Về các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Nho Quan những ngày hè, hình ảnh thường thấy là trẻ em hòa mình với nắng gió phụ cha mẹ các công việc nhà nông như cấy, gặt, cắt cỏ, chăn trâu, lấy rau lợn, trông em, nấu cơm… Những em nào "sướng" hơn là có thời gian được chơi các trò chơi đá bóng, bắn bi, nhảy dây, chơi ô ăn quan... Khi chơi mãi chán các trò chơi tự nghĩ, các em rủ nhau đi tắm sông, hồ, leo trèo cây, đuổi nhau… rất dễ gặp nguy hiểm khi không có người lớn giám sát.
Tại xã Quảng Lạc, cuối buổi sáng trời nắng chang chang nhưng nhiều trẻ em vẫn phải đi chăn trâu, bò giúp bố mẹ. Em Quách Thị Thảo (lớp 6) và Quách Văn Tráng (lớp 4) là hai chị em ruột ở thôn Quảng Cư đang cùng chăn 2 con bò cho gia đình. Em Thảo bảo, nhà em có 2 con bò. Mùa hè được nghỉ học nên bố mẹ bảo đi chăn bò cho nhanh lớn và đẻ thêm bê, từ đó gia đình mới có đủ tiền lo ăn, học, mua quần áo mới, đóng tiền học cho các em khi vào năm học mới và sắm sửa đồ dùng gia đình.
Chị Nguyễn Thị Hái, mẹ của 2 em cho biết, trong năm học, gia đình cũng không yêu cầu các cháu đi chăn bò hàng ngày, chỉ đỡ đần việc nhà như nấu cơm, chăm sóc đàn lợn, gà. Nhưng nghỉ hè thì phải phụ giúp gia đình các việc nhà nông để bố mẹ đi làm thuê kiếm chút tiền lo năm học mới. Mà các con được nghỉ hè chị lo lắm, ngày nào cũng dặn dò không được leo trèo lên cây, lên núi, không tắm sông, hồ, không đánh nhau, nghịch dại… Lứa tuổi đang lớn, có muốn quản lý cách nào đó cũng không được, vì còn phải đi làm, kiếm tiền sinh sống.
Chính tại những địa điểm vui chơi không an toàn và không có sự quản lý của người lớn như tắm sông, trèo cây, đá bóng, đuổi nhau dưới lòng, lề đường… là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn, thương tích cho trẻ em, nhưng dường như các em chưa đủ nhận thức về những mối nguy hiểm rình rập mà chỉ hành động theo sở thích và sự rủ rê của bè bạn. Các em cũng chưa đủ kỹ năng để có thể xử lý tình huống khi gặp tai nạn dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.
Chị Quách Thị Bình, công chức Lao động, Thương binh và Xã hội xã Quảng Lạc cho biết: Hiện trên địa bàn xã Quảng Lạc có gần 1.800 trẻ em, trong đó trẻ em dưới 6 tuổi là trên 700 em; trong số đó có 17 trẻ em mồ côi, khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đặc thù của xã là đồng bào dân tộc Mường chiếm gần 80%, có 6/8 thôn 100% người dân là dân tộc Mường nên việc chăm lo, phát triển các điều kiện về kinh tế - xã hội và quan tâm chăm sóc trẻ em còn gặp nhiều khó khăn. Toàn xã có 96 trẻ em trong các gia đình nghèo, ngoài đến trường các em phải cùng với gia đình làm nhiều việc phù hợp với sức khỏe, độ tuổi để duy trì cuộc sống. Các đối tượng trẻ em thuộc diện gia đình khó khăn, tàn tật, mồ côi…, hàng tháng đều được hưởng đầy đủ các chế độ của Nhà nước theo quy định. Tuy nhiên việc chăm sóc, quan tâm đến đời sống tinh thần của trẻ em trên địa bàn còn gặp khó khăn và chỉ có mức độ. Đơn cử như việc tạo các sân chơi cho các em nhân dịp hè thường không được thường xuyên, nguyên nhân là do điều kiện phát triển kinh tế của xã và các gia đình còn gặp nhiều khó khăn, các nhà văn hóa, khu sân chơi tập trung còn ít, cùng với đó số thanh niên được giao nhiệm vụ chủ trì các hoạt động này cũng thường xuyên đi làm ăn xa…
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thiệu, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nho Quan những năm qua, huyện Nho Quan đã rất nỗ lực, quan tâm chăm lo, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thanh, thiếu nhi trong toàn huyện, đặc biệt trong dịp hè và Tháng hành động vì trẻ em từ 1-30/6. Hiện trên địa bàn huyện có trên 40 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm hơn 25% tổng dân số; trong đó có trên 16 nghìn trẻ dưới 6 tuổi, chiếm 10% dân số. Trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2017, huyện Nho Quan đã tổ chức hàng chục buổi tư vấn cộng đồng, diễn đàn cho trẻ em tại các xã nhằm cung cấp cho trẻ các kiến thức về quyền, bổn phận của trẻ em, những việc trẻ em không được làm, kỹ năng phòng tránh tai nạn, thương tích cho trẻ, giúp các em biết tự bảo vệ và phòng ngừa; các bậc cha mẹ, người thân nắm được Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cùng với đó, Phòng Văn hóa thông tin, Huyện đoàn cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT phục vụ nhu cầu học tập và vui chơi cho trẻ em trong dịp hè; các xã, thị trấn tổ chức ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 cho trẻ em tại các nhà trường, thôn, xóm, thu hút gần chục nghìn trẻ em tham gia. Cùng với đó, vào mỗi dịp hè, Ban Thường vụ Huyện đoàn đều triển khai các hoạt động hè, tổ chức các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt cũng như các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao nhằm thu hút đội viên, đoàn viên, thanh niên tham gia các phong trào Đoàn, Đội nhưng nhận thức của các em về hoạt động Đoàn, Đội chưa cao; nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, nghỉ hè phải đi làm thêm phụ giúp gia đình nên việc tập trung được nhiều em tham gia cũng không đơn giản. Hơn nữa, kinh phí hoạt động còn ít, do vậy chưa có nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích cho trẻ em, hiệu quả đạt được còn thấp…
Trước những khó khăn trên, huyện Nho Quan tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền và tuyên truyền vận động gia đình, nhà trường và toàn xã hội phối hợp chặt chẽ trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, trong đó đặc biệt quan tâm đến những trẻ em nhà nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Có kế hoạch quy hoạch và đầu tư đất xây dựng khu vui chơi cộng đồng, nhà văn hóa thôn, xóm… Đặc biệt cần kết hợp chặt chẽ với các nhà trường, tổ chức Đoàn thanh niên ở cơ sở để có thêm những hoạt động ngoại khóa dịp hè nhằm ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội xâm nhập vào trẻ em, để "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai" được lớn lên và hoàn thiện nhân cách trong môi trường an toàn, đủ đầy về vật chất và tinh thần…
Mỹ Hạnh