Có kinh nghiệm nhiều năm trồng cây cà chua trên diện tích đất màu, nhưng năm nay là năm đầu tiên gia đình ông Bùi Văn Cương, thôn Ngải, xã Văn Phong được Hội Nông dân huyện, xã hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật đưa vào trồng cây cà chua trái vụ. Ông Cương cho hay, gia đình ông có 2 mẫu ruộng, trong đó 1 mẫu cấy lúa, 1 mẫu trồng cây màu gồm khoai sọ, dưa chuột, cà chua đúng vụ, hàng năm quay vòng cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Năm nay, khi được tuyên truyền, xây dựng mô hình trồng 5 sào cây cà chua trái vụ giống TH1 của Trường Đại học Nông nghiệp I, gia đình ông rất phấn khởi và sẵn sàng học tập, thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của Trung tâm Nghiên cứu khoa học nông - vận (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam). Được biết, trước khi thực hiện mô hình, ông Cương được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật bằng hình thức "cầm tay chỉ việc", trong quá trình sản xuất thực hiện nghiêm túc theo quy trình sản xuất sạch, an toàn thực phẩm của cán bộ kỹ thuật; đồng thời được hỗ trợ giống, phân bón và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.
Mặc dù bị ngập úng trong trận mưa lũ lịch sử vào giữa tháng 10 vừa qua, lứa hoa và quả đầu tiên bị thiệt hại hoàn toàn, song nhờ có biện pháp khắc phục kịp thời, chăm sóc sau ngập úng đúng quy trình kỹ thuật, hiện giống cây cà chua TH1 trái vụ tại xã Văn Phong đang hồi phục, phát triển tốt, ra khá nhiều hoa và quả. Qua đánh giá bước đầu, cây cà chua đang phát triển tốt, quả căng mọng, bóng đẹp, dự kiến cho thu hoạch vào trung tuần tháng 11/2017 với năng suất, chất lượng và giá thành cao hơn cây cà chua chính vụ, bởi thị trường hiện sau mưa lũ đang khan hiếm rau xanh và cà chua thường phải nhập từ các tỉnh khác hoặc nhập từ Trung Quốc với giá thành khá cao.
Theo đồng chí Hoàng Thị Thúy Ngân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nho Quan, là một trong những tổ chức, đoàn thể được huyện Nho Quan giao nhiệm vụ xây dựng các mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp để đảm bảo an toàn thực phẩm và tăng giá trị trên diện tích canh tác cho nông dân, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khoa học nông - vận (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) khảo nghiệm mô hình trồng một số loại rau trái vụ, trong đó có cây cà chua TH1 do Trường Đại học Nông nghiệp I cung cấp. Theo đó, Hội Nông dân huyện đã chọn xã Văn Phong để thực hiện mô hình trên diện tích trên 2ha. Các mô hình này được thực hiện liền mảnh trên diện tích đất màu của 1 hộ hoặc nhóm hộ gia đình. Các gia đình tham gia mô hình được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng ngay tại ruộng, cán bộ kỹ thuật theo dõi thường xuyên sự phát triển của cây cà chua, có sự can thiệp kịp thời về phân bón, thuốc phòng trừ dịch bệnh để cây phát triển tốt.
Hiện nay, sau gần 2 tháng đưa vào trồng, cây cà chua trái vụ đang phát triển tốt, sắp cho thu hoạch. Ước tính, mỗi sào cà chua cho thu hoạch từ 1-1,2 tạ quả, với giá bán thu mua tại ruộng là 10-12 nghìn đồng/kg (giá cà chua sạch trái vụ hiện nay được bán ngoài thị trường từ 30-35 nghìn đồng/kg), ước 1 sào cà chua trái vụ cho thu nhập từ 12-15 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và các cây màu khác như dưa chuột, khoai sọ, bí xanh. Đánh giá bước đầu cũng cho thấy, chất đất ở Văn Phong và một số xã lân cận khá phù hợp với cây cà chua, trong đó có cà chua trái vụ, mở ra hướng phát triển mới, hiệu quả cho người dân trên địa bàn
Cũng theo đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoàng Thị Thúy Ngân, cây cà chua trái vụ là 1 trong 10 loại cây trồng mới được Hội Nông dân huyện xây dựng mô hình thử nghiệm trong những năm qua. Đối với cây cà chua trái vụ, sau khi thu hoạch kết thúc mô hình, Hội Nông dân huyện sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả của cây trồng mới này để nhân diện rộng trên các vùng đất có cùng thổ nhưỡng, thích nghi phù hợp với cây cà chua trái vụ. Đồng thời tiếp tục xây dựng các mô hình rau, quả an toàn thực phẩm khác như bí xanh, các loại rau sạch, từng bước đưa các loại cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, mở rộng cây trồng vụ đông, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác, tăng thu nhập cho nông dân.
Bài, ảnh: Huy Hoàng