Với đại đa số đồng bào dân tộc trong huyện thuộc các xã vùng cao, vùng khó khăn, việc đưa các xã có đông đồng bào dân tộc phát triển tương đồng với các xã vùng đồng bằng, huyện Nho Quan đã quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Hàng năm có 320 lượt cán bộ khối Đảng, đoàn thể và các ngành chuyên môn của huyện được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.
Từ năm 2009-2014, đã có 32 cán bộ là người dân tộc thiểu số được cử đi học các lớp đại học chuyên môn, 4 người đào tạo cao đẳng, 12 người đào tạo trung cấp; 31 người được cử đi học các lớp trung cấp chính trị. Huyện đã xét cử tuyển cho 44 học sinh vào học các trường cao đẳng, đại học và 46 học sinh theo học tại Trường vùng cao Việt Bắc. Cử 76 cán bộ chủ chốt các xã đi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng đối tượng 4. Hàng năm phối hợp với Huyện đội và các địa phương bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho đối tượng 5 (là các đồng chí Bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, cán bộ các đoàn thể ở các xã). Công tác tạo nguồn cán bộ cho vùng đồng bào luôn được quan tâm, các địa phương đã tổ chức chọn cử 248 quần chúng ưu tú là người dân tộc đi học lớp cảm tình Đảng, kết nạp được 178 đảng viên mới là người dân tộc thiểu số.
Thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hàng năm, huyện đã chỉ đạo các xã bình xét người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Trong 3 năm (từ 2012-2014), có 172 lượt người được bầu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc ở 8 xã có đông đồng bào dân tộc. Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế hộ gia đình, là chỗ dựa tinh thần, tấm gương giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, là trung tâm đoàn kết trong cộng đồng dân cư, dòng họ, gia đình.
Tiêu biểu như ông Đinh Văn Sơn, ông Đinh Công Khôn, ở xã Cúc Phương; bà Bùi Thị Hoa, ở xã Phú Long; bà Quách Thị ánh, ông Quách Văn Huyền, ông Đinh Công Chữ, ông Bùi Văn Tin, ở xã Thạch Bình… đã tích cực vận động bà con trong thôn, bản thực hiện việc giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, vận động đồng bào dân tộc là giáo dân xây dựng xứ đạo, họ đạo tiên tiến, hộ gia đình giáo dân gương mẫu…
Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, đúng quy định, các chương trình được triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh. Trong 5 năm, Chương trình 134 đã đầu tư hơn 17 tỷ đồng cho các dự án nước sạch tại các xã Kỳ Phú, Thạch Bình, Cúc Phương, Phú Long; trên 35 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; hơn 11 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp đầu tư hỗ trợ sản xuất, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thôn, bản, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Việc hỗ trợ cho học sinh, sinh viên tại các xã 135 và các thôn đặc biệt khó khăn được huyện quan tâm và thực hiện đúng quy định. Đã tổ chức cấp kinh phí hỗ trợ miễn, giảm học phí cho trên 10 nghìn học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn; tổ chức cấp kinh phí gần 8 tỷ đồng cho trên 14 nghìn lượt đối tượng được hỗ trợ học tập cho trẻ mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn; tổ chức chi trả hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em 3, 4, 5 tuổi...
Thời gian tới, huyện Nho Quan tiếp tục thực hiện các chính sách, chương trình đầu tư, hỗ trợ để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các xã, thôn, bản vùng dân tộc còn nghèo, khó khăn. Đồng thời, tăng cường đầu tư, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, vốn tín dụng đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt khó khăn.
Bài, ảnh: Tiến Minh