Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được cách tiếp cận với những hộ dân bị ngập lụt của thôn Minh Long, xã Xích Thổ. Sau một đêm mất ngủ chạy lũ, trên gương mặt của họ vẫn hiện rõ vẻ mệt mỏi. Khi chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Huấn, chiếc bếp củi vừa được anh chị dựng tạm trên lề đường để nấu ăn, nhiều vật nuôi được nhốt trên thuyền... người già, trẻ em còn đang ngủ bù sau 1 đêm chạy lũ mệt mỏi. Vừa thu gom những đồ đạc đêm qua bị ngấm nước chị Huấn vừa kể cho chúng tôi về nỗi vất vả của người dân vùng lũ: Nằm trong vùng rốn lũ khổ lắm các chị ạ. Năm ngoái nước vào trong nhà ngập 1,5 m, năm nay nước không to, chỉ khoảng 60 cm nhưng lại về lúc nửa đêm nên cả thôn có 1 đêm thức trắng để chạy lũ. Mặc dù nước lũ về lúc nửa đêm nhưng từ chiều tối xã và thôn đã liên tục cảnh báo nên người dân chúng tôi đã di tản hầu hết được đồ đạc, vật nuôi đến nơi an toàn. Lo nhất là 5 sào lúa mùa vừa mới cấy được hơn 1 tháng, nước to thế này ngập hết chắc không cứu được. Năm nay nhà tôi chắc phải đong gạo ăn.
Có lẽ sống ở vùng lũ quen cảnh ngập lụt nên người dân ở đây khá chủ động trong việc ứng phó với các tình huống khi nước lũ về. Anh Trần Văn Lưu, thôn Minh Long cho biết: Sau khi được cảnh báo từ thôn, xã gia đình tôi đã di tản hết cả phụ nữ, trẻ em đến nhà người quen. Chỉ đàn ông ở nhà để kê đồ đạc. Mỗi năm nước lụt thế này khổ nhất là sinh hoạt, nước sạch không đầy đủ, thực phẩm, rau xanh thiếu thốn... Sau lũ sợ nhất là dịch bệnh.
Hiện, thôn Minh Long có 21 hộ bị ngập, trong đó có 12 hộ bị ngập sâu trên 1m, xã Xích Thổ đã hỗ trợ các hộ dân di dời đến nơi an toàn. Theo báo cáo nhanh của UBND xã Xích Thổ: Hiện toàn xã có 55 hộ bị ngập, trong đó có thôn Quyết Thắng bị cô lập hoàn toàn; 3.850 m đường trục thôn, xã bị ngập; 100% đê bao bị ngập với tổng chiều dài 7km; 110 ha lúa hè thu mất trắng. Hiện nhà máy nước của Xích Thổ phải tạm dừng hoạt động vì nước trên sông đang lên cao, đục nên không thể tiến hành bơm lọc.
Đồng chí Bùi Tuấn Vương, Chủ tịch UBND xã Xích Thổ cho biết: Trước tình hình trên xã đã thông báo đến các hộ dân tiết kiệm nguồn nước sạch để phục vụ nhu cầu thiết yếu, tăng cường sử dụng nước giếng khoan. Xã đã cung cấp 54 thùng mì tôm và nước lọc cho các hộ bị ngập úng. Đồng thời cấp hóa chất cloramin để bà con lọc nước phục vụ sinh hoạt.
Theo dự báo, tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, chính vì thế Ban chỉ huy PCTT&TKCN của xã chỉ đạo các thành viên thực hiện nghiêm túc phương án đã xây dựng từ đầu năm. Xã đã huy động toàn bộ lực lượng thanh niên, dân quân, công an xã trực 24/24h. Chỉ đạo các thôn nắm bắt kịp thời tình hình để kịp thời ứng phó.
Theo báo cáo, đến ngày 22/7 huyện Nho Quan có 2.500 nhà bị ngập, tập trung tại các xã Xích Thổ, Gia Sơn, Gia Thủy, Gia Tường, Đức Long, Lạc Vân, Thượng Hòa, Lạng Phong... Điện lực Nho Quan đã tổ chức cắt điện sinh hoạt đối với các hộ dân bị ngập úng. Ngoài ra toàn huyện có 550 ha lúa mùa bị ngập úng, trong đó có 250 ha tại các xã Gia Thủy, Xích Thổ bị mất trắng; 3,5ha cây ăn quả, 70,5 ha cây màu bị ngập úng, 250 ha nuôi trồng thủy sản, 3 trang trại bị ngập, 500 con vịt bị nước cuốn trôi.
Nước trên sông Hoàng Long lên cao, mực nước tại Hồ Đồng Chương tại thời điểm 17h ngày 21/7 đã lên 21m, phải xả 2 cửa tràn để đảm bảo an toàn thân đập và tài sản của nhân dân vùng hạ lưu. Đường tỉnh lộ ĐT 479 bị ngập khoảng 100m, điểm ngập sâu nhất 25cm thuộc địa bàn xã Xích Thổ. Đoạn kè xung yếu Hang Chuộn, xã Lạc Vân ảnh hưởng từ đợt mưa lũ tháng 10/2017 có hiện tượng thẩm lậu đang tổ chức trực để theo dõi thân kè.
Đồng chí Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Trong ngày 22/7, mực nước tại Bến Đế, sông Hoàng Long liên tục đạt mức +4,12- 4,14m. Một số trạm bơm phải dừng hoạt động để bảo vệ công trình bể xả của trạm.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã chỉ đạo xã Gia Lâm mở 8 cửa tràn Kim Đôi, xã Gia Lâm để đảm bảo an toàn tuyến đê bao sông Na, sông Bôi. Tập trung theo dõi tuyến đê bao Bốn Hốt, xã Lạc Vân để bảo vệ 55ha lúa và hoa màu. Chuẩn bị vật tự đảm bảo an toàn kè Hang Chuộn, xã Lạc Vân.
Đồng thời chỉ đạo các xã kiểm tra, rà soát sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các vùng thấp, ven sông, vùng lũ, vùng nguy hiểm, vùng nguy cơ sạt lở, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét đến nơi an toàn, sẵn sàng phương án di dân trong trường hợp cần thiết. sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Nguyễn Thơm