Nho Quan đã sớm thành lập ban chỉ đạo từ huyện tới cơ sở, lập kế hoạch và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, tiến hành triển khai nội dung tới các tầng lớp nhân dân để mọi người hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường sống, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là sự cần thiết bảo vệ và phát triển những thủy sản quý hiếm, sống trong vùng bảo tồn.
Dựa vào điều kiện thực tế của địa phương, có đông đồng bào dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung, một số địa phương vùng ven sông sống chủ yếu nhờ nghề khai thác thủy sản…, giải pháp mà huyện Nho Quan coi trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân chuyển đổi nhận thức trong việc khai thác thủy sản, cùng với đó có biện pháp chuyển đối phương thức nuôi trồng thủy sản để đạt hiệu quả cao, hạn chế, tiến tới chặn đứng việc khai thác thủy sản bằng kích diện, xung điện.
Theo ông Trần Văn Dưỡng, Phó phòng NN-PTNT huyện Nho Quan, đến thời điểm này, Chỉ thị về khai thác thủy sản đã được triển khai sâu rộng tới các thôn, xóm, những gia đình trước đây có hoạt động khai thác thủy sản bằng kích điện, tuyên truyền, vận động họ cam kết không tham gia khai thác thủy sản theo phương thức hủy diệt. Những thôn, xóm ven sông, có nhiều hộ khai thác thủy sản thường xuyên, được coi là nghề chính thì việc tuyên truyền càng được đẩy mạnh, tăng cường, giúp họ nhận thức đúng, tuyệt đối không sử dụng phương tiện kích điện, xung điện để khai thác.
Xã Văn Phú là một trong những xã có nhiều đối tượng "hành nghề" kích điện khai thác thủy sản, qua kiểm tra cho thấy có tới trên 50 trường hợp thường xuyên sử dụng kích điện để khai thác thủy sản. Ngoài ra vào mùa mưa, úng lụt, số lượng người tham gia còn đông hơn. Trước tình hình trên, UBND xã Văn Phú đã ra quân vận động hộ dân không tham gia khai thác thủy sản bằng kích điện, chuyển đổi vật dụng, phương tiện đánh bắt sang mục đích khác và tiến hành cho người dân cam kết không tái sử dụng. Ông Phó Chủ tịch UBND xã Văn Phú cho biết, qua vận động thuyết phục, đến nay các đối tượng đều đã thực hiện nghiêm túc, cam kết chuyển đổi phương thức khai thác thủy sản, không dùng kích để đánh bắt, tuy nhiên vẫn còn 4-5 trường hợp cố tình, UBND xã đang tiến hành áp dụng các biện pháp mạnh để chấm dứt hiện tượng mang tính chất hủy diệt môi trường này.
Song song với tuyên truyền, giáo dục tại cộng đồng, huyện Nho Quan đã tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm như thu giữ, xử phạt đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Đặc biệt chú trọng tới các địa bàn có sông, ngòi. Thực tế cho thấy, người dân vẫn biết đó là việc vi phạm, song do hám lợi nên vẫn lén lút đánh bắt thủy sản bằng phương tiện cấm. Do vậy, với địa bàn rộng, lực lượng mỏng, phương tiện kiểm tra thiếu như hiện nay cũng là khó khăn dẫn đến còn tình trạng khai thác thủy sản bằng kích điện trên địa bàn.
Giải pháp lâu dài và có tính bền vững được huyện Nho Quan triển khai là chuyển đổi diện tích lúa cho hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản có giao khoán quản lý cho nhân dân, duy trì và mở rộng các làng nghề truyền thống, đưa nghề tiểu thủ công nghiệp tới các địa phương trong huyện để giải quyết việc làm trong lúc nông nhàn. Đối với người dân vùng chiêm trũng, vùng ven sông có nghề nuôi cá lồng, thủy sản khác, huyện tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa những giống thủy sản mới, có hiệu quả kinh tế cao vào nuôi thả để tăng thu nhập... tạo điều kiện giúp người dân có thu nhập, có việc làm ổn định cuộc sống, không tham gia đánh bắt thủy sản theo phương thức hủy diệt.
Bài, ảnh: Hạnh Chi