Theo báo cáo của huyện, hiện tại tổng số dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch của hệ thống cấp nước tập trung mới chỉ đạt trên 30%. Nhiều nơi trong huyện, nước sinh hoạt thiếu do môi trường nước bị ô nhiễm, không có nhà máy nước sinh hoạt tập trung, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng lũ. Vì vậy, mỗi công trình nước sạch hoàn thành và đưa vào sử dụng đã mang lại niềm vui cho người dân nơi đây.
Tại xã Đồng Phong (Nho Quan), niềm vui đã đến với toàn bộ người dân nghèo của vùng đất nghèo bán sơn địa này, vì họ đã có nhà máy nước sạch. Mặc dù vẫn còn nhiều công trình nước giếng khoan nhưng được nhìn tận mắt công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, được uống thử nguồn nước sạch không còn thấy vị tanh nữa... bà con thấy vui lắm.
Niềm vui được dùng nước sạch của người dân xã Đồng Phong.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, phố Hồng Lai (trước đây thuộc xã Đồng Phong, nay thuộc thị trấn Nho Quan) người vừa được sử dụng nguồn nước sạch của Đồng Phong tâm sự: "Khi tôi lớn lên đã nghe ông và bố kể về làng mình, người dân trong thôn chủ yếu dùng nguồn nước giếng đào thủ công để ăn. Ao hồ dùng để tắm giặt, nhưng trâu đằm cũng ở đấy". Mùi nước giếng tanh nồng mà người dân vẫn phải sử dụng.
Đồng chí Lưu Văn Định, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước nhu cầu về nước sạch của người dân. Xã đã có nhiều động thái tích cực, một mặt tranh thủ sự tạo điều kiện của cấp trên tham mưu, đề xuất xây dựng dự án công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, một mặt lo vận động tuyên truyền người dân cùng đóng góp xây dựng nguồn nước sạch để bảo đảm sức khỏe. Sau khi có kiến nghị của xã, Đồng Phong được chọn làm điểm xây dựng nhà máy nước. Công trình được xây dựng ngay đầu xã với hai máy bơm có công suất 1.000 m3/ngày, rồi bể chứa, bể lọc, bể xử lý... với tổng kinh phí xây dựng 10 tỷ đồng bằng nguồn vốn của Nhật Bản, vốn đối ứng của Nhà nước và đóng góp của nhân dân trong xã. Những dòng nước trong vắt chảy theo đường ống về đến 1.700 hộ của 11 thôn và đến các đơn vị như: Trung tâm y tế huyện, Trường dân tộc nội trú tỉnh, trạm y tế xã, các khối trường học và cả những hộ dân ở vùng ngoài đê cũng được dùng nguồn nước sạch.
Không chỉ người dân Đồng Phong có niềm vui ấy mà người dân xã Lạng Phong cũng không giấu được niềm vui trong buổi lễ khánh thành công trình cấp nước sinh hoạt. Người dân vùng khó khăn này đã phải chờ đợi hàng chục năm vì "khát" nước sạch. Một cụ già hơn 80 tuổi cũng không giấu nổi niềm vui, nói: "Từ xưa đến nay, chúng tôi chỉ quen dùng thứ nước vàng đục ở sông, có nước sạch về xã, nhân dân mừng lắm, hạnh phúc lắm..."
Ông Nguyễn Xuân Trường, thôn Đồng An cho biết, là một thôn nằm ngoài đê Năm Căn ven sông Hoàng Long, cả thôn có 145 hộ với trên 745 khẩu, bà con sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, sinh hoạt bằng nước sông, vào mùa lũ lụt, nước đổ về đục ngầu nhưng vẫn phải sử dụng. Thực tế, đã có nhiều người bị đau mắt, đau bụng, nguy hiểm hơn nữa là năm 1997 dịch thương hàn bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân trong thôn.
Nay nguồn nước sạch đã đến các hộ gia đình, ai cũng vô cùng phấn khởi, động viên nhau lắp đặt đường nước, xây dựng bể chứa... Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn xã Lạng Phong có công suất 30 m3/h được xây dựng với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng bằng nguồn vốn của ngân sách tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhân dân Lạng Phong đóng góp và các tổ chức của Pháp tài trợ. Công trình đi vào sử dụng đã cấp nước sinh hoạt cho trên 4.367 người dân và cải thiện môi trường xã Lạng Phong...
Bài, ảnh: Đức Lam