Những kết quả đạt được Theo báo cáo của UBND huyện Nho Quan, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện năm 2018 ước tính khoảng 20.513 tấn; lượng nước thải sinh hoạt trên địa bàn huyện ước khoảng 11753.7 m3/ngày đêm; nước thải từ các trang trại, gia trại và các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ thải ra môi trường khá lớn.
Cùng với đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn có khoảng 20% cơ sở sản xuất có nguồn thải lớn ra môi trường không khí, điển hình như các nhà máy gạch: Gia Tường, Quỳnh Lưu, Phú Sơn, Gia Lâm, Văn Phú, Gia Sơn và một số cơ sở đốt than củi, tái chế nhựa... đây là những tác nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và sinh hoạt của nhân dân.
Từ thực trạng trên, UBND huyện Nho Quan đã chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động trực quan..., góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, các xã, thị trấn đã thực hiện tốt công tác thu gom rác thải, bảo vệ môi trường. Đến nay 21 xã, thị trấn đã thành lập các tổ thu gom rác thải. Khối lượng rác thải của 21 xã, thị trấn được Trung tâm Vệ sinh môi trường huyện thu gom, vận chuyển và xử lý trong năm 2018 ước khoảng 14.178 tấn. 6 xã không tổ chức các tổ thu gom mà giao cho các hộ gia đình tự phân loại, xử lý tại gia đình qua hình thức đốt hoặc chôn lấp, gồm các xã : Xích Thổ, Gia Sơn, Phú Long, Quảng Lạc, Cúc Phương, Thanh Lạc.
Ngoài ra, các địa phương đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ 3.146 ha rừng phòng hộ, trồng được 331.000 cây phân tán và 264 ha rừng sản xuất sau khai thác, ươm 220.000 cây giống lâm nghiệp; độ che phủ của rừng được đảm bảo. Phối hợp với Công ty cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình mở rộng mạng lưới, cung cấp nước sạch cho người dân; một số nơi chưa có công trình nước sạch khuyến khích hộ dân xây bể nước mưa, khoan giếng để đảm bảo nước hợp vệ sinh. Đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh khu vực đô thị 99% và khu vực nông thôn đạt 95%.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước
Trong năm 2018, UBND huyện đã cấp giấy xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường cho 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thực hiện ủy quyền cho UBND các xã, thị trấn xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, hoặc đề án bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi trên địa bàn huyện với 8 danh mục cụ thể, cấp xã đã xác nhận được 289 trường hợp.
Đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Năm qua, Phòng đã phối hợp UBND các xã, thị trấn rà soát hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi trên địa bàn huyện thực hiện việc lập và xác nhận Đề án bảo vệ môi trường đơn giản.
Đồng thời, phối hợp với các phòng chuyên môn tổ chức kiểm tra về môi trường các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Kết quả đoàn đã tiến hành kiểm tra 18 cơ sở sản xuất, chăn nuôi gồm: Công ty TNHH Thiên nhiên xanh xã Sơn Hà; Công ty TNHH MTV công nghiệp Hạ Long xã Xích Thổ theo kiến nghị của nhân dân; cơ sở chế tác đá mỹ nghệ tại xã Quỳnh Lưu, Văn Phú; Công ty CP Nam Anh Tú xã Xích Thổ; cơ sở sản xuất viên gỗ nén của bà Vũ Thị Phương Anh; nhà máy gỗ Sơn Lai thuộc Công ty TNHH An Cường Thịnh; cơ sở may xuất khẩu của ông Dương Xuân Hải, xã Sơn Lai và 10 cơ sở chăn nuôi gia súc trên địa bàn.
Qua đó đã giao cho UBND cấp xã xử phạt vi phạm hành chính 4 trường hợp. Kiểm tra 5 cơ sở thu mua, tái chế phế liệu yêu cầu UBND xã xử phạt vi phạm hành chính 3 cơ sở tái chế phế liệu, yêu cầu 1 cơ sở dừng hoạt động.
Thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục phối hợp với ủy ban MTTQ tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Tạo điều kiện để ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên phối hợp, phản biện, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường.
Tổ chức hướng dẫn các hộ dân thu gom và phân loại, xử lý rác thải nông thôn theo hình thức thu gom và vận chuyển về nhà máy xử lý và xử lý tại hộ gia đình bằng các hố rác xây dựng tại hộ. Thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải theo quy định.
Gắn trách nhiệm quản lý, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của chính quyền các cấp và các tổ chức, cá nhân xả thải trên địa bàn huyện. Việc quản lý thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của chính quyền các cấp.
Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội các cấp theo thẩm quyền, chịu trách nhiệm trước cấp trên trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện và các tồn tại, vi phạm trong hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Song hành với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Nguyễn Thơm