Hành Cung bị bom Mỹ san phẳng, đúng trên vị trí đó, người dân nơi đây đã đóng góp công sức để xây dựng một ngôi đình nho nhỏ, thờ vua Trần Thái Tông, lấy tên là đình Sen. Di tích còn lại của cung Điện Hành Cung còn lưu giữ được với nhiều hiện vật quý trong đình Sen, nằm ở phía đông nam thôn Hành Cung, cách đường 1A gần 1 km.
Lễ hội Điện Hành Cung ngày nay chỉ giữ được những nét cơ bản. Chủ yếu là phần lễ và phần hội với quy mô nhỏ hơn.
Lễ hội truyền thống Thánh Quý Minh Đại Vương
Lễ hội truyền thống Thánh Quý Minh Đại Vương được tổ chức thường niên tại đền Trần, thuộc khu du lịch tâm linh Tràng An - Bái Đính. được tổ chức nhằm tưởng nhớ, tri ân Đức thánh Quý Minh Đại Vương, người đã có công trong sự nghiệp gìn giữ nước nhà.
Đức thánh Quý Minh Đại Vương là một trong những vị thần được thờ tụng theo tín ngưỡng dân gian. Theo truyền thuyết, Ngài là một trong ba anh em (ba vị tướng đã được phong thánh, Đức thánh Tản Viên, Đức thánh Cao Sơn, Đức thánh Quý Minh), là người có công trấn ải Sơn Nam, bảo vệ đất nước thời vua Hùng Duệ Vương (tức Hùng Vương thứ 18).
Ngài là một "Thượng đẳng thần", được các triều vua qua nhiều triều đại ban chiếu sắc phong, trở thành Thành hoàng làng ở nhiều nơi, nổi tiếng là vị thần linh ứng. Đền Trần, nơi tôn thờ Đức thánh Quý Minh Đại Vương từ lâu đã trở thành ngôi đền nổi tiếng, linh thiêng. Đền được vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng vào thế kỷ thứ X với mong muốn lấy uy danh của Thánh để trấn trạch theo 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc.
Đây còn là nơi vua Trần Thái Tông sau khi dẹp giặc Nguyên - Mông (1258) đã vào đây tu hành. Ngôi đền cũ bằng gỗ do Đinh Tiên Hoàng đế xây dựng đã đổ nát. Sau này, nhà Trần đã cho xây dựng lại bằng các cột đá rất nổi tiếng còn lại nguyên vẹn cho đến ngày nay, từ đó nhân dân quen gọi là đền Trần. Đền Trần nằm giữa một vùng sơn thủy hữu tình, thuộc Khu du lịch sinh thái Tràng An.
Lễ hội truyền thống Thánh Quý Minh Đại Vương diễn ra vào ngày 18 tháng 3 âm lịch hàng năm được tổ chức với quy mô lớn. Bao gồm gần 1.000 chiếc thuyền và 100 người tham gia khiêng kiệu rước bài vị và lễ tế Đức Thánh Quý Minh xuất phát từ bến đò áng Mương về đền Trần. Trong suốt hành trình rước kiệu, tiến về đền Trần, du khách được chiêm ngưỡng "vịnh Hạ Long trên cạn" với những thung nước trong xanh, những hang động lớp lớp nhũ đá lung linh kỳ ảo, giữa bốn bề núi non hùng vĩ soi bóng.
Cùng với vẻ đẹp của địa thế Tràng An: "Núi là thành - sông là đường - hang động là cung điện", Lễ hội truyền thống Đức thánh Quý Minh Đại Vương là Lễ hội mang tầm quốc gia. Hàng năm, lễ hội này đã thu hút hàng vạn du khách khắp nơi trên thế giới, tạo cho Tràng An một vẻ đẹp tâm linh kỳ ảo, hấp dẫn. Nhất là khi Khu du lịch sinh thái Tràng An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới.
Về Lễ hội truyền thống Thánh Quý Minh Đại Vương, du khách còn có điều kiện tham quan các địa danh nổi tiếng của Ninh Bình như: Đền thờ vua Đinh, vua Lê, Khu du lịch tâm linh núi, chùa Bái Đính với nhiều kỷ lục châu á được xác lập như: Chùa có tượng Phật đồng dát vàng lớn nhất châu á; hành lang La Hán dài nhất châu á; tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam á... Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam.
Xuân Tứ (Tổng hợp)