Những kết quả bước đầu Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng Nho Quan lại là địa phương có nhiều chuyển biến trong việc thực hiện tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất nông nghiệp hướng đến phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Ông Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Những năm gần đây, nông dân nhiều địa phương trong huyện thường xuyên đi làm ăn xa, ruộng đất cho mượn hoặc vẫn tiến hành sản xuất, song đầu tư thâm canh thấp, sản xuất không có hiệu quả.
Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Nho Quan đã tiến hành rà soát, bổ sung các quy hoạch sử dụng đất, vùng sản xuất, xây dựng nông thôn mới để phát huy thế mạnh từng địa phương, tạo vùng sản xuất đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa. Tập trung rà soát các diện tích đất 2 lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn.
Đặc biệt, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện theo lợi thế từng vùng: Vùng trũng chủ yếu phát triển theo phương thức chuyên canh cá, lúa - cá, cá - lúa - vịt đẻ trứng, cá - cây ăn quả.
Điển hình như mô hình lúa - cá của HTX Văn Phong, vùng ven là mô hình phát triển kinh tế tổng hợp theo phương thức lúa - cá, lúa - cây ăn quả - một số con nuôi đặc sản; vùng cao các gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đang được phát triển nhân rộng, đặc biệt là mô hình nuôi vỗ béo bò thịt ở các xã: Phú Long, Kỳ Phú, Cúc Phương.
Để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, UBND huyện Nho Quan đã xây dựng kế hoạch "Tổ chức tích tụ ruộng đất liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn". Theo đó, huyện đã chỉ đạo các địa phương vận động, khuyến khích nông dân tự thuê gom, tích tụ ruộng đất tạo ra vùng sản xuất lớn và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp.
Đến nay, Nho Quan có 6 xã đã tổ chức tích tụ ruộng đất liên kết sản xuất nông nghiệp như: Văn Phương, Đồng Phong, Sơn Lai, Văn Phong, Yên Quang và Thạch Bình với tổng diện tích 135,6 ha.
Các diện tích này đươc nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất như: Công ty TNHH Dược thảo Hoàng Thành thuê đất của nông dân 5 năm, diện tích 11,5 ha tại xã Văn Phương để trồng cây dược liệu; Công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình đã thuê 34 ha của xã Đồng Phong để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất cánh đồng khép kín theo hướng chuỗi giá trị.
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư sản xuất nông nghiệp ở địa phương, Nho Quan đã có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có uy tín đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo sức cạnh tranh trong sản xuất, trong đó chú trọng đầu tư sản xuất tập trung với quy mô từ 20ha trở lên trong các lĩnh vực trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng cây dược liệu...
Cần sự đồng lòng từ chính quyền và người dân
Hiệu quả sản xuất là vậy nhưng hiện tại, việc tích tụ ruộng đất trên địa bàn huyện Nho Quan nói riêng và toàn tỉnh nói chung vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, mô hình tích tụ ruộng đất chưa có nhiều, diện tích ruộng đất tích tụ được chưa lớn.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT: Nguyên nhân do một bộ phận người nông dân vẫn còn tư tưởng bảo thủ, quyết tâm giữ ruộng mặc dù không tổ chức canh tác, không thực hiện cải tạo, bảo quản... khiến đất đai bị hoang hóa, kém chất lượng, gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên đất.
Thêm vào đó, thực tế số lượng doanh nghiệp thuê đất để phát triển sản xuất còn hạn chế. Một phần do chưa nhận thức triệt để về nguồn lợi mà nông nghiệp đem lại, một phần do nguồn vốn đầu tư khá lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không đủ điều kiện để tổ chức sản xuất khép kín dẫn đến chi phí sản xuất cao, thiếu chủ động.
Mặt khác, sản xuất nông nghiệp nói chung ẩn chứa nhiều rủi ro như ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, sâu bệnh, dịch hại và những biến động giá cả của thị trường. Mối liên kết "4 nhà" chưa bền vững, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất cũng như vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Thời hạn cho thuê đất cũng là một trở ngại cho việc thúc đẩy tích tụ ruộng đất. Đối với đất công, thời hạn cho thuê "theo nhiệm kỳ".
Đối với đất của nông dân, nếu chỉ cho thuê ngắn hạn thì doanh nghiệp không dám thuê để đầu tư vì không đủ thời gian thu hồi vốn; nếu dài hạn thì người dân e ngại không dám cho thuê vì sợ mất đất. ở một số địa phương, cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm, chưa chỉ đạo quyết liệt nên mô hình tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất với hiệu quả cao hơn chưa xuất hiện để tạo động lực cho nông dân chuyển biến nhận thức.
Trước những khó khăn trên, Nho Quan đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm đưa nông nghiệp của huyện miền núi từ tự cấp, tự túc trở thành nền nông nghiệp hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Trịnh Đức Hưng cho biết: Căn cứ vào tình hình thực tế ở các địa phương, trong thời gian tới các xã, thị trấn sẽ tiếp tục tổ chức rà soát, xây dựng quy hoạch các vùng tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở rà soát, đối chiếu với quy hoạch nông thôn mới để thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vào đầu tư trên địa bàn.
Huyện cũng đang tích cực tìm kiếm thúc đẩy các mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị trên cơ sở đảm bảo tính pháp lý, hiệu quả và bền vững như: liên kết trực tiếp giữa hộ nông dân với doanh nghiệp; liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp liên kết với doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Đi liền với đó là động viên và hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả qua tích tụ ruộng đất, khắc phục tâm lý băn khoăn, e ngại việc mất ruộng, mất đất, "trắng tay" của người nông dân. Gắn quá trình tích tụ ruộng đất với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, phân công lại lao động ở địa phương.
Nhờ đó mới bảo đảm giải quyết tốt việc làm cho số lao động nông nghiệp dôi dư chuyển sang ngành, nghề khác, khắc phục nỗi lo thất nghiệp khi không còn ruộng.
Bên cạnh đó, huyện Nho Quan mong Nhà nước cần sớm xây dựng các chính sách phù hợp với thị trường chuyển nhượng, cho thuê ruộng đất. Tạo hành lang pháp lý về đất đai cho các đối tượng mua, bán, thuê mướn thuận lợi, thủ tục đơn giản, chi phí thấp.
Hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình tích tụ ruộng đất như: hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo lao động, hỗ trợ các khâu dịch vụ trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Tạo điều kiện thuận lợi tối đa để thúc đẩy phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp.
Có thể nói, từ thành công bước đầu này đã tạo tiền đề thuận lợi để Nho Quan tiếp tục triển khai tích tụ ruộng đất ở 21 xã còn lại với tổng diện tích dự kiến là 600 ha nhằm mục đích ứng dụng các công nghệ tiên tiến, tạo ra nền sản xuất nông nghiệp tập trung và đưa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển theo hướng hiện đại, quy mô lớn, mang thương hiệu địa phương.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm