Nếu như những năm trước, giờ này chị Nguyễn Thị Huệ, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình đã tất bật dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị cho việc trang trí, mua sắm Tết nhưng năm nay việc mua sắm kém sôi động bởi tâm lý thắt chặt chi tiêu.
Chị Huệ cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên năm nay thu nhập của cả 2 vợ chồng đều giảm đáng kể. Đến giờ này vẫn chưa biết mức thưởng tết của Công ty nên gia đình tính toán để chi tiêu rất hạn chế. Tôi phải lên danh sách mua sắm rõ ràng từng thứ và tính toán chi phí kỹ lưỡng cho các món đồ để tránh bị lạc vào "ma trận" mua sắm cuối năm và chỉ mua sắm đồ lễ và một số thực phẩm thiết yếu. Ngoài ra, việc sắm Tết bây giờ cũng thuận lợi, không như trước đây nên không còn tâm lý dự trữ thực phẩm, hàng hóa nhiều.
Ghi nhận của phóng viên tại các siêu thị, đại lý bán hàng thực phẩm công nghệ trên địa bàn thành phố Ninh Bình, lượng hàng hóa được các cửa hàng nhập về khá dồi dào, phong phú, các mặt hàng với nhiều chủng loại được trang trí, bày bán rất bắt mắt. Các siêu thị, chợ và các cửa hàng, đại lý đã sẵn sàng cung ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân.
Tuy nhiên, khác hẳn với những năm về trước, thời điểm này người tiêu dùng thường chen nhau mua sắm quần áo, các loại bánh kẹo, rượu bia, đồ khô tích trữ để ăn Tết, thì hiện nay hầu như không còn cảnh đó, thậm chí người dân vẫn còn khá dửng dưng với hàng Tết.
Mặc dù hiện các siêu thị, các cửa hàng đại lý đã triển khai rầm rộ các chương trình khuyến mại, bình ổn giá nhằm kích cầu tiêu dùng nhưng ngay cả những mặt hàng thực phẩm khô như măng, miến, gạo nếp, đậu... các loại quần áo, giày dép, hóa mỹ phẩm... những ngày qua, sức mua vẫn không tăng, lượng hàng hóa tiêu thụ chưa có sự đột biến nào đáng kể. Có thể nói, lượng cung đầy đủ, nhưng cầu thì vẫn còn khá yếu.
Mặc dù các cửa hàng trên địa bàn thành phố Ninh Bình đã sẵn sàng phục vụ khách trong dịp Tết nhưng qua quan sát chúng tôi nhận thấy chưa có nhiều khách hàng đi mua sắm.
Chị Định Thị Hà, chủ cửa hàng tiện ích Hà Dũng (Thành phố Ninh Bình) cho biết: Nếu như mọi năm thời điểm này rất nhiều người dân đã lo lắng cho việc mua sắm Tết. Nhưng năm nay, do tâm lý thắt chặt chi tiêu, nên mọi hoạt động mua sắm cho dịp Tết rất hạn chế, doanh số bán ra chỉ bằng 30% so với mọi năm. Các mặt hàng tiêu thụ nhiều nhất vẫn là các loại thực phẩm thiết yếu cho gia đình, chưa có biến động tăng ở mặt hàng nào. Chính vì thế chúng tôi đang rất lo lắng, hàng nhập về nhiều mà không tiêu thụ hết ra giêng sẽ ứ đọng không thể bán được, trong khi doanh nghiệp thì vẫn phải trả lãi ngân hàng vì vay tiền dự trữ hàng hóa Tết.
Sự lo lắng đó không chỉ từ phía các cửa hàng bán lẻ, ngay cả các doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn mặc dù đã ký hợp đồng với các công ty sản xuất cung cấp với khối lượng hàng hóa lớn nhưng đến giờ này vẫn đang nghe ngóng thị trường để nhập hàng về kho.
Đại diện công ty Chính Gấm, thành phố Tam Điệp cho biết: Công ty đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp, các nhà sản xuất, các đơn vị cung ứng trong việc chuẩn bị nguồn hàng hóa từ sớm. Chúng tôi cam kết bán hàng đúng giá, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa dịp Tết 2022. Tuy nhiên, trên thực tế các đại lý báo về đến thời điểm này sức mua của người tiêu dùng chưa cao do thắt chặt chi tiêu vì dịch bệnh và họ đang cân nhắc chỉ mua những sản phẩm thật sự cần thiết. Vì vậy, Công ty cũng tính toán việc nhập hàng sao cho vừa đủ nguồn cung cấp ra thị trường, không gây biến động về giá mà vẫn ưu tiên nhập sản phẩm mới của nhà cung cấp.
Theo dự báo của Sở Công thương cũng như nhận định của các nhà kinh doanh, hiện nguồn cung hàng tết rất dồi dào, phong phú nên nhiều khả năng sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, gây sốt giá cục bộ trong dịp tết. Sở Công thương cũng đang phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, doanh nghiệp đầu mối điều phối nguồn hàng, kiểm soát giá cả hàng Tết.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm