Tính đến cuối tháng 9-2014, toàn tỉnh đã có 5 xã về đích xây dựng NTM; 21 xã đạt 14-18 tiêu chí; 56 xã đạt 9-13 tiêu chí; 37 xã đạt 5-8 tiêu chí. Đối với nhóm tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn đã có 13/119 xã đạt tiêu chí về giao thông, 19 xã hoàn thành tiêu chí thủy lợi, 90 xã đạt tiêu chí về điện, 49 xã đạt tiêu chí về trường học, 13 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, 40 xã đạt tiêu chí chợ, 116 xã đạt tiêu chí về bưu điện, 60 xã đạt chuẩn
tiêu chí nhà ở dân cư.
Nhóm tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập được xác định là những tiêu chí có tính quyết định đến chương trình xây dựng NTM. Để thực hiện nhóm tiêu chí này, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp và PTNT; đã có 26 xã đạt tiêu chí về thu nhập, 18 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo, 75 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ lao động, 115 xã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất. Đối với nhóm tiêu chí về giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường có 85 xã đạt chuẩn tiêu chí y tế, 69 xã đạt tiêu chí giáo dục, 78 xã đạt tiêu chí về văn hóa, 31 xã đạt tiêu chí về môi trường, 102 xã đạt chuẩn về tiêu chí tổ chức chính trị, 119 xã đạt tiêu chí về an ninh trật tự.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM cũng đã xuất hiện nhiều khó khăn và bất cập mà lớn nhất là huy động nguồn vốn cho xây dựng NTM. Tổng hợp từ các đề án xây dựng NTM của các xã cho thấy: Để hoàn thành xã NTM thì nguồn vốn cần phải có hàng trăm tỷ đến vài trăm tỷ và cần nhiều cho các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng: Đường giao thông nông thôn; hệ thống kênh mương, thủy lợi; nhà văn hóa…
Trong khi đó đối với nhóm tiêu chí này nhà nước chỉ có hỗ trợ đầu tư, sự đóng góp của nhân dân còn có hạn, việc huy động từ nguồn vốn của các doanh nghiệp, con em quê hương còn hạn chế. Đây chính là khó khăn, bất cập lớn nhất của các xã khi xây dựng NTM. Huy động nguồn lực từ dân, sức dân vào xây dựng NTM là việc làm cần thiết vì đây là Chương trình liên quan trực tiếp, thiết thực đến đời sống người dân nhưng mức sống, thu nhập của người dân ở mỗi xã là khác nhau, không thể đáp ứng toàn bộ những mục tiêu đề ra trong chương trình xây dựng NTM.
Sự hỗ trợ của Nhà nước là quan trọng mang tính định hướng, thúc đẩy phong trào, nhưng không thể là tất cả. Và "bài toán" vốn trong xây dựng NTM vẫn là vấn đề nan giải chung của các xã. Do vậy, đối với nhóm tiêu chí này, việc đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước nên có sự tập trung cho một vài xã với sự phân kỳ, định kỳ cụ thể, rõ ràng. Trung ương cũng đã có sự điều chỉnh về tiêu chí chợ và sự cần thiết phải xác định rõ xã nào cần có tiêu chí này, xã nào không…
Đối với nhóm tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là nhóm tiêu chí quan trọng, thậm chí mang tính then chốt chốt, bởi mục tiêu cuối cùng của Chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần cho người nông dân. Nhưng vấn đề này ở nhiều địa phương, các xã còn lúng túng, không rõ ràng, cụ thể; mới chỉ tập trung cho phát triển nông nghiệp, trong nông nghiệp lại chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt, trong trồng trọt lại chủ yếu ở thâm canh cây lúa.. nên giá trị và hiệu quả không cao. Cái khó của các xã nông thôn là truyền thống thâm canh cây lúa đã ăn sâu vào tâm trí người Việt.
Hơn nữa vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm làm ra, nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất cũng đã cản trở việc mở mang phát triển các lĩnh vực sản xuất khác. Mặt khác trình độ dân trí, đồng ruộng manh mún… cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện nhóm tiêu chí này. Do vậy đối với các xã vùng sâu, vùng cao thì tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập phải khác với các xã vùng đồng bằng, ven đô.
Ninh Bình có tới 61 xã miền núi và bãi ngang thì việc thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM sẽ rất khó khăn so với các xã vùng đồng bằng. Ngoài các vấn đề trên thì Trung ương cũng chưa có quy định thống nhất về mô hình tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện chương trình ở các cấp, nhất là ở cấp xã và cấp huyện. Do vậy, bài toán để làm sao gớ nút thắt cho các xã khó khăn trong xây dựng NTM vẫn là bài toán khó.
Trường Sinh