Lượng mưa đo được trong những ngày qua ở huyện Nho Quan là trên 300 mm, riêng tại khu vực xã Cúc Phương, lượng mưa đo được trên 511mm.Theo số liệu tổng hợp nhanh của UBND huyện Nho Quan, đến 15h ngày 10/5, mưa lớn đã làm toàn huyện bị mất trắng 550 ha lúa đông xuân, 1.800 ha lúa ngập tới cổ bông và hàng trăm ha ngô và rau đậu bị ngập nước. Một số tuyến đường giao thông, thủy lợi, trạm điện bị hư hỏng…
Mặc dù xác định là vùng trọng điểm của mưa úng, lũ lụt, công tác chuẩn bị cho PCLB đã được triển khai sớm, chủ động trong mọi tình huống, song do mưa lớn kéo dài liên tục trong nhiều giờ, ngoài khả năng phòng chống, trong khi đó lũ năm nay về sớm hơn so với nhiều năm, nên phần lớn diện tích lúa vùng tiểu mãn bị ảnh hưởng, nhiều diện tích lúa trong đồng đang vào chắc xanh và chín đã bị ngập sâu trong nước, khó có khả năng cho thu hoạch nếu tiết tục mưa và nước từ thượng nguồn đổ về. Mưa lớn cũng đã làm 200 ha thủy sản, chuồng trại chăn nuôi của huyện bị lũ tràn.
Ngay trong mưa lũ, huyện Nho Quan cũng đã tập trung chỉ đạo các địa phương và nhân dân triển khai các biện pháp đối phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Huy động các trạm bơm tiêu nước trong đồng, bảo vệ lúa, rau màu và thủy sản. Ông Vũ Văn Vượng, Chủ tịch UBND xã Lạc Vân cho biết: Là xã có nhiều diện tích lúa ngoài đê, để chủ động đối phó với tình huống bất ngờ trong sản xuất, trước khi có lũ tiểu mãn, xã đã huy động nhân lực tôn cao bờ vùng, lợi hà vùng cốt thấp, nhưng do nước lũ lên quá nhanh, nên ngay trong mưa lớn, xã đã huy động hàng trăm nhân lực xung kích trên địa bàn tiếp tục tôn cao vùng lợi hà đoạn trũng để ngăn nước lũ, cùng với đó là vận động bà con nhân dân thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa. Đến nay toàn xã đã thu hoạch được trên 20% diện tích lúa xuân.
Huyện Nho Quan cũng đã chỉ đạo bà con nông dân huy động nhân lực thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa xuân, với phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Những diện tích trong đồng, huyện Nho Quan tiếp tục chỉ đạo bà con các xã trong huyện huy động máy bơm, phương tiện ra ứng cứu kịp thời.
Ngoài 25 trạm bơm với 73 máy có tổng công suất 87 nghìn m3/h đang được huy động bơm tiêu, các HTX trong huyện đã huy động hàng chục máy bơm dã chiến bơm tiêu cục bộ. Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão đã yêu cầu đội khai thác công trình thủy lợi thực hiện trực bơm tiêu nước cho lúa xuân đảm bảo 24/24h, đồng thời tiêu hết nước đệm trong đồng đề phòng có mưa lớn tiếp tục xảy ra.
Nông dân xã lạc Vân (Nho Quan) thu hoạch lúa bị ngập. Ảnh: Thanh Thủy
Khác với nhiều năm, mưa lớn đã hình thành lũ quét tại đây. Lũ quét kéo theo đất, đá vùi lấp hàng 100m, đoạn quèn Thạch đường vào Cúc Phương, có đoạn đường bị đất đá vùi lấp dầy 0,6 đến 0,7m. Mưa lớn cũng đã làm hơn 100m đoạn đường vào UBND xã Cúc Phương bị nước ngập sâu từ 1,2 đến 1,5m, đường vào Vườn Quốc gia Cúc Phương bị ách tắc trong nhiều giờ liền. Sáng ngày 10-5, huyện Nho Quan đã tiến hành khắc phục hậu quả lũ quét, huy động máy móc san ủi đất đá, thoát nước, thông tuyến.
Theo ông Mai Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan thì, hệ thống đê bao thoát lũ thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho bà con nông dân, nhiều diện tích lúa được mở rộng và ăn chắc cả 2 vụ trong điều kiện thời tiết nhất định. Tuy nhiên, so với thực tế hiện nay, hệ thống trạm bơm tiêu chưa đồng bộ với hệ thống thủy lợi, nhiều trạm bơm xuống cấp, không đảm bảo tiêu úng cho lúa ở điều kiện mưa lớn xảy ra liên tục nhiều ngày. Đặc biệt, nhiều xã chưa có trạm bơm tiêu nên công tác khắc phục mưa úng gặp nhiều khó khăn.
Xã Sơn Lai là 1 ví dụ, toàn xã có gần 300 ha lúa, do được đầu tư nâng cấp hệ thống đê bao, xã tập trung vào chuyển đổi giống lúa, nên diện tích lúa của xã phát triển tốt, vụ lúa xuân năm nay khả năng cho năng suất cao. Nếu trong điều kiện nhất định thì hệ thống đê bao đã giúp bà con chủ động tưới, tiêu. Song trong điều kiện lượng mưa lớn như vừa qua, mực nước sông lên cao, cao hơn mực nước trong đồng hơn 1m, xã lại không có trạm bơm tiêu, do vậy nhiều diện tích lúa của xã bị chìm trong nước, hoặc ngập cổ bông. Thời tiết tiếp tục còn diễn biến phức tạp, lũ quét xuất hiện đầu tiên tại Nho Quan là dấu hiệu khác thường, khó lường hết được những thiệt hại do thiên tai gây ra. Vì vậy, sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự nỗ lực cố gắng của nhân dân Nho Quan trong công tác PCLB sẽ góp tích cực giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần ổn định đời sống người dân vùng lũ.
Bài, ảnh: P.V