Bà Đinh Thị Lợi (xã Gia Sơn, Nho Quan) năm nay 45 tuổi. Sức khỏe yếu, lại không có ngành nghề làm thêm lúc nông nhàn nên mặc dù không phải chi tiêu việc gì lớn nhưng năm nào gia đình bà cũng bị thiếu ăn vào tháng giáp hạt. Bà Lợi không lập gia đình và sống cùng anh trai - một người cũng độc thân. Bà nói: Sinh hoạt của hai anh em trông cả vào 3 sào ruộng, vụ nào cho năng suất cao nhất khoảng 6 tạ thóc. Số thóc này "gánh" hết các khoản chi tiêu của hai anh em, từ hiếu, hỷ đến thuốc men khi ốm đau, thế nên, năm nào anh em bà Lợi cũng khó khăn vào tháng giáp hạt… Bà Lợi là một trong tổng số 1.182 hộ gia đình nghèo trên địa bàn huyện Nho Quan - những gia đình được nhận hỗ trợ thiếu đói trong vụ giáp hạt đầu năm 2015.
Được biết, sau Tết Nguyên đán, UBND huyện Nho Quan đã hướng dẫn các xã, thị trấn trên địa bàn chỉ đạo các thôn, xóm tiến hành rà soát, lập danh sách những hộ có nguy cơ thiếu đói vụ giáp hạt đầu năm 2015. Đó là những hộ nghèo gặp khó khăn, rủi ro đột xuất hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Sau khi tổng hợp kết quả rà soát của các xã, thị trấn, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra về tận các thôn, xóm để nắm bắt tình hình thực tế, trên cơ sở đó xây dựng phương án hỗ trợ cho các đối tượng. Đến thời điểm này, 1.182 hộ (2.955 khẩu) nghèo có nguy cơ thiếu đói vụ giáp hạt đầu năm 2015 của huyện đã được nhận hỗ trợ với mức 15kg gạo. Vậy là "tháng ba, ngày tám" năm nay, nhiều gia đình nghèo không lo bị đói nữa.
Đồng chí Đinh Văn Tiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Tạo cơ hội để người nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững mới là giải pháp cơ bản nhằm hướng tới mục tiêu không còn cảnh đói trong "tháng ba, ngày tám". Với tinh thần đó, những năm qua, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo đã được huyện Nho Quan thực hiện có hiệu quả. Tính riêng năm 2014, toàn huyện có 9 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở; Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân gần 10 tỷ đồng cho hơn 400 lượt hộ nghèo, tổng dư nợ đến tháng 12-2014 là 4.328 hộ; 911 hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi với số tiền hơn 20 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Cấp tiền hỗ trợ và quà dịp Tết Nguyên đán để mọi nhà, mọi người đều có Tết; 80 lượt người nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí…
Bên cạnh đó, huyện xác định vấn đề mấu chốt là phải nâng cao chất lượng lao động nghề nông, tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, về giống... để bà con phát triển sản xuất. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường công tác đào tạo nghề nông cho nông dân và các chủ trang trại. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT tại các thôn, xã để giúp bà con nâng cao hiểu biết về KHKT. Từ đó hướng tới tăng năng suất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hướng dẫn họ biết làm nghề nông một cách khoa học, có kỹ năng quản lý, có kiến thức thị trường để lựa chọn nghề sản xuất ra loại sản phẩm có giá trị cao, thị trường tiêu thụ rộng...
Cụ thể, huyện đã chỉ đạo chuyển một số diện tích vùng trũng sang nuôi cá tập trung, mở rộng diện tích lúa tái sinh cho các xã Thượng Hòa, Thanh Lạc, Sơn Thành, Văn Phú... với diện tích hơn 1.000 ha. Đồng thời, chuyển đổi gần 3.000 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao như: mía, dứa, sắn... Bên cạnh đó, huyện còn chỉ đạo các xã có diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu chuyển sang rừng kinh tế, giao trực tiếp cho các hộ tự chủ quản lý để tăng thu nhập từ rừng. Đến nay, đã thực hiện chuyển đổi xong 200 ha, chủ yếu ở các xã: Thạch Bình, Gia Lâm, Phú Long, Kỳ Phú... Việc chuyển đổi quản lý rừng đã bước đầu có hiệu quả, tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình trồng rừng có thu nhập cao hơn.
Cùng với đó, UBND huyện Nho Quan xác định đào tạo nghề là khâu then chốt để giải quyết việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Trong năm 2014, huyện đã tổ chức được 10 mô hình khuyến nông, lâm, ngư cho trên 1.000 lượt người, trong đó có 220 đối tượng thuộc hộ nghèo, 260 đối tượng thuộc hộ cận nghèo; tổ chức được 3 lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho 100 lao động nông thôn, trong đó có 3 đối tượng thuộc hộ nghèo tại các xã Sơn Hà, Sơn Thành, Xích Thổ, tập trung vào các nghề xây dựng dân dụng, mộc dân dụng… Khảo sát sau đào tạo cho thấy, đa số lao động sau khi kết thúc khóa học đều có việc làm và thu nhập ổn định.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nghị lực vươn lên của nhiều hộ gia đình, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Nho Quan năm 2014 còn 5,9%.
Đào Hằng