Nho Quan: Khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các xã vùng cao: Kỳ 2: Cần có bước đi dài hơi, đồng bộ
Thứ Tư, 04/08/2021, 06:02
Zalo
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các xã vùng cao huyện Nho Quan thời gian qua đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực tế, việc chuyển đổi này phần đa vẫn thực hiện manh mún, nhỏ lẻ; thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Bên cạnh đó, năng lực tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ của nông dân hạn chế; đặc biệt cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn khó khăn… Để giải được "bài toán" cây trồng hiệu quả cho bà con vùng cao, nhiều ý kiến cho rằng, cần có kế hoạch đầu tư dài hơi và đồng bộ của Nhà nước, của tỉnh, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con. Trong đó, đặc biệt quan tâm chọn giống cây phù hợp nhu cầu thị trường, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và có chính sách hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.
Nho Quan: Khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các xã vùng cao: Kỳ 2: Cần có bước đi dài hơi, đồng bộ
Phú Long, Kỳ Phú, Cúc Phương là những xã mà sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào tự nhiên. Với đặc điểm đó, cây mía được coi là cây trồng phù hợp và được nhiều nông dân các vùng này lựa chọn để đưa vào canh tác hàng chục năm nay. Nhờ ký kết hợp đồng với nhà máy, sản phẩm làm ra được thu mua với mức giá ổn định, hợp lý mà nhiều hộ dân ở đây đã khấm khá lên nhờ cây mía.
Tuy nhiên, từ năm 2018 trở lại đây, trước những khó khăn chung của ngành mía đường Việt Nam, giá mía giảm mạnh, khiến nông dân không có lãi hoặc lãi ít. Thua thiệt kéo dài nhưng phần đa nông dân vẫn loay hoay không biết chuyển sang cây trồng gì cho hiệu quả.
Ông Đinh Văn Thắng, bản Mét, xã Kỳ Phú chia sẻ: Giá mía giảm trong khi đó chi phí vật tư, phân bón, công lao động ngày càng cao khiến nông dân chúng tôi không có lãi. Thậm chí nhà nào phải thuê lao động còn phải chịu lỗ.
Tuy nhiên, lựa chọn cây trồng gì để thay thế lại là cả một vấn đề. Nếu trồng ngô không cẩn thận gặp đợt nắng hạn đúng lúc cây trỗ cờ thì coi như mất trắng, còn trồng sắn thì cũng có mức độ vì hiện chưa có nhà máy nào ký hợp đồng bao tiêu cả.
Cùng chung nỗi băn khoăn trồng cây gì, nuôi con gì, chị Đinh Thị Liên, thôn 4, xã Phú Long bày tỏ: gia đình có gần 2 ha đất canh tác, cũng đã xoay quanh đủ thứ cây trồng nào ngô, sắn, lạc, trồng cỏ nuôi bò, 2-3 năm vừa rồi mở rộng diện tích cây dứa, lãi được mỗi 1 vụ cuối năm ngoái, còn vừa rồi thu hoạch đúng đợt giá dứa giảm mạnh, phải nhờ các tổ chức đoàn thể giải cứu.
"Mong muốn của bà con là làm sao có các công ty, nhà máy ký kết đồng thu mua nông sản ổn định cho bà con, có thế mới yên tâm sản xuất được, chứ tự trồng, tự bán rất bấp bênh, không ổn định."- Chị Liên nói.
Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương chia sẻ: Đặc tính và thói quen của người dân trong xã là trồng cây gì, nuôi con gì ít rủi ro, chăm sóc đơn giản là họ thực hiện, bởi trình độ dân trí của người dân còn thấp. Hơn nữa, 60% diện tích đất canh tác của xã chưa chủ động được nước tưới, nên cây keo, sắn, ngô, mía là phù hợp nhất. Cũng có thời gian, bà con đưa cây nhãn, vải vào trồng nhưng không phù hợp lại chặt đi.
Trên địa bàn xã hiện nay có một số mô hình trồng cây có múi, thanh long nhưng quy mô nhỏ lẻ nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Còn lại một số hộ dân trồng cỏ nuôi bò, nuôi hươu, nuôi ong lấy mật tuy cho hiệu quả kinh tế khá nhưng việc nhân rộng còn hạn chế.
Hiện nay, thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác của Cúc Phương chỉ đạt khoảng 65 triệu đồng/ha, bằng non nửa so với trung bình chung của tỉnh. Mong mỏi chọn được cây trồng có hiệu quả kinh tế cao để từng bước nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con nông dân, chúng tôi nhiều lần kiến nghị cấp trên tìm loại cây trồng khác để thay thế cây keo, cây sắn, nhưng đến nay vẫn không biết loại cây nào thích hợp mà khuyến khích bà con trồng.
Ông Phạm Văn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh cho biết: Để chọn được cây, con vật nuôi phù hợp với khu vực miền núi, thời gian qua, Trung tâm đã triển khai khá nhiều mô hình khuyến nông, khuyến lâm ở khu vực này như mô hình trồng cỏ nuôi bò, mô hình trồng cây có múi… Tuy nhiên, khi triển khai ban đầu, mô hình rất thành công, nhưng việc nhân rộng lại rất khó. Nguyên nhân là do trình độ dân trí của người dân thấp, năng lực tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ hạn chế; sự đầu tư của người dân để kéo dài dự án không có…
Đất đồi xen lẫn núi đá, dẫn đến khó khăn trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất ở các xã vùng cao huyện Nho Quan.
Cần một chương trình tổng thể
Trao đổi về những khó khăn trong chuyển đổi cây trồng ở địa phương, ông Đinh Văn Thanh, chuyên viên phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Nho Quan cho rằng: Do địa hình không thuận lợi mà việc đầu tư cải tạo, nâng cấp, phát triển hệ thống thủy lợi ở các xã vùng cao của huyện hiện nay còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tưới, tiêu nước cho từng đối tượng cây trồng, trên từng loại đất nên công tác chuyển đổi gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn huyện chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, đầu ra của sản phẩm chuyển đổi chủ yếu vẫn đang tiêu thụ ngoài thị trường tự do, giá cả không ổn định nên chưa khuyến khích người dân đầu tư cho sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Kỷ, thôn 10, xã Phú Long, một người có hàng chục năm lăn lộn với nông nghiệp, giờ đây đang sở hữu 2 trang trại cây ăn quả thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm, nêu quan điểm: "Thực ra, đất đai, khí hậu ở các xã vùng cao Nho Quan rất tốt. Sản xuất kém hiệu quả không phải do thiên nhiên mà là do con người chưa làm "đến nơi đến chốn". Bà con vùng cao không có khả năng đầu tư lớn, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật là những cản trở lớn nhất hiện nay".
Còn anh Đinh Văn Hiệp, thôn 9, Phú Long lại cho rằng: "Bà con vùng núi chúng tôi có cái thuận là đất đai rộng rãi, mỗi hộ sở hữu 1-2 ha là chuyện bình thường, chứ không manh mún nhỏ lẻ 3-4 sào như các xã vùng đồng bằng nên sản xuất lớn rất dễ. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là vốn sản xuất và thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Đất vùng cao muốn trồng cây tốt phải đầu tư cải tạo rất nhiều, phải khoan giếng để chủ động nguồn nước tưới. Hiện nay, phần lớn bà con vẫn làm tự phát, thấy cây con gì giá trị là đổ xô nuôi trồng đến khi thị trường biến động là thua lỗ, trắng tay. Phải chủ động được đầu ra, có doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm thì mới đảm bảo được.
Để trồng các loại cây khai thác được tiềm năng đất đai phát triển kinh tế ở các xã vùng cao huyện Nho Quan, thời gian tới, các cấp, các ngành cần có kế hoạch đầu tư dài hơi và đồng bộ hơn. Trong đó, tiến hành rà soát lại diện tích sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp kém hiệu quả trên địa bàn. Có thể xây dựng hẳn một bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý bền vững tài nguyên đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, thông qua việc lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách và xã hội hóa, sớm đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phù hợp với yêu cầu chuyển đổi.
Ưu tiên thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị. Cần lấy thị trường làm đòn bẩy quyết định để kích cầu phát triển cây trồng, vật nuôi.
Ngành nông nghiệp nghiên cứu, lựa chọn giống có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng vùng sinh thái, phù hợp với nhu cầu thị trường; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng, vật nuôi chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất…Có như vậy mới hy vọng giải được "bài toán" cây trồng hiệu quả cho bà con vùng cao.