P.V: Thưa đồng chí, được biết vụ đông năm 2017-2018 triển khai trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, tuy nhiên với nỗ lực lớn, huyện Nho Quan đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đồng chí có thể cho biết những nét chính về kết quả sản xuất vụ đông năm 2017 - 2018 của huyện?
Đ/c Trịnh Đức Hưng: Sản xuất vụ đông năm 2017-2018 triển khai trong điều kiện thời tiết diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là đầu vụ (từ ngày 9-13/10/2017) do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió đông hoạt động mạnh và không khí lạnh tăng cường đã gây mưa to đến rất to làm xuất hiện đợt lũ lịch sử trên sông Hoàng Long gây ngập úng kéo dài ở nhiều địa phương, làm ảnh hưởng đến tiến độ làm đất, gieo trồng cây vụ đông, nhất là cây ưa ấm.
Trước tình hình đó, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện, UBND các xã, thị trấn sớm xây dựng kế hoạch sản xuất, đề ra các giải pháp cụ thể, chỉ đạo quyết tâm giành thắng lợi sản xuất vụ đông 2017-2018.
Kết quả tổng diện tích gieo trồng cây vụ đông 2017-2018 toàn huyện đạt được là 1.965 ha; tổng giá trị sản xuất 161.420 triệu đồng; giá trị bình quân 1ha cây vụ đông đạt 82,147 triệu đồng, tăng 1,127 triệu đồng/ha so với vụ đông năm 2016-2017.
Vụ đông năm 2017 - 2018, trên địa bàn huyện đã và đang từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa; đã hình thành các mô hình cây trồng có giá trị kinh kế cao, được trồng tập trung, có hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, nổi bật như: Mô hình trồng cà chua tại xã Văn Phong; khoai sọ, lạc che phủ nilon tại xã Yên Quang; ớt xuất khẩu tại xã Thạch Bình, Văn Phú…
P.V: Xin đồng chí cho biết vụ đông năm 2018-2019, huyện Nho Quan định hướng sản xuất như thế nào cho bà con nông dân trong toàn huyện?
Đ/c Trịnh Đức Hưng: Vụ đông năm 2018-2019, huyện Nho Quan tiếp tục chỉ đạo phát triển vùng sản xuất vụ Đông theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững; tập trung phát triển cây trồng truyền thống, cây chủ lực, có thế mạnh của địa phương gắn với việc chuyển đổi cơ cấu giống và đầu tư thâm canh; tích cực mở rộng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Bố trí hợp lý cơ cấu giữa nhóm cây ưa ấm, nhóm cây ưa lạnh, đa dạng hóa cây trồng, mở rộng diện tích sản xuất các loại rau đậu. Phấn đấu gieo trồng với tổng diện tích 1.500 ha, trong đó: cây ngô 458 ha; cây lạc 21 ha; cây đậu tương 12 ha; cây khoai lang 312 ha; cây khoai sọ 149 ha; ớt xuất khẩu 18 ha; cây bí xanh 20 ha; cây khoai tây 25 ha; rau đậu các loại 485 ha.
P.V: Để đạt hiệu quả vụ đông cao, huyện có giải pháp cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Trịnh Đức Hưng: UBND huyện yêu cầu các phòng, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là Nghị quyết số 05 ngày 24/10/2016 của Tỉnh ủy; Nghị quyết số 37 ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Tiếp tục rà soát xây dựng kế hoạch, quy hoạch vùng sản xuất vụ đông theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với sản phẩm có lợi thế của địa phương; chú trọng phát triển các hình thức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, đặc biệt phát huy vai trò của HTX nông nghiệp là cầu nối trong khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân.
Tăng cường các hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như ứng dụng giống cây trồng mới; hệ thống tưới tiết kiệm; các chế phẩm sinh học, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các loại máy làm đất, máy chăm sóc, máy thu hoạch thế hệ mới; công nghệ mới trong bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch... nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế; từng bước hình thành các mô hình điểm, trình diễn thực nghiệm ứng dụng công nghệ cao làm cơ sở để tuyên truyền nhân ra diện rộng. Tập trung thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa và cây màu vụ mùa khi đến thời kỳ thu hoạch; tăng cường áp dụng cơ giới hóa, đẩy nhanh tiến độ làm đất để sản xuất vụ đông đảm bảo thời vụ, hiệu quả.
Bố trí hợp lý giữa nhóm cây trồng ưa ấm và cây ưa lạnh, trong đó ưu tiên tăng tỷ lệ cây ưa ấm trong cơ cấu; tập trung đầu tư thâm canh phát triển cây trồng truyền thống, cây có giá trị hàng hóa cao như: Ngô, khoai sọ, khoai tây, khoai lang Hoàng Long, lạc che phủ nilon; đẩy mạnh sản xuất rau quả đảm bảo an toàn thực phẩm, đa dạng hóa và bố trí thời vụ trồng hợp lý, trồng rải vụ nhằm giảm áp lực tiêu thụ, phù hợp với nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tăng cường công tác quản lý và điều tiết hợp lý các nguồn nước, nhất là nguồn nước ở các hồ chứa, đảm bảo chủ động việc tưới tiêu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn, không để tình trạng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng đưa vào sản xuất.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (Thực hiện)