Để chủ động PCTT&TKCN mùa mưa lũ năm nay, huyện Nho Quan đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là khẩn trương sửa chữa, nâng cấp các công trình PCTT & TKCN, kịp thời đưa vào sử dụng trong mùa mưa lũ này.
Đồng chí Đỗ Văn Tuân, cán bộ Ban quản lý dự án giao thông - thủy lợi huyện Nho Quan cho biết: Trạm bơm Cống Rồng nằm trên địa bàn xã Văn Phương có tác dụng tiêu úng cho 6 xã nghèo vùng đê Năm Căn. Công trình được khởi công từ tháng 6 năm 2015, với tổng mức đầu tư là 138 tỷ đồng. Quy mô của dự án bao gồm 1 hệ thống gạt lũ và 1 trạm bơm tiêu úng gồm 6 máy, mỗi máy công suất 4.000m3/h.
Hiện nay, đơn vị thi công đang triển khai thực hiện xây dựng Cụm công trình đầu mối, bao gồm: nhà trạm, kênh dẫn vào bể hút, bể hút, kênh dẫn xả và cống xả; trong đó độ dài kênh tiêu chính đã làm được 2km/2,5km. Phấn đấu hoàn thành Cụm công trình đầu mối và hệ thống kênh tiêu trước mùa mưa bão năm nay để phục vụ công tác PCTT&TKCN năm 2016.
Dự kiến cuối tháng 4 sẽ thực hiện lắp máy và đi vào vận hành thử. Việc hoàn thành xây dựng xong Cụm công trình đầu mối, tương đương với việc thực hiện được 50% khối lượng công việc của toàn bộ dự án, sẽ góp phần gạt lũ và tiêu úng cho 6 xã vùng đê Năm Căn.
Trong năm qua, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện Nho Quan đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho việc cải tạo, nâng cấp thân đê, kè, cống, cầu phà... nhằm phục vụ cho công tác PCTT&TKCN. Như áp trúc thân đập hồ I xã Yên Quang; xây dựng công trình trạm bơm Đồi Khoai gồm 6 máy công suất 2.000m3/máy, có nhiệm vụ chống úng cho diện tích xã Quỳnh Lưu, hiện đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng; công trình cầu phao thôn Quyết Thắng qua địa phận sông Bôi, với tổng chiều dài 113,9 m, gồm 13 phao ghép thành 3 phao chính, chiều rộng sử dụng là 5,4m, góp phần phục vụ nhu cầu giao thông đi lại cho nhân dân, nhất là vào mùa mưa bão.
Với những diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, năm 2016, huyện đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, tu bổ, sửa chữa các công trình phục vụ PCTT&TKCN, hiện nay huyện đang xây dựng thêm trạm bơm tưới Sơn Hà và đang đề nghị tỉnh cho thực hiện nạo vét trục kênh tưới trạm bơm Đồng Đinh (Lạng Phong), hồ chứa Vườn Cà (Thạch Bình) để phục vụ công tác PCLB và tưới tiêu cho nhân dân.
Đồng thời, ngay từ những ngày đầu tháng 4, huyện đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp, xây dựng phương án PCTT&TKCN ở từng khu vực, vùng trọng điểm tại địa phương, đề ra phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão.
Đến nay, căn cứ vào kế hoạch phòng, chống lụt bão của huyện, các cấp, các ngành, các địa phương đã xây dựng xong các phương án thực hiện, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị phục vụ công tác PCTT&TKCN theo phương châm "4 tại chỗ".
Các xã, thị trấn duy trì kiểm tra, sửa chữa thường xuyên các công trình phục vụ phòng, chống lụt bão, các công trình giao thông thủy lợi trong phạm vi địa phương quản lý; tổ chức huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ứng cứu khi xảy ra sự cố, tai nạn, đặc biệt chú trọng phương án sơ tán nhân dân, tập trung củng cố mạng lưới thông tin liên lạc, đảm bảo có thể truyền tải thông tin tình hình kịp thời để nhân dân chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra. Huyện cũng đã chuẩn bị phương án chống lũ tiểu mãn, chống úng đảm bảo ăn chắc diện tích lúa và hoa màu vụ đông xuân ở vùng úng trũng, ngoài đê.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để nhanh chóng khôi phục hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân ngay sau khi thiên tai xảy ra trên địa bàn.
Cùng với đó, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương phát triển diện tích rừng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng phòng hộ, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhanh rừng sản xuất để nâng cao độ che phủ rừng, góp phần chống lũ và nắng nóng.
Bài, ảnh: Đức Lam