Năm 1997, gia đình ông Phạm Văn Quảng ở thôn 1, xã Phú Long được giao khoán chăm sóc, bảo vệ hơn 4 ha rừng. Gắn bó nhiều năm với rừng và thường xuyên được tuyên truyền về ý nghĩa trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, gia đình ông cũng như người dân trong thôn ai cũng nhận thức được vai trò của rừng với cuộc sống.
Ông Phạm Văn Quảng cho biết: Ngay từ khi được giao rừng, tôi đã trồng cây lâu năm như keo, bạch đàn, lát để không những phát triển kinh tế gia đình mà các cây này trồng lâu sẽ giữ đất không sạt lở, đất không bạc màu, góp phần bảo vệ hệ sinh thái cũng như nguồn nước, môi trường sống, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu với cuộc sống. Để cây sinh trưởng, phát triển tốt, tôi thường xuyên chăm sóc cây trồng mới và bảo vệ diện tích cây trưởng thành, đảm bảo tốt an ninh khu vực trồng rừng. Trung bình, khoảng 5-6 năm, tôi khai thác gỗ trên diện tích rừng trồng. Cứ thu hoạch đến đâu, gia đình tôi lại trồng mới đến đó theo hướng dẫn của ngành chức năng. Bình quân mỗi năm, đất đồi rừng cho gia đình thu nhập 60 triệu đồng. Từ thu nhập ổn định từ trồng rừng, kinh tế gia đình tôi ổn định, có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống và nuôi con cái ăn học.
Phú Long là xã vùng cao của huyện Nho Quan, với 1.800 hộ dân trong xã, có tới 70% hộ dân có đất đồi rừng, trung bình mỗi hộ có khoảng 1ha đất đồi rừng trở lên. Đồng chí Bùi Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Long cho biết: Đối với công tác trồng cây gây rừng, thực hiện chương trình của tỉnh, huyện, xã Phú Long đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân trồng và bảo vệ rừng. Toàn xã có 866 ha diện tích rừng, trong đó có 3 loại rừng (rừng núi đá, rừng sản xuất và rừng đầu nguồn). Xã đã giao cho từng hộ trồng và bảo vệ, trông coi.
Đặc biệt, xã có gần 50% diện tích rừng sản xuất. Nhận thức được vai trò của trồng rừng, nhân dân đã chú trọng công tác trồng và bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, hàng năm, vào dịp đầu xuân, xã phát động trong toàn xã trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; vận động nhân dân mua cây giống về trồng rừng; nâng cao ý thức bảo vệ rừng, mang lại hiệu quả kinh tế, không để phá rừng, cháy rừng. Hiệu quả kinh tế rừng sản xuất, mỗi năm cho thu nhập 60-70 triệu/đồng/ha. Sau khai thác, nhân dân tiếp tục trồng gối vụ, mỗi năm, trên địa bàn xã trồng mới 5 ha cây rừng, do đó diện tích rừng trên địa bàn xã luôn đảm bảo xanh tốt quanh năm.
Huyện Nho Quan có gần 18.000 ha rừng, trong đó rừng đặc dụng trên 11.000 ha, rừng phòng hộ trên 3.000 ha, rừng sản xuất gần 2.600 ha. Toàn huyện có 16/27 xã có rừng, trong đó có 8 xã trọng điểm về rừng và đất lâm nghiệp, như Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Thạch Bình, Xích Thổ, Quảng Lạc, Sơn Lai, Quỳnh Lưu.
Hiện nay, nghề trồng rừng thu hút nhiều tập thể, hộ nông dân tham gia. Lợi ích kinh tế từ trồng rừng đã giúp cho nhiều hộ dân nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo và bước đầu làm giàu từ rừng. Đồng chí Phạm Văn Dũng, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nho Quan cho biết: Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ về phát động trồng cây gây rừng trong toàn dân, hàng năm, Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phối hợp với UBND các xã tổ chức các buổi lễ phát động Tết trồng cây gây rừng, tạo ra sức lan tỏa cho người dân cùng tham gia vào phát triển diện tích đất rừng được giao quản lý.
Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát, đối với tất cả diện tích rừng sản xuất; đôn đốc các chủ rừng trồng đúng mùa vụ, đúng thời hạn theo quy định đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của địa phương, đặc biệt là UBND các xã trên địa bàn cùng kiểm tra, đôn đốc và giám sát các hộ trồng rừng theo đúng quy định, vừa đảm bảo phát triển kinh tế cho hộ gia đình địa phương, vừa giữ được màu xanh cho quê hương.
Cùng với đó, công tác bảo vệ rừng trên địa bàn huyện được chú trọng. Đối với các xã có rừng, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn cùng UBND xã và các chủ rừng tham gia bảo vệ diện tích rừng hiện có và rừng phòng hộ. Thường xuyên duy trì lực lượng cán bộ của Hạt Kiểm lâm huyện bám sát địa bàn, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động về quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn huyện, như các hoạt động về phòng, chống cháy rừng, bảo vệ diện tích rừng phòng hộ, rừng thông đã trồng tại địa bàn cách đây 40 năm; tổ chức phối hợp tuần tra bảo vệ rừng tận gốc, các khu vực giáp ranh, các khu vực tiềm ẩn xảy ra phá rừng, các khu trọng điểm cháy; tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân và chính quyền địa phương trong công tác tham gia bảo vệ rừng trên địa bàn.
Năm 2018, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng ngăn chặn hiệu quả các trọng điểm phá rừng, không để tình trạng phá rừng nghiêm trọng trên diện rộng; trên địa bàn huyện xảy ra 3 vụ cháy rừng với tổng diện tích 1,78 ha, các đám cháy rừng đều được phát hiện kịp thời và hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra. Trong năm 2019, huyện Nho Quan được giao theo kế hoạch hỗ trợ rừng sản xuất cho đồng bào dân tộc khó khăn là 50 ha, theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ, với diện tích được hỗ trợ hiện đã cơ bản hoàn thành.
Bài, ảnh: Tiến Minh