NHỮNG LÁ THƯ - KẾT NỐI HẠNH PHÚC
Bàn tay run run lần tìm những lá thư đầu tiên mà người bạn đời gửi cho mình từ những ngày hai người mới quen biết nhau và đang trong quá trình tìm hiểu, bà Trương Thị Sẻ giờ đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn nhớ hết sức chi tiết về những lá thư, về "mối lương duyên" để ông và bà "nên vợ, nên chồng". "Khi ấy, tôi mới 16 tuổi, còn ông ấy hơn tôi 7, 8 tuổi. Gặp nhau một lần rồi được hai bà dì "mai mối", chúng tôi đã tìm hiểu nhau. Nói là tìm hiểu nhưng chủ yếu qua thư từ vì khi đó, anh Thông đang đóng quân ở xa. Ngày anh đến, tôi cũng có nhiều người theo đuổi. Nhưng không hiểu sao, chính những lá thư từ tiền tuyến gửi về lại có sức mạnh như vậy để tôi khắc khoải ngóng trông thư trước rồi đến thư sau và chờ đến ngày anh mang trầu cau đến hỏi cưới…" - bà Sẻ với nụ cười hiền hậu đã tâm sự với chúng tôi về quãng thời gian mà bà xem như là đẹp nhất và ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình. Bà bảo: thư anh viết hay lắm và đọc rất xúc động. Cùng cảnh mồ côi như nhau nên anh thường xuyên động viên, khuyến khích tôi nỗ lực hơn nữa để vượt lên hoàn cảnh: "Em ạ! Dù chúng ta nghèo, không còn cha mẹ nhưng lòng chúng ta không nghèo, rất dồi dào tình cảm. Miễn là yêu nhau thì dù khó khăn, ngăn cách, tình cảm ấy vẫn gần nhau, hạnh phúc bền vững…" (thư gửi ngày 29-9-1958). Cùng bà ngồi đọc những lá thư đầu tiên mà ông gửi, chúng tôi như "hòa" vào môi trường và không khí sống, học tập, lao động, chiến đấu của thời chiến tranh đầy khó khăn và gian khổ. Đọc những dòng tâm sự ông viết, ông tìm hiểu người bạn đời mới thấy hết được lý tưởng, hoài bão và trách nhiệm của lớp thanh niên thời bấy giờ với trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Đọc thư ông viết, dường như thấy được tình cảm với quê hương, trách nhiệm với đất nước được đặt trên tình cảm cá nhân, tình yêu nam nữ, "mà phải nói chúng ta là lớp thanh niên trong thế hệ Hồ Chí Minh, sống dưới chế độ mới thì lớp tuổi trẻ phải cải tiến xã hội tốt, xóa bỏ lề thói của xã hội phong kiến. Vì vậy chúng ta phải thành thật tìm hiểu thì tình yêu mới tốt..." (thư gửi ngày 31-8-1958). Thư từ qua lại được hơn một năm thì người lính trẻ Phạm Đình Thông nên duyên cùng cô gái Trương Thị Sẻ. Cùng đọc, cùng cười vui trước những dòng thư tìm hiểu của ông, bà Sẻ bảo: Dù không gặp mặt thường xuyên nhưng những lá thư đã nói lên được tính cách, suy nghĩ, tình cảm của người mà bà quyết định chọn làm người bạn đời.
NHỮNG LÁ THƯ - ĐỘNG LỰC ĐỂ PHẤN ĐẤU
Khi biết chúng tôi tìm đến để được đọc, được nghe bà kể về những lá thư "có mặt" tại chương trình "Kỷ vật chiến tranh" mà bà Trương Thị Sẻ đem theo khi tham gia tại VTV, bà bảo: Tiếc quá, bà đã tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam 29 lá thư sau khi tham gia chương trình. Rồi như nhớ ra điều gì, bà lần tìm trong chiếc hòm gỗ cũ, mang ra một tập: Nào là Huân chương Kháng chiến, giấy khen, giấy nhập ngũ, giấy báo tử liệt sỹ Phạm Đình Thông… Và may quá, một tập gồm gần chục lá thư, lại là những lá thư đầu tiên ông gửi cho bà vẫn còn nguyên. Tưởng như không có cơ hội để tìm hiểu những "kỷ vật" thời chiến mà lớp tuổi trẻ ngày nay như chúng tôi chỉ được chiêm ngưỡng qua sách, báo, tivi, chúng tôi lại may mắn được xem, được đọc những lá thư đầu tiên, lại là những lá thư cuối cùng bà Sẻ còn lưu giữ.
Xuyên suốt những lá thư chúng tôi đọc, điều dễ nhận thấy là không chỉ đề cập đến tình cảm của hai người, mà trong thư ông viết, những người bạn chiến đấu cùng đơn vị, trách nhiệm phải nỗ lực học tập, rèn luyện, phục vụ chiến đấu… được đề cập nhiều và thường gắn liền với những suy tư, trăn trở của cá nhân người lính trẻ về trách nhiệm của tuổi trẻ, dù ở tiền tuyến hay hậu phương cùng phải chung ý chí, đoàn kết một lòng chiến thắng giặc ngoại xâm. Trong lá thư gửi ngày 29-9-1958, ông viết: "Điều mong muốn của anh là em cố gắng học văn hóa thêm lên nữa nhé! Đồng ý không? Sao lúc này em còn đi học hay nghỉ ở nhà rồi? Nếu nghỉ thì em tìm sách báo đọc thêm và ôn lại bài đã học qua. Khi nào anh về sẽ giúp em phần tự học thêm…".
Và bà đã thực hiện theo đúng những điều mà ông mong muốn dù chỉ sau Tết Mậu Thân năm 1968 khi bà đang nuôi con gái nhỏ, ông đã hy sinh khi đang chiến đấu ở một đơn vị pháo binh trong chiến trường miền Nam. Nén nỗi đau vào lòng, một mình vừa nuôi con nhỏ, bà vừa tích cực tham gia công tác tại địa phương. Từ một cô giáo mầm non, bà tự học và được sự quan tâm, tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, bà đảm nhiệm các cương vị công tác: Tổ trưởng tổ phụ nữ, ban điều hành HTX nông nghiệp, làm công tác Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách tài mậu… Khi ở cương vị Bí thư Đảng ủy xã Như Hòa (năm 1967) bà mới 27 tuổi, là Bí thư Đảng ủy trẻ nhất khi đó. Đảm nhiệm chức vụ khi còn trẻ, lại là nữ nhưng chưa bao giờ bà thấy mình "tụt hậu" so với yêu cầu, nhiệm vụ. Bởi những lá thư của người bạn đời vẫn luôn thôi thúc, động viên bà cố gắng thêm, cố gắng hơn nữa để làm tròn trách nhiệm của một người vợ, người mẹ, trụ cột gia đình và trách nhiệm của người lãnh đạo một địa phương để đảm bảo phục vụ tốt cho tiền tuyến chiến đấu và chiến thắng giặc Mỹ.
Nửa thế kỷ trôi qua, những lá thư của người bạn đời vẫn ấm dưới gối. Đó không chỉ là những "kỷ vật" chiến tranh mà còn là minh chứng cho tình cảm son sắt, nghĩa vụ thiêng liêng mà bà Trương Thị Sẻ đã nỗ lực không ngừng để sống, học tập, công tác, xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của người chồng, liệt sỹ Phạm Đình Thông.
Bài, ảnh: Phan Hiếu