Trạm Y tế xã Xích Thổ là trạm tiên phong trong ứng dụng phần mềm quản lý y tế cơ sở, hiệu quả đem lại rõ nét trong công tác cải cách hành chính nơi đây. Bác sĩ Trần Quốc Du, Trạm trưởng Trạm y tế xã Xích Thổ cho biết: Những năm trước, việc tính toán và xử lý số liệu báo cáo thủ công, mất quá nhiều thời gian của cán bộ y tế, làm cho công tác khám, chữa bệnh bị ảnh hưởng, hao tốn nguồn lực, số liệu cập nhật lâu khi cần tra cứu, bệnh nhân đến khám, chữa bệnh phải chờ đợi vì mọi khâu làm thủ công, từ vào sổ, kê đơn thuốc, chỉ định của bác sĩ đều viết tay nên chậm. Đầu năm 2017, khi Trạm áp dụng phần mềm quản lý y tế cơ sở cho thấy hiệu quả rõ rệt, không chỉ tiện lợi trong quản lý khám, chữa bệnh vì chỉ cần nhập mã số của người bệnh thì tất cả thông tin liên quan đều có đầy đủ, kể cả tiền sử bệnh, những lần khám trước đó, các thuốc đã sử dụng, vừa giảm thời gian lục tìm hồ sơ, viết tay rất lâu như trước kia. Đáng chú ý, danh mục thuốc cũng cập nhật đầy đủ, thông tin thẻ BHYT được lưu trữ, tránh những sai số có thể dẫn đến xuất toán. Đồng thời rút ngắn thời gian tổng hợp, thống kê số liệu cho nhân viên y tế, độ chính xác cao về số liệu thanh, quyết toán BHYT; khớp số liệu tồn kho, tránh thất thoát chứng từ. Việc báo cáo số liệu lên tuyến trên khi có yêu cầu từ Trung tâm y tế, UBND xã được Trạm thực hiện nhanh, cập nhật theo giờ. Đối với xã Xích Thổ có địa bàn rộng, dân số đông, mỗi tháng Trạm khám, chữa bệnh cho trên 800 bệnh nhân, việc ứng dụng phần mềm y tế cơ sở giúp công tác quản lý bệnh nhân tại Trạm thuận lợi.
Thạc sỹ Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nho Quan cho biết: Được triển khai từ tháng 6/2016, hệ thống quản lý văn bản điều hành công việc được triển khai xuống các đơn vị trực thuộc và 100% các trạm y tế xã, thị trấn bước đầu được thực hiện tốt. Việc ứng dụng đã phát huy hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, giảm thời gian, giám sát hiệu quả công việc, tiết kiệm văn phòng phẩm... Cùng với đó, Trung tâm Y tế huyện còn đăng ký hệ thống nhắn tin SMS tự động đến tất cả các cán bộ, nhân viên của toàn bộ đơn vị trực thuộc với mục đích kịp thời triển khai ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc.
Đặc biệt, từ tháng 12/2016, Trung tâm Y tế huyện Nho Quan là một trong những đơn vị đầu tiên trong tỉnh ứng dụng và phối hợp cùng VNPT tỉnh tập huấn phần mềm quản lý y tế cơ sở cho tuyến xã. Tháng 1/2017, phần mềm chính thức được triển khai tới 27/27 trạm y tế xã, thị trấn trong toàn huyện. Phần mềm gồm 7 module chính: Khám bệnh, Dân số, Chăm sóc sức khỏe, Dược, An toàn thực phẩm, Báo cáo các chương trình, Báo cáo theo Thông tư 27/2014/TT-BYT. Thông qua phần mềm quản lý y tế cơ sở giúp cho đơn vị quản lý tốt các chương trình mục tiêu y tế Quốc gia, liệt kê được danh sách phụ nữ đến tuổi sinh đẻ, người cao tuổi, quản lý bệnh nhân chuyển tuyến, quản lý bệnh nhân không lây nhiễm, quản lý tử vong; đồng thời biết được bệnh nhân vãng lai đến địa bàn khám, điều trị. Đến nay, 100% trạm y tế xã, thị trấn đã liên thông dữ liệu sang cơ quan Bảo hiểm xã hội để cập nhật tự động dữ liệu theo hướng công khai về thông tin bệnh nhân, hồ sơ bệnh án (bệnh nhân bị bệnh gì, dùng các loại thuốc nào, giá của từng loại thuốc dùng cho bệnh nhân…). Qua đó, tránh được tình trạng trục lợi BHYT; cùng với đó là sử dụng máy đọc mã thẻ BHYT giúp giảm đáng kể thời gian tiếp đón bệnh nhân.
Cùng với triển khai áp dụng phần mềm quản lý y tế cơ sở, trong 2 năm (2017 và 2018), 27 trạm y tế xã, thị trấn cũng được triển khai các phần mềm theo từng chương trình của Bộ Y tế, ví dụ như: Hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm, Hệ thống thông tin tiêm chủng Quốc gia, Hệ thống Quản lý sức khỏe và Phục hồi chức năng người khuyết tật, Hệ thống quản lý và điều trị Methadone. Thời gian đầu triển khai còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên đến nay các hệ thống nêu trên đã được cán bộ y tế áp dụng thành thạo và quản lý tốt.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và phần mềm y tế cơ sở tại hệ thống trạm y tế xã trên địa bàn huyện Nho Quan đã đem lại nhiều lợi ích, giúp người bệnh tiếp cận dịch vụ y tế nhanh, giảm thời gian chờ đợi và mọi thông tin đều công khai, minh bạch, tạo lòng tin, giúp người bệnh gắn bó với trạm y tế xã, giảm tỷ lệ vượt tuyến.
Bài, ảnh: Hồng Vân