Nho Quan là huyện miền núi của tỉnh Ninh Bình, dân số khoảng 15 vạn, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm trên 17% dân số toàn huyện. Riêng người Mường có hơn 12 nghìn, chiếm trên 15%, sinh sống thành làng bản, tập trung ở các xã Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long và rải rác ở các xã khác như Quảng Lạc, Thạch Bình, Văn Phương, Yên Quang, Xích Thổ. Ngoài ra còn có các dân tộc thiểu số khác, như người Tày, Dao, Thái, Nùng, Ê đê, Mơ nông, Sán Chay, Cao Lan, sinh sống rải rác và đan xen trên địa bàn các xã của huyện, tạo nên sự đa dạng về văn hóa, phong tục, tập quán, bổ sung cho nhau những nét đẹp trong văn hóa truyền thống.
Người Mường ở Nho Quan hiện vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình như: Văn hóa cồng chiêng, hát đúm, hát ru, hát sắc bùa... và các trò chơi dân gian như bắn nỏ, ném còn, đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy... Trong những năm qua, quán triệt và nhận thức sâu sắc quan điểm "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội" và để những nét đẹp văn hóa Mường không bị mai một theo thời gian, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường luôn được huyện Nho Quan quan tâm, đầu tư.
Một trong những hoạt động hiệu quả, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc là việc tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Nho Quan. Theo đó, từ năm 2016, UBND huyện Nho Quan tổ chức Ngày hội này theo quy mô cấp huyện; đồng thời tổ chức chương trình giao lưu văn hóa dân tộc Mường. Đây là dịp để các nghệ nhân đồng bào Mường được giao lưu học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần duy trì và phát triển các giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Đồng chí Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương, địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc Mường chiếm trên 90% cho rằng, hiện nay, người Mường tại địa phương vẫn còn truyền giữ và phát huy nhiều giá trị văn hóa dân gian truyền thống, như văn hóa cồng chiêng, các trò chơi truyền thống hay những làn điệu, câu hát, nghi lễ… Đoàn xã Cúc Phương mang đến Ngày hội nhiều tiết mục độc đáo của dân tộc mình để giao lưu với các xã khác, như các môn thể thao bắn nỏ, ném còn, đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy...; các tiết mục văn nghệ có những bài hát ru, hát đúm, hát sắc bùa và biểu diễn văn hóa cồng chiêng.... Đặc biệt, việc giữ gìn nét văn hóa ẩm thực của dân tộc cũng được địa phương chuẩn bị bằng mâm cơm để dự thi cùng các địa phương khác, trong đó có đến hàng chục món ăn, với nhiều món ăn đặc thù của người Mường Cúc Phương như: Nem Mường, canh đắng, măng chua nấu thịt gà, thịt nướng, xôi nếp nương, chả chìa, cơm ngô đồ, cá diếc hang...
Ông Bùi Hồng Y, người uy tín thôn Đồng Bài, xã Quảng Lạc cho rằng, việc huyện Nho Quan mỗi năm tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc của huyện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào người Mường. Mặc dù, vào các dịp lễ, Tết, mùa Xuân, người Mường các nơi đều tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng tại địa phương mình, tạo không khí vui tươi phấn khởi, khơi dậy và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương. Nhưng với việc tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc tại xã Kỳ Phú lại là dịp để tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Nho Quan. Đồng thời là dịp để cả người dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh trong cộng đồng dân cư được phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình, cùng tạo dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, góp phần giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.
Đồng chí Đinh Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Nho Quan 2019 cho biết: Trong những năm qua, cùng với sự phát triển về kinh tế-xã hội, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc luôn được huyện quan tâm, đầu tư và chỉ đạo thực hiện, từng bước khẳng định sức sống, sự trường tồn của văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 7 CLB văn hóa các dân tộc ở 7 xã; các ngành, đoàn thể như Công an, Giáo dục, Đoàn thanh niên cũng đã thành lập các CLB của riêng mình. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã và đang được bảo tồn, tôn tạo; nhiều phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng; sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm...
Năm nay là năm thứ 3, huyện Nho Quan tổ chức Ngày hội với quy mô cấp huyện. Mỗi năm, Ngày hội được tổ chức với quy mô lớn dần, thêm nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, thu hút ngày càng nhiều người dân các dân tộc trong và ngoài huyện tham gia và cổ vũ.
Ba năm qua, Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc của huyện Nho Quan đã và đang từng bước lan tỏa và thấm sâu vào cộng đồng các dân tộc trong huyện, bước đầu trở thành Ngày hội để đồng bào các dân tộc trên địa bàn gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau hòa mình trong các lễ hội truyền thống; qua đó góp phần giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho nhân dân. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc chính là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Trong đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường nói riêng không chỉ góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho đồng bào dân tộc miền núi Nho Quan, mà còn góp phần thúc đẩy du lịch, kinh tế - xã hội của huyện Nho Quan ngày càng phát triển.
Mỹ Hạnh