Trong vài ngày gần đây, mặc dù chưa vào vụ, giá bán lẻ phân Urê đã là 9.200 đồng/kg, NPK 5:12:3 là 3.800 đồng/kg, NPK 10:10:5 là 4.200 đồng/kg, lân Lâm Thao 3.600 đồng/kg... trong khi đó vào cùng thời điểm giá bán lẻ là: Urê 4.500 đồng/kg, lân 1.400 đồng/kg, NPK 2.000 đồng/kg... Theo đà này khi vào vụ mùa thị trường phân bón sẽ có những biến động.
Ước tính nhu cầu phân bón vụ mùa của tỉnh Ninh Bình vào khoảng 3 vạn tấn, nhưng qua tìm hiểu lượng phân hiện có của các đại lý lớn trên địa bàn tỉnh chỉ mới đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu.
Trao đổi với bà Nguyễn Thị Đắc, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Xăng dầu, đạm, lân Đáp Thành I (một doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trên thị trường tỉnh), được biết: Lượng phân bón mà Công ty cần cung ứng trong vụ này khoảng 5 - 7 nghìn tấn phân các loại, nhưng trong kho của Công ty chỉ có khoảng 2 nghìn tấn, vào thời điểm này năm trước hàng nhập về đã đủ nhu cầu.
Giải thích hiện tượng này có thể đưa ra 4 nguyên nhân: Thứ nhất là do Trung Quốc vừa quyết định rút ra khỏi thị trường phân bón thế giới đã gây nên tình trạng thiếu hụt lớn trên thị trường. Thứ hai là việc giá cả các loại phân bón tăng cao trong khi đó hạn mức vay vốn của các ngân hàng không tăng làm cho các doanh nghiệp không đủ vốn để nhập hàng. Thêm vào đó một số nhà máy trong nước sản xuất không đáp ứng được nhu cầu. Một số nhà máy khác lại không báo giá làm cho Công ty không chủ động nhập hàng về. Cũng trong tình trạng như vậy, Công ty Bằng Tuyên chuyên cung cấp phân bón cho thị trường Kim Sơn, Yên Khánh và một vài huyện khác cũng chỉ mới nhập được với lượng cần thiết. Hiện tại có tiền cũng chưa chắc đã mua được và muốn mua phải đăng ký chờ, bởi các công ty sản xuất phân bón cho biết họ chỉ giải quyết các đơn đặt hàng cũ.
Đến các đại lý phân bón nhỏ, hiện tại chưa vào vụ mới nhưng các chủ đại lý này tỏ ra lo lắng vì họ không thể lấy được hàng. Bà Nguyễn Thị Đào, chủ một đại lý phân bón nhỏ ở thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư) cho biết: "Không mua được hàng, một số nơi họ xuất hàng ra nhưng vẫn chưa lấy tiền vì họ còn đợi xem giá cả biến động như thế nào rồi mới quyết định giá sau".
Về phía các nhà sản xuất, trao đổi với ông Nguyễn Văn Bàn, Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình, cho thấy tín hiệu khả quan hơn: Mặc dù ngay từ đầu năm hoạt động sản xuất gặp rất nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực, quyết tâm cao, Công ty sẽ phấn đấu sản xuất đạt và vượt kế hoạch 240 nghìn tấn phân lân và 75 nghìn tấn NPK. Hiện tại, Công ty tập trung chuẩn bị trước lượng phân bón NPK phục vụ cho bà con nông dân trong tỉnh. Mặc dù hiện Công ty chỉ vận hành 2/3 lò sản xuất do việc vận chuyển quặng Apatit từ Lào Cai về bằng đường sắt gặp trục trặc, gây gián đoạn trong cung cấp hàng nhưng việc này sẽ sớm được khắc phục.
Ông Nguyễn Văn Bàn khẳng định: "Công ty sẽ đáp ứng đủ nhu cầu phân bón trong tỉnh". Cũng theo nguồn tin từ Petro Việt Nam, lượng phân bón tiêu thụ tại Việt Nam vào khoảng 1,7 triệu tấn/năm, nhu cầu phân bón 6 tháng cuối năm sẽ khoảng 950 nghìn tấn, trong đó đạm Phú Mỹ và đạm Hà Bắc sẽ cung ứng khoảng 660 nghìn tấn, còn lại 290 nghìn tấn Petro Việt Nam sẽ cung ứng đủ. Hiện tại Petro Việt Nam đang triển khai các phương án nhập khẩu phân Urê dài hạn với khối lượng lớn từ Trung Đông và Nga để đáp ứng khoảng 70% nhu cầu thị trường trong nước.
Như vậy, phân bón cho vụ mùa sẽ không thiếu nhưng việc mức giá bị đội lên là không thể tránh khỏi. Giá phân tăng cao thực sự là gánh nặng đối với nông dân.
Một người nông dân ở thôn Vàng Ngọc, xã Trường Yên (Hoa Lư) cho rằng: "Giá lúa, gạo năm nay tăng lên được chút ít thì giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng, tiền thuê lao động tăng, rồi công làm đất cũng tăng..., trừ chi phí không biết người nông dân lãi được bao nhiêu?".
Phân bón là một yếu tố ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng nói chung, cây lúa nói riêng. Vì vậy, để đạt năng suất và sản lượng các cây trồng vụ mùa, ngoài việc sử dụng phân hóa học, bà con nông dân nên chủ động sử dụng thêm một số loại phân bón hữu cơ để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất.
Nguyễn Lựu