Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như thiêu như đốt hiện nay, nhiệt độ ngoài trời lúc đầu giờ sáng cũng đã 36-37 độ C, tăng dần lên 40 độ C vào giữa trưa và trên thực tế, nhiệt độ có thể cao hơn 3-5 độ C so với dự báo thời tiết đưa ra, do nhiệt cộng hưởng từ hiệu ứng nhà kính, từ sức nóng động cơ, phương tiện tham gia giao thông hoặc từ mặt đường nhựa, bê-tông...Với những người không phải làm việc ngoài trời, đều tìm cách ở trong văn phòng, cơ quan hoặc ở nhà và không thể rời quạt mát, điều hòa để xua đi nắng nóng. Tuy nhiên, đối với những lao động làm các công việc ngoài trời như chạy xe ôm, bán hàng, thu mua đồng nát..., thì nơi góc chợ, bến xe, trên các tuyến đường chang chang nắng... họ vẫn lặng lẽ lau mồ hôi, chấp nhận cái nóng rát mặt, vật lộn với công việc để nhọc nhằn mưu sinh.
Ông Trần Văn Bẩy, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) đã nhiều năm làm xe ôm tại khu ngã Tư cầu Vượt và bến xe khách Ninh Bình cho biết: Mặc dù đã đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng loại dày dặn, đi giầy vải kín mít, nhưng cái nắng dưới đường nhựa như rang khiến người luôn vã mồ hôi, rát da thịt và mệt rã rời. "Hàng chục ngày nay, buổi sáng tôi cố gắng chạy lấy vài khách, kiếm trăm nghìn đồng cho đủ ăn cơm, rau rồi về nhà nghỉ. Mới 9h sáng mà trời đã như thiêu, nếu có khách thì ai cũng vội vã đi cho nhanh. Chiều thì không thể đi làm trước 15h, nhưng lúc ấy cái nóng từ mặt đường nhựa bốc lên mới khủng khiếp. Nhiều lần tôi choáng váng, phải vào chỗ bóng râm để "trú" tạm và bổ sung chai nước lạnh giải nhiệt... Với người lao động như chúng tôi, chỉ mong thời tiết đừng quá khắc nghiệt như hiện nay, chứ vừa tạm dừng dịch bệnh xong, giờ lại nắng nóng thế này, người lao động chỉ có con đường "đói"..." - ông Bẩy chia sẻ.
Với chị Đỗ Thị Thành, bán hàng rong trên địa bàn thành phố Ninh Bình thì buôn bán các loại rau, quả, những ngày nắng nóng thường trực nhiều nỗi lo, lo cho sức khỏe khi ròng rã đạp xe dưới trời nắng mấy giờ đồng hồ, lo rau, quả héo, thịt ôi hỏng sẽ lỗ vốn... "Nắng nóng như này, người ngồi không còn mệt, huống gì mình đạp xe chở hàng hóa cồng kềnh và nặng thế này. Nhiều lúc oải lắm, buôn bán đã bấp bênh, giờ trời còn nắng gắt, tôi cũng muốn nghỉ sớm, nhưng nghĩ đến chi tiêu trong gia đình, con cái học hành thì phải cố thôi. Không đi làm thì lấy gì mà chi tiêu. Cũng may, nhiều người buôn bán, kinh doanh tại gia đình, ngại nắng không đi chợ, mua bán cũng dễ tính hơn, không kỳ kèo, trả giá nhiều... Tôi cố gắng bán hết hàng xong trước 11h trưa, kiếm được hơn trăm đến gần 200 nghìn đồng, sống tạm qua những ngày nắng nóng này..."- chị Thành than thở
Nhiệt độ tăng cao kỷ lục thời gian gần đây cũng là nỗi ám ảnh của nhiều người lao động làm các công việc trong ngành xây dựng, vệ sinh môi trường, thu mua đồng nát, đạp xích lô, những người nông dân... những công việc đòi hỏi thêm nhiều sức lực hỗ trợ. Hầu hết người lao động đều chung nỗi mệt nhọc do thời tiết quá nắng nóng, nhưng họ không thể không đi làm, vì những ngày phải nghỉ do dịch bệnh COVID-19, cuộc sống đã khó khăn lắm rồi, giờ dù thời tiết có thế nào cũng phải cố gắng mà làm thôi. Hầu hết người lao động chọn phương án đi làm thật sớm, khi trời còn mát, nhưng không phải công việc nào cũng phù hợp với hình thức này. Hầu hết họ vẫn phải phơi mình dưới cái nắng nóng, với hy vọng, dù có vất vả, mệt nhọc, nhưng có đủ việc làm và thu nhập tương đối, đều đặn, đủ để trang trải cuộc sống là vui rồi.
Theo bác sĩ Phan Thành Nam, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, thời gian qua, thời tiết nắng nóng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, dự kiến còn kéo dài thêm nhiều ngày và nhiều đợt nóng nữa trong tháng 6, tháng 7, do đó, mỗi người dân cần có kiến thức và quan tâm đến sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Đối với người lao động, vào những ngày thời tiết nắng nóng khắc nghiệt có thể gặp phải một số vấn đề về sức khỏe như: Say nắng, say nóng, sốc nhiệt, ngất xỉu, trụy tim mạch... Biểu hiện của các vấn đề sức khỏe gặp phải trong mùa nắng nóng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với nắng nóng, mức độ tăng thân nhiệt của cơ thể. Nếu ở mức độ nhẹ thì mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, nhịp thở, hồi hộp, cơ thể muốn xỉu... Mức độ nặng hơn có thể gặp là khó thở, đau đầu, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, tim đập nhanh, hồi hộp dẫn đến trụy tim mạch, hạ hoặc tăng huyết áp đột xuất... nặng hơn có thể tử vong. Đối với các vấn đề về thẩm mỹ, nắng nóng dễ gây nám, sạm da, tàn nhang, đồi mồi, nhiều nếp nhăn, lâu dài dẫn đến ung thư da... Đặc biệt, đối với những người lao động phải tiếp xúc thường xuyên với môi trường có nhiều hóa chất, rác thải..., khi thời tiết nóng bức là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển mạnh, dễ xâm nhập và lây nhiễm các bệnh về hô hấp, tim, phổi..., do đó cần trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ, hạn chế các vi khuẩn gây hại.
Cũng theo bác sĩ Phan Thành Nam, để phòng tránh và hạn chế các trường hợp trên xảy ra, những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng nên bố trí thời gian làm việc phù hợp, vào những lúc thời tiết mát mẻ nhất trong ngày như sáng sớm hoặc chiều muộn. Nếu bắt buộc phải làm việc trong môi trường nhiệt độ cao thì không nên làm trong thời gian quá lâu, nên nghỉ ngơi từ 15-20 phút tại chỗ thoáng mát sau khi phải làm việc trong thời gian từ 45 phút - 1 giờ dưới thời tiết nhiệt độ cao. Đặc biệt, cần hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng mặt trời lên cơ thể, nhất là vùng vai gáy và uống đầy đủ nước có bổ sung thêm chất khoáng tốt cho cơ thể. Đồng thời, sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp như quần áo bảo hộ lao động, kính, mũ, nón, găng tay.... Khi có những biểu hiện như chóng mặt, buồn nôn, ra mồ hôi quá nhiều… cần ngừng làm việc, tìm chỗ mát mẻ, thoáng gió, uống nước mát và nghỉ ngơi. Các trường hợp nặng hơn cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và cấp cứu kịp thời.
Mỹ Hạnh