Hiện nay, diện tích lúa mùa sớm đang phân hóa đòng, đòng non; trà chính vụ đang ở giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái làm đòng. Nhìn chung, các trà lúa đều sinh trưởng, phát triển tốt. Nhằm tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng cân đối, đẻ nhánh tập trung, hạn chế sâu bệnh hại, nông dân Nho Quan đang tập trung chăm sóc lúa, phòng trừ sâu bệnh.
Có mặt trên cánh đồng thôn Tam Đồng, xã Lạng Phong, chúng tôi gặp chị Trần Thị Sáu đang bón thúc cho lúa mùa trà sớm. Gạt những giọt mồ hôi lăn dài trên má, chị Sáu chia sẻ: Thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, mưa nhiều đúng vào thời điểm lúa đẻ nhánh nên cây lúa sinh trưởng, phát triển nhanh, bén rễ sớm. 5 sào lúa của gia đình tôi đang vào giai đoạn đứng cái làm đòng. Thời điểm này gia đình đang tập trung bón thúc, làm cỏ và theo dõi tình hình sâu bệnh.
Cũng như chị Sáu, mấy ngày nay, ngày nào chị Nguyễn Thị Mai ở thôn Trung Hạ cũng ra thăm đồng. Chị cho biết: "Nhà cấy 6 sào, đây là thời điểm rất nhiều sâu bệnh nên gia đình thường xuyên thăm đồng để phát hiện và phòng trừ kịp thời. Hiện nay, ruộng lúa xuất hiện bệnh sâu cuốn lá nhỏ, gia đình đã tiến hành phun thuốc nên đã cơ bản khống chế được sâu bệnh".
Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lạng Phong Phạm Văn Nhất cho biết: Vụ mùa 2014 bị o ép về thời gian do lúa xuân thu hoạch muộn hơn 10 - 15 ngày so với mọi năm vì ảnh hưởng của thời tiết. Vì vậy, để bảo đảm đúng khung lịch thời vụ, ngay sau khi lúa xuân chín, HTX đã tuyên truyền, vận động nông dân thu hoạch đến đâu làm đất ngay đến đó, kết hợp với bón vôi bột khi cày ngả, tạo điều kiện cho gốc rạ chóng hoai mục và hạn chế nguồn sâu bệnh di chuyển từ lúa xuân sang lúa mùa.
Nhờ vậy, gần 100 ha trà mùa sớm của Lạng Phong đã được gieo cấy đúng khung lịch thời vụ. Đồng thời, việc chăm bón cũng được nông dân triển khai sớm, tập trung. Đến nay, 100% diện tích đã được chăm bón lần 1 bảo đảm lúa sinh trưởng, phát triển cân đối, rút ngắn thời gian sinh trưởng, giúp thu hoạch sớm giải phóng quỹ đất để trồng cây vụ đông ưa ấm.
Bà Vũ Thị Kim Oanh, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Nho Quan cho biết: Thời gian qua, một số diện tích trà lúa mùa sớm, cực sớm trên địa bàn huyện bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ với tổng diện tích phải phun trừ là 600 ha. Tập trung chủ yếu ở các xã Yên Quang, Đồng Phong, Văn Phong, Xích Thổ, Phú Sơn… Trạm đã khẩn trương thông báo đến các HTX để hướng dẫn bà con phun trừ.
Thời gian tới 2 đối tượng: sâu đục thân lúa 2 chấm và chuột sẽ có nguy cơ gây hại mạnh. Do vậy, Trạm Bảo vệ thực vật huyện tăng cường giám sát tình hình, dự báo thời điểm phát sinh, phát triển của các loại sâu bệnh và tham mưu cho chính quyền các địa phương chỉ đạo phòng trừ kịp thời. Đồng thời, tuyên truyền, vận động và khuyến cáo người dân cần tích cực bám sát đồng ruộng, thường xuyên kiểm tra, theo dõi sinh vật hại trên cây lúa, phát hiện sớm để có những biện pháp phòng trừ kịp thời.
Huyện Nho Quan cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và chỉ đạo nông dân tập trung chăm sóc kịp thời, bón thúc ngay khi lúa bắt đầu đẻ nhánh, bón tập trung, cân đối NPK nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng, thu hoạch sớm tránh ảnh hưởng của bão lũ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cây vụ đông ưa ấm; tăng cường công tác diệt chuột, ưu tiên các biện pháp thủ công như: đào bắt, đặt bẫy, hun khói...
Đối với diện tích lúa sinh trưởng mạnh, đẻ nhánh nhiều, dừng bón dặm, rút cạn nước, bón bổ sung kali hoặc phun các loại phân bón qua lá có hàm lượng kali cao để lúa cứng cây, cứng lá, hạn chế sâu bệnh, nhất là bệnh bạc lá; sử dụng thuốc đặc hiệu để phòng trừ khi sâu bệnh đến ngưỡng, thực hiện theo nguyên tắc "4 đúng": đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng kỹ thuật.
Đang trong mùa mưa bão nên cùng với công tác phòng trừ sâu bệnh hại, huyện Nho Quan cũng chuẩn bị sẵn sàng các phương án chống ngập úng cho những diện tích lúa có khả năng bị ngập khi có mưa lớn xảy ra, góp phần đảm bảo năng suất cũng như sản lượng lương thực năm 2014.
Bài, ảnh: Hà Phương