Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Lương Khôi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nho Quan cho biết, 5 năm qua, MTTQ huyện đã củng cố, kiện toàn Ban công tác Mặt trận ở các khu dân cư, cụ thể hóa các nội dung và tiêu chí của cuộc vận động gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ hộ nghèo nâng cao đời sống…Trong phát triển kinh tế, MTTQ các cấp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng các ngành nghề, xây dựng nhiều mô hình làm kinh tế giỏi.
Tiêu biểu như các mô hình trồng ớt xuất khẩu ở thôn Minh Long (xã Xích Thổ), thôn Hiền Lương (xã Văn Phú), thôn Yên Sơn (xã Phú Lộc); trồng khoai sọ ở thôn Yên Mỹ (xã Yên Quang); sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao ở các xã Đức Long, Lạng Phong; sản xuất lúa - cá và nuôi thủy cầm ở các xã Đức Long, Thượng Hòa, Thanh Lạc; trồng chuối tiêu hồng ở xã Phú Long; trồng cây công nghiệp, nuôi gà thả vườn, lợn rừng, hươu, ong mật ở các xã vùng cao Phú Long, Kỳ Phú, Cúc Phương… giúp cải thiện đáng kể đời sống nhân dân, số hộ khá, hộ giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo giảm mạnh từ 12,7% năm 2009 (theo tiêu chí cũ) xuống còn 7,82% năm 2013 (theo tiêu chí mới).
MTTQ các cấp còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", nhất là trên lĩnh vực xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ đời sống dân sinh. Nhờ đó, nhân dân trong huyện đã tự nguyện hiến 143.500 m2 đất, đóng góp 42.449 ngày công lao động và vật liệu ước tính 13,5 tỷ đồng, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước tập trung xây dựng các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn và các công trình phúc lợi cộng đồng khác, thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ cấp xã phối hợp cùng các đoàn thể tổ chức vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện cam kết thi đua xây dựng "Gia đình văn hóa", "Khu dân cư văn hóa". Các xã, thị trấn đều cụ thể hóa việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội thông qua việc xây dựng và bổ sung hương ước, quy ước của các thôn, bản, khu phố.
Đến nay, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều hủ tục lạc hậu được loại bỏ. Các đám cưới được tổ chức vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm; các đám tang không làm cỗ mời khách, không cờ bạc, đồng bóng, bói toán. Công tác quản lý lễ hội diễn ra nghiêm túc, chặt chẽ, việc tổ chức lễ hội được thực hiện nghiêm túc theo quy định, gắn với giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, bảo đảm an toàn cho du khách và nhân dân địa phương.
Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", giúp đỡ người không nơi nương tựa luôn được MTTQ các cấp quan tâm. 5 năm qua, các tầng lớp nhân dân trong huyện đã quyên góp ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", "Quỹ vì người nghèo", "Quỹ bảo trợ trẻ em", "Quỹ chăm sóc người cao tuổi" với số tiền trên 4 tỷ đồng để tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ làm nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, người có công; chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; xây sửa nhà cho hộ nghèo; hỗ trợ học sinh khó khăn...
Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, các hội đoàn thể trong mỗi thôn, xóm đều đến thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng, các gia đình neo đơn, tàn tật. Thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, hầu hết các khu dân cư đều có tổ hòa giải, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình hoặc bà con trong khu dân cư trên tinh thần đoàn kết yêu thương.
Bên cạnh đó, để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn thuần phong mỹ tục, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân. Trong đó, đặc biệt quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các nhà văn hóa thôn, bản theo tiêu chí nông thôn mới phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ của nhân dân. Các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được thành lập ngày càng nhiều, góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng, thể dục thể thao phát triển mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc như cồng chiêng, ném còn, đánh mảng, bắn nỏ, đẩy gậy… Đến nay, toàn huyện có 221/286 khu dân cư văn hóa, đạt 77,3%; 33.215 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 80,4%; có 248/286 khu dân cư có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng...
Có thể khẳng định, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" ở huyện Nho Quan trong những năm qua đã mang lại ý nghĩa thiết thực, tạo sự đoàn kết gắn bó, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư, phát huy được sức mạnh nội lực và vai trò làm chủ của nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Quốc Khang